📞

“Wikipedia” Trung Quốc sẽ ra mắt vào năm 2018

13:58 | 06/05/2017
Trung Quốc đã tuyển một số lượng khổng lồ các học giả và chuyên gia tham gia tạo dựng một trang web bách khoa toàn thư trực tuyến riêng, tương tự Wikipedia, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2018.

Trung Quốc cũng đang có một trang tương tự là Baidu Baike, thuộc công ty internet tư nhân Baidu. Công ty này điều hành công cụ tìm kiếm lớn nhất và thành công nhất của Trung Quốc. Bất kỳ người dùng đã đăng ký nào cũng có thể chỉnh sửa Baidu Baike bằng tên thật của họ và tất cả các chỉnh sửa đều được lọc bởi các quản trị viên trước khi tải lên. Các bài báo không tuân thủ luật kiểm duyệt quốc gia sẽ không được công bố.

Khác với Wikipedia, Baidu Baike, trang web mới của Trung Quốc không cho phép người dùng được tự do chỉnh sửa thông tin. Yang Muzhi, một học giả Trung Quốc cho rằng bách khoa toàn thư trực tuyến của nước này ra đời nhằm vượt qua Wikipedia, chứ không chỉ "bắt kịp" như cách các dịch vụ tương tự của Baidu hay Quihoo 360 từng tuyên bố.

Trung Quốc dự kiến ra mắt bách khoa toàn thư của riêng mình vào 2018. (Nguồn: gizmodo)

Mở mà không mở

Tại trang này, Chính phủ Trung Quốc sẽ duy trì kiểm soát chặt chẽ những mục họ có thể chấp nhận được. Theo đó, các thông tin về cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 được cho là có thể sẽ vắng bóng trong hơn 300.000 mục dự kiến.

Dự án được tài trợ bởi Cục Tuyên truyền - Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và do Nhà xuất bản Bách khoa Trung Quốc (EoCPH) thực hiện. Cơ quan này trước đây từng xuất bản một cuốn sách bách khoa toàn thư khác. Theo cô Jiang Lijun, biên tập viên của EoCPH, trọng tâm của cuốn bách khoa toàn thư trực tuyến sẽ là các bài báo học thuật không bị ảnh hưởng bởi các sự kiện hiện tại.

Cô Jiang thừa nhận rằng, Wikipedia dĩ nhiên sẽ mở rộng hơn ngân hàng tri thức trực tuyến mới của Trung Quốc nếu bất cứ ai cũng có thể chỉnh sửa nội dung, nhưng cô cũng nói rằng mục đích cao hơn của trang bách khoa toàn thư trực tuyến này của Bắc Kinh là tính thực tiễn và chuyên nghiệp. "Trên Wikipedia cũng có những nội dung bằng tiếng Hoa nhưng đôi khi thông tin đưa ra không chính xác, chúng tôi sẽ cố gắng loại bỏ những thông tin tự quảng bá và thiếu chính xác càng nhiều càng tốt trên trang mới". Hơn nữa, dù là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, nhưng các thứ tiếng của Trung Quốc không nằm trong top 10 của ngôn ngữ có nhiều trang Wikipedia nhất như các ngôn ngữ Afrikaans, Cebuano, Ba Lan và tiếng Việt.

Ra đời từ những mâu thuẫn

Không chỉ ở các quốc gia phương Tây mà ngay ở châu Á Wikipedia cũng đã trở thành một công cụ khá phổ biến đối với người dùng internet.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, họ không có quyền truy cập vào Wikipedia, cũng như một số trang web quốc tế khác, trong đó cả Google và Facebook. Chính phủ Trung Quốc và trang Wikipedia chưa bao giờ có những hợp tác tốt đẹp với nhau. Từ năm 2004-2008 và 2015-nay, trang bách khoa toàn thư trực tuyến trên đã bị chặn tại nước này. Những tranh cãi thường liên quan đến các bài viết về chính trị cũng như mâu thuẫn về mức độ kiểm duyệt khá thoải mái của Wikipedia.

"Để trang này không bị chặn ở Trung Quốc, họ phải chấp nhận tự kiểm duyệt hoặc bị kiểm duyệt bởi các cơ quan chức năng", nhà phân tích truyền thông độc lập Qiao Mu của Trung Quốc nói với Japan Times. Các chủ đề chính trị nhạy cảm như những phản đối về vụ việc Quảng trường Thiên An Môn, phong trào tôn giáo Pháp Luân Công bất hợp pháp, và phong trào Hồi giáo ở Tân Cương chắc chắn sẽ không được xuất hiện trên trang này.

Chính phủ Trung Quốc sẽ kiểm soát chặt chẽ bộ bách khoa toàn thư trực tuyến mới của họ. (Nguồn: Reuters)

Chính vì nỗ lực để bắt kịp thế giới và để không còn phụ thuộc vào những website quốc tế, ý tưởng về website bách khoa toàn thư trực tuyến của Trung Quốc đã ra đời.

Học giả Muzhi cho biết dự án nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc. Đồng thời, đây là nơi lưu trữ các giá trị di sản lịch sử. Tổng biên tập Báo Khoa học và công nghệ Trung Quốc Zhang Baichun nói với hãng tin AP: "Để thuyết phục người khác bạn phải trình bày những bằng chứng thuyết phục nhất".

Ông Zhang cũng cho biết, các giáo sư của Học viện Khoa học Tự nhiên Trung Quốc đã gặp các chuyên gia để thành lập hội đồng xét duyệt về mỗi bài báo. Sau đó, hội đồng này sẽ cử người soạn thảo lại bài viết, qua tay một biên tập viên khác rồi được trình bày trước Hội đồng. Dự kiến, có khoảng 20.000 học giả và chuyên gia sẽ tham gia vào dự án.

Theo ông Zhan, nếu có khác biệt về ý kiến, tất cả các biên tập viên chính cần cùng nhau thảo luận. "Chúng tôi sẽ giải thích điều này với người viết cho đến khi đạt được thỏa thuận cuối cùng", ông nói.

Dù vậy, theo Engadget, nhiều khả năng bách khoa toàn thư trực tuyến mới của Trung Quốc vẫn không đảm bảo được tính trung lập như cách Wikipedia đang hoạt động.

Với 720 triệu người sử dụng internet, Trung Quốc có dân số trực tuyến lớn nhất thế giới. Chính sách kiểm duyệt gắt gao của chính phủ nước này lại tạo ra những cơ hội để các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc tự phát triển dịch vụ riêng để thay thế và chiếm trọn thị trường.

(theo Sputnik, Gizmodo, Engadget)