Nhỏ Bình thường Lớn

World Bank: Tăng trưởng của Việt Nam năm 2015 đạt trên 6%

Tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước mạnh. Mặc dù viễn cảnh kinh tế về trung hạn là tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro tiêu cực.
WB công bố Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 2015, sáng 5/10. (Ảnh: Vi Vi)

Đây là nhận định vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam 2015, sáng 5/10 tại Hà Nội.

WB đánh giá, mức tăng trưởng GDP tăng 6,3% trong nửa đầu năm 2015 là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua và quá trình hồi phục được thúc đẩy bởi tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ khi cả hai khu vực này đóng góp gần 50% tổng mức tăng trưởng GDP. Trong khi đó, mặc dù mức tăng trưởng ở khu vực bán lẻ tăng mạnh nhưng khu vực dịch vụ (chiếm gần 40% GDP) chỉ tăng 5,9% trong nửa đầu năm 2015.

Về phía cầu, đầu tư (do nguồn vốn đầu tư nước ngoài - FDI tăng mạnh) và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh đã kéo theo mức tăng trưởng. Tuy nhiên, cán cân thương mại đã bị âm do cầu bên ngoài suy giảm gây ảnh hưởng lên xuất khẩu trong khi hoạt động kinh tế trong nước tăng lại làm cho nhập khẩu tăng lên.

Thách thức về kiểm soát nợ công

Theo WB, lạm phát thấp đã cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng kiểm soát tiền tệ. Vào thời điểm tháng Tám vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi con số năm trước là 4,3%.

WB cảnh báo, nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn. (Ảnh minh họa – Nguồn: Bizlive)

Cắt giảm lãi suất được hỗ trợ bởi các biện pháp kinh tế vĩ mô cẩn trọng, trong khi đó có nới lỏng giới hạn tiền gửi ngắn hạn và giảm rủi ro đối với một số hoạt động cho vay. Qua đó, các ngân hàng đã có thể duy trì một mức lãi suất cho vay thấp hơn trước đây, làm cho tín dụng tính đến cuối tháng 6/2015 đã tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt chỉ tiêu do NHNN đề ra.

Trong bối cảnh đồng USD tăng giá trên toàn thế giới và phải đối phó với biến động tỉ giá tại các nước bạn hàng chính của Việt Nam, NHNN đã giảm giá đồng Việt Nam ba lần (tháng 1, tháng 5 và tháng 8/2015) với tống số 3% giá trị, nới rộng biên độ giao dịch từ +/-1% lên +/-3% tháng 8/2015 nhằm ổn định thị trường ngoại hối và duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

WB cảnh báo, mất cân đối tài khóa kéo dài đang gây quan ngại trong bối cảnh nợ công tăng. Tình hình thu ngân sách năm 2015 cho tới thời điểm này cho thấy áp lực tài khóa còn tiếp diễn với thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc ) dự kiến 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015.

“Điều đó thể hiện hiệu quả ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi cho đầu tư cơ bản tăng. Tổng nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014 (54,5% năm 2013). Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách”, báo cáo của WB chỉ rõ.

Quá trình tái cơ cấu không đồng đều

Báo cáo nhận định, tiến bộ trong quá trình tái cơ cấu không đồng đều nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Các chuyên gia cho rằng, để trở thành một nước công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đạt mức tăng trưởng gần 7%, Việt Nam cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu.

“Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (và thoái vốn đầu tư ngoài ngành) đã chậm lại trong năm 2015. Hoạt động củng cố ngành ngân hàng (sáp nhập và mua bán ngân hàng thương mại) đã tăng tốc trong nửa đầu năm 2015 nhưng nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn. Thiếu nguồn vốn tài chính, năng lực chuyên môn thấp, không có khung pháp lý phù hợp vẫn là những yếu tố cản trở Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) thực hiện giải quyết nợ xấu” – báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, WB cũng bày tỏ quan ngại khi cán cân ngoại thương suy giảm làm cho cán cân thương mại bị thâm hụt trong quý I/2015. Trong 7 tháng đầu năm 2015, thâm hụt thương mại là 3,5 tỷ USD (trong khi thặng dư thương mại năm 2014 là 2,1 tỷ USD). Theo WB, kết quả này thể hiện xuất khẩu đang giảm đi trong khi nhập khẩu tăng lên, nhất là nhập khẩu hàng hóa trung gian và hàng hóa vốn.

WB khuyến nghị, về các yếu tố trong nước, cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khóa trung hạn và phải được thực hiện cùng với quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm củng cố tài chính cho doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng quốc doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế áp lực nợ công và tăng cường niềm tin vào khu vực tư nhân.

Vi Vi