Thủ môn bắt thành công quả phạt đền tại World Cup 2022. (Nguồn: AFP) |
Theo thống kê của Opta, tỷ lệ cầu thủ đá hỏng trên chấm 11m ở World Cup 2022 cao một cách đột biến, tính từ World Cup 1966 đến nay.
Tính trong thời gian thi đấu chính thức, bù giờ và ở loạt sút luân lưu, đã có 31 quả penalty được thực hiện nhưng chỉ có 18 lần thành bàn. 13 cú sút đã hỏng ăn trên chấm 11m, chiếm tỷ lệ là 42%, cao nhất kể từ năm 1966.
Với việc Tây Ban Nha và Nhật Bản mỗi đội sút hỏng 3 quả phạt đền ở vòng 1/8, tỷ lệ đá hỏng trên chấm 11m ở vòng đấu loại trực tiếp còn tệ hại hơn khi chiếm tỷ lệ 53%, tương đương 7 lần thành bàn và 8 thất bại trong tổng số 15 cú sút.
Trong thời gian thi đấu chính thức, các đội đã thực hiện 16 quả phạt đền và 11 trong số đó đi vào lưới, 5 lần sút hỏng - chiếm tỷ lệ 31%.
Tây Ban Nha là đội gây thất vọng nhất trên chấm 11m. Với việc thất bại trong cả 3 cú sút luân lưu, họ trở thành đội tuyển thứ hai sau Thụy Sỹ không sút thành công một lần nào trong loạt "đấu súng" ở một kỳ World Cup.
Năm 2006, Thụy Sỹ cũng thua Ukraine với tỷ số 0-3 ở vòng 1/8.
Ngược lại, trên chấm 11m ghi danh hai thủ môn trở thành người hùng của đội tuyển mà họ khoác áo.
Đầu tiên là thủ thành Wojciech Szczesny khi anh trở thành thủ môn thứ hai trong lịch sử World Cup cản phá thành công quả phạt đền do chính mình gây ra (ở trận đấu với Argentina).
Người làm được điều này trước anh là Joel Bats, cựu thủ môn tuyển Pháp khi chạm trán Brazil tại World Cup 1986.
Szczesny cũng là thủ thành thứ tư trong lịch có từ hai lần bắt penalty thành công tại một kỳ World Cup (Ba Lan gặp Saudi Arabia và Argentina).
Ba cái tên đạt được thành tích này trước đây, đó là tiền bối Jan Tomaszewski năm 1974, Brad Friedel tại World Cup 2002 và Iker Casillas ở World Cup 2010.
Thủ môn thứ hai lập kỷ lục ở World Cup 2022 chính là thủ thành Bounou của Morocco, khi trở thành thủ môn đầu tiên của châu Phi cản phá thành công hai quả phạt đền trong một kỳ World Cup và khiến "ông lớn" Tây Ban Nha bị loại sau vòng 16 đội.