Nhỏ Bình thường Lớn

Windows 8 ra mắt phiên bản thử nghiệm

Microsoft vừa cho ra mắt phiên bản dùng thử Windows 8 với phiên bản thử nghiệm Beta cuối cùng “Release Preview” tại Hội nghị di động thế giới MWC ngày 1.6 vừa qua. Sau đó, ngày 2.6, họ đã tung ra bản Windows Upgrade Offer, cho phép người dùng đã mua máy tính Windows 7 trước đó có thể nâng cấp lên phiên bản Windows 8 chính thức và Windows 8 Pro với giá 14,99 USD khi hệ điều hành này chính thức được ra mắt.
Windows 8 cung cấp những hỗ trợ tối ưu cho cảm ứng giúp người dùng có thể thuận tiện tối đa trong các thao tác. Ảnh: cinet

Đây được xem là bước chuẩn bị cuối cùng trước khi tập đoàn này tung ra hệ điều hành Windows 8 phiên bản chính thức có thể xuất hiện vào thời điểm kỳ nghỉ lễ mùa thu tại Mỹ khi sức mua của người dân Mỹ thường đạt mức cao nhất trong năm. Trước đó, Windows 8 Consumer Preview đã được tải hơn 1 triệu lượt chỉ trong vòng 24 giờ ra mắt đầu tiên hồi tháng 2.

Tại hội nghị, giám đốc bộ phận Windows của Microsoft, ông Steven Sinofsky, cho biết đây là “một định hình hoàn toàn mới của Windows”. Tuy là phiên bản mới nhưng hệ điều hành này vẫn hoạt động được trên các máy tính thông thường đang sử dụng các phiên bản của Windows khác, và đặc biệt là các thiết bị sử dụng vi xử lý ARM như điện thoại thông minh, máy tính bảng với phiên bản Windows 8 RT, gián tiếp gửi lời thách thức đến hệ điều hành iOS trên mẫu iPad của Apple. Các phần mềm đang hoạt động trên Windows 7 vẫn có thể hoạt động bình thường trên Windows 8, với cấu hình tương tự và không có nhiều khác biệt.

Có gì mới?

Theo lời của ông Sinoftsky, Consumer Preview có vài khác biệt so với phiên bản thử nghiệm sơ khai “Developers Preview” mà Microsoft đã cho ra mắt năm 2011. Ông nói, “Chúng tôi đã thay đổi và thêm 100 ngàn đoạn code trong mã nguồn của Windows 8, nên với nhiều người, đây thực sự là một sản phẩm hoàn toàn mới”.

Hệ điều hành Windows 8 gần như đáp ứng đầy đủ công việc cho những người có kiến thức cơ bản đến chuyên sâu về máy tính. Các ứng dụng của nó có thể hoạt động lồng vào nhau, ứng dụng này chạy bên trong ứng dụng khác, giúp đáp ứng hiệu quả cao hơn cho người dùng. Người sử dụng sẽ có hàng loạt trải nghiệm mới với hàng nghìn cải tiến như các tùy chọn để cá nhân hóa trên màn hình Start, hỗ trợ đa màn hình, thay đổi cách thức tìm kiếm, download ứng dụng trên Windows và tính năng bảo mật Family Safety.

Ngoài ông Sinoftsky , buổi ra mắt còn có sự góp mặt của ông Larson Green, Phó chủ tịch bộ phận Quản lý chương trình Windows, tham gia trình diễn khả năng hoạt động của Windows 8 trên máy tính bảng. Các thành phần trên Windows 8 đã được thiết kế lại để hỗ trợ màn hình cảm ứng nên việc sử dụng Windows 8 rất thuận tiện và êm ái.

Về tính năng chuyển đổi giữa các ứng dụng và phần mềm đang chạy cũng có chút thay đổi. Nếu trước đây người dùng phải nhấn tổ hợp phím Alt-Tab để chuyển đổi giữa các cửa sổ, bây giờ họ chỉ cần dùng ngón tay lướt trên màn hình, hoặc lướt trên cạnh màn hình để xem các ứng dụng đang chạy và chọn ứng dụng cần chuyển đến. Đặc biệt Window 8 còn hỗ trợ màn hình cảm ứng tối ưu hơn cho trình duyệt web Internet Explorer 10, với tính năng “Flip ahead”, cho phép người dùng trượt ngón tay để lựa chọn giữa các trang web. Giai đoạn đầu Windows 8 sẽ hỗ trợ 14 ngôn ngữ.

Hướng đến việc trang bị để hỗ trợ hoàn toàn cho các loại máy cảm ứng, nhưng Microsoft không thể bỏ qua máy tính truyền thống. Phần trình diễn với máy tính truyền thống để giới thiệu cách hệ điều hành mới hoạt động với chuột và bàn phím thông thường được phó chủ tịch bộ phận dịch vụ Windows Web của Microsoft, ông Antonine LeBlond thực hiện. Microsoft đã biến bốn góc màn hình của Windows thành 4 góc “ma thuật”, khi di chuyển con trỏ chuột đến đó sẽ kích hoạt bốn tính năng khác nhau của Windows, chẳng hạn như hiển thị danh sách các chức năng điều khiển.

Chức năng Copy dữ liệu cũng được thiết kế lại, cho phép người dùng tạm ngừng quá trình sao chép khi cần thiết và trở lại sau này. Nếu gặp lỗi trong quá trình sao chép dữ liệu, người dùng có thể phục hồi và tiếp tục từ thời điểm bị lỗi.

Điểm thu hút trên Windows 8 là giao diện Metro, với các khung ứng dụng có thể được tùy biến theo ý người dùng. Màn hình màu xanh truyền thống vẫn được giữ nguyên nhưng nút Start đã bị loại bỏ, thay vào đó người dùng chỉ việc di chuyển chuột đến vị trí nút bấm Start trước đây để kích hoạt menu.

Microsoft cũng đã tích hợp thêm cho hệ điều hành mới nhiều dịch vụ tiện ích mở rộng như tính năng chia sẻ lên mạng xã hội, tiện kích SkyDrive, dịch vụ để lưu trữ dữ liệu lên các máy chủ đám mây…

Trong lần này, Microsoft cũng cho ra mắt kho ứng dụng Windows Apps dành cho hệ điều hành mới. Với Windows Apps, các nhà phát triển ứng dụng và người dùng sẽ có một địa điểm để quảng bá và tìm kiếm các ứng dụng phù hợp để làm cho công việc của mình thuận tiện hơn bao giờ hết.

“Thương hiệu đáng tin cậy”

Chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu công nghệ Forrester, ông David Johnson nhận định, "Sau thời gian sử dụng tất cả các phiên bản dùng thử và mới đây nhất là bản Release Preview có thể khẳng định Windows 8 là một hệ điều hành hoạt động rất ổn định và đáng tin cậy cho người sử dụng". Ông Johnson cũng hoàn toàn tin tưởng phiên bản chính thức Windows 8 sẽ kịp ra mắt vào kỳ nghỉ lễ mùa thu năm nay đúng như cam kết của Microsoft với khách hàng khi cứ ba năm hãng này sẽ cho ra mắt một hệ điều hành mới.

Chính thức ra mắt lần đầu vào năm 1995 với hệ điều hành Window 95, hệ điều hành của Microsoft đã giới thiệu ra thị trường tám phiên bản với bản mới nhất là Windows 7 năm 2009. Kể từ khi ra mắt đến thời điểm hiện tại, Window vẫn luôn khẳng định là hiệu điều hành phổ biển nhất trên thể giới. Theo thống kê của hãng thống kế Global Stats tính đến 4/2012, Windows chiếm đến 88,29% thị phần hệ điều hành trên toàn cầu, mang lại trung bình 50% lợi nhuận Microsoft hàng năm.


Theo SGTT