Từ trái sang: Wozniacki, Radwanska, Kvitova, S.Williams, Sharapova, Ivanovic, Bouchard và Halep. |
Sân tennis hay sàn catwalk?
WTA Finals năm nay hứa hẹn nhiều thú vị bởi đây không chỉ là lần đầu tiên giải được tổ chức ở Đông Nam Á mà còn vì giải hội tụ nhiều kiều nữ của quần vợt thế giới hiện nay.
Giải có sức hút lớn không chỉ bởi “cuộc chiến giữa những vì sao” mà còn là sàn diễn sắc đẹp với sự góp mặt của những mỹ nữ như Eugenie Bouchard, Maria Sharapova, Ana Ivanovic, Caroline Wozniacki, Agnieszka Radwanska, Petra Kvitova...
Sẽ không quá khi nói rằng WTA Finals 2014 có thể biến thành một sàn catwalk mà ở đó khán giả mày râu vừa được chứng kiến những pha bóng nảy lửa, vừa có được cảm giác ngất ngây trước nét đẹp tuyệt mỹ của những bóng hồng tennis.
Kể từ khi WTA Championships ra đời vào năm 1972 đã có các tay vợt đến từ mười quốc gia giành chức vô địch ở nội dung đơn, trong đó các tay vợt Mỹ áp đảo danh sách với 17 chiếc Cup. Ở các vị trí tiếp theo là các cường quốc tennis như Đức, Bỉ, Tiệp Khắc, Australia hay Thụy Sỹ.
Các tay vợt ở cả hai nội dung đánh đơn và đánh đôi tranh tài để giành chiếc Cup vô địch với tổng tiền thưởng của giải là 6,5 triệu USD. WTA Finals 2014 là giải đấu lần đầu tiên được tổ chức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo hợp đồng đã ký kết giữa các nhà tổ chức, giải đấu sẽ còn ở lại Singapore cho đến năm 2018.
Điểm mặt anh tài
WTA Championships là giải đấu danh giá bậc nhất của làng banh nỉ, chỉ xếp sau Grand Slam. Đã có không ít tay vợt tỏ ra có duyên với giải đấu này khi chức vô địch liên tiếp gọi tên họ.
Đứng thứ năm trong danh sách những nhà vô địch WTA Finals nhiều nhất trong lịch sử là cựu số 1 thế giới người Bỉ Kim Clijsters. Cô liên tiếp giành ngôi vị cao nhất của giải đấu này vào năm 2002 và 2003. Nhưng phải sáu năm sau đó, chức vô địch WTA Championships mới lại gọi tên Kim Clijsters khi cô xuất sắc đánh bại Caroline Wozniacki ở trận chung kết.
Tay vợt huyền thoại người Mỹ Chris Evert giành chức vô địch WTA Finals ngay lần đầu tiên giải đấu được tổ chức vào năm 1972 và ba lần sau đó (vào các năm 1973, 1975 và 1977). Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Chris Evert đã giành tới 18 danh hiệu Grand Slam và ngự trị ở ngôi số 1 thế giới trong năm năm.
Tay vợt số 1 thế giới hiện nay Serena Williams lần đầu tiên lên ngôi tại WTA Finals vào năm 2001. Tám năm sau (2009), Serena đánh bại chính cô chị Venus Williams để một lần nữa giành ngôi hậu, và với hai chức vô địch liên tiếp vào năm 2012 và 2013, tay vợt người Mỹ đang nuôi hy vọng vượt qua được đàn chị đồng hương Chris Evert – người đang nắm giữ năm chức vô địch WTA Finals.
Xếp ở vị trí thứ hai là tay vợt người Đức Steffi Graf với năm lần vô địch vào các năm 1987, 1989, 1993, 1995 và 1996. Đáng chú ý là vào năm 1988, cô đã giành tấm Huy chương vàng Olympic nội dung đánh đơn cùng với chức vô địch của cả bốn giải Grand Slam, qua đó trở thành tay vợt đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đoạt được Golden Slam.
Huyền thoại quần vợt mọi thời đại người Mỹ gốc Tiệp Khắc Martina Navratilova hiện đang là người nắm giữ kỷ lục về số lần đăng quang tại giải WTA Finals với tám chức vô địch. Giai đoạn 1983-1987 đã chứng kiến phong độ tuyệt vời của Martina khi bà năm lần liên tiếp độc chiếm ngôi hậu giải đấu danh giá này.
Trong bộ sưu tập danh hiệu của Martina Navratilova có tới 18 chức vô địch Grand Slam đánh đơn, 31 danh hiệu Grand Slam đôi nữ và 10 chức vô địch đôi nam nữ.
XUÂN HỒNG