Đó là kết luận của một nghiên cứu về các mặt hàng được sản xuất bởi những công ty chuỗi giá trị toàn cầu do Tổ chức Tài sản trí tuệ thế giới (WIPO) trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 20/11.
Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry cho biết, trong thời đại dây chuyền giá trị toàn cầu, tài sản vô hình ngày càng quyết định số phận cũng như tài sản của các công ty. Loại tài sản này ẩn chứa đằng sau hình thức, cảm giác, tính năng và sức hấp dẫn nói chung của sản phẩm và quyết định sự thành công của sản phẩm đó trên thị trường. Trong khi đó, tài sản trí tuệ là công cụ để các công ty đảm bảo lợi thế cạnh tranh từ loại vốn vô hình này.
Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry. (Nguồn: WIPO) |
Nghiên cứu của WIPO có nhan đề "Báo cáo tài sản trí tuệ thế giới 2017: Vốn vô hình trong dây chuyền giá trị toàn cầu" cho thấy, tính trung bình vốn vô hình chiếm 30,4% tổng giá trị hàng chế tạo được bán trong giai đoạn 2000 - 2014. Nhìn chung, trong thời gian này, thu nhập từ tài sản vô hình đã tăng 75% lên tới 5.900 tỷ USD trong năm 2014, cao gấp đôi số tiền mà tài sản hữu hình, như là nhà xưởng và máy móc, đóng góp cho tổng giá trị của hàng chế tạo.
Trong lĩnh vực điện thoại thông minh hạng sang, những tài sản vô hình quan trọng bao gồm công nghệ, thiết kế phần cứng và phần mềm và thương hiệu. Các công ty điện thoại thông minh và các nhà cung cấp công nghệ chủ yếu dựa vào bằng sáng chế, tên thương mại và thiết kế công nghiệp, những thứ đem lại lợi nhuận cao dựa trên vốn vô hình.
Đơn cử như với mỗi một chiếc điện thoại iPhone 7 mà Apple bán với giá 810 USD, khoảng 42% giá bán được xuất phát từ vốn vô hình. Huawei và Samsung cũng kiếm được phần lợi nhuận đáng kể nhờ điện thoại thông minh hạng sang.
Trên thực tế, trong lĩnh vực bằng sáng chế, có tới 35% trong tổng số các hồ sơ đăng ký lần đầu trên toàn thế giới liên quan đến điện thoại thông minh. Báo cáo cho thấy số bằng sáng chế liên quan đến tiêu chuẩn di động 4G cao gấp 4 lần số bằng sáng chế liên quan đến 2G.
Thành công của các smartphone dựa vào các tài sản vô hình. (Nguồn: WIPO) |
Công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc biến hạt cà phê thành cốc cà phê. Danh tiếng và hình ảnh thương hiệu cho phép các công ty tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình so với đối thủ. Thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi đã làm biến đổi dây chuyền giá trị cà phê toàn cầu, chuyển từ tiêu thụ tại nhà, sau đó là tại quán và giờ đây là sang một thế hệ mới của những người tiêu dùng có tri thức quan tâm đến câu chuyện đằng sau sản phẩm cà phê và sẵn sàng trả những mức giá cao.
Do đó, thông tin về nguồn gốc và sự đa dạng của các hạt cà phê, cách cà phê được trồng và được chế biến, thu nhập của người nông dân, đã trở thành một phần không thể tách rời trong quá trình bán cà phê.
Để thích nghi với sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng, những người trồng cà phê và thậm chí cả một số quốc gia đang đầu tư vào những chiến lược quảng bá thương hiệu. Nhờ loại vốn vô hình này, giá cà phê có thể cao gấp 4 lần giá cà phê của thời kỳ sản phẩm này chủ yếu được tiêu thụ tại nhà, Nhờ đó, thu nhập của người nông dân trồng cà phê sẽ tăng gấp 3 lần.
Trong một lĩnh vực khác, sự đổi mới công nghệ đang kéo theo những thay đổi lớn trong dây chuyền giá trị sản xuất toàn cầu cho các tấm pin năng lượng Mặt trời. Những tấm pin năng lượng Mặt trời đã thay đổi, từ chỗ là những sản phẩm có tính chuyên môn cao trở thành loại hàng hóa giá rẻ, gây áp lực lên các nhà sản xuất.