Xác con mực khổng lồ dài 3m, nặng 200kg trôi dạt bờ biển Tây Ban Nha. |
Xác mực khổng lồ dài 3m, nặng khoảng 200kg trôi nổi trên vùng biển ngoài khơi đảo Tenerife thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha, được Teo Lucas, một nhà tự nhiên học và nhiếp ảnh gia phát hiện ra. Sau đó, sinh vật được đưa tới Viện hải dương học Tây Ban Nha.
Mẫu vật gần như còn nguyên vẹn. Ngay cả phần mắt khổng lồ - đôi mắt lớn nhất trong thế giới động vật, vẫn còn nằm nguyên trong hốc mắt. Nó chỉ bị mất phần đầu xúc tu, có thể do sinh vật giết chết con mực tạo ra.
"Phần lớn mẫu vật trưng bày tại viện bảo tàng sinh vật biển đều trong tình trạng không hoàn chỉnh", ông Jon Ablett, quản lý động vật thân mềm và động vật chân đầu ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tại London, cho biết.
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, đây là con mực còn ít tuổi. Khi ở độ tuổi trưởng thành, nó có thể đạt kích thước lớn hơn nhiều.
Trước đó vào tháng 9/2022, trên bãi biển thuộc vịnh Golden ở New Zealand, một nhóm khách du lịch vô tình bắt gặp xác mực khổng lồ bị mắc cạn, nằm bên bờ cát.
Anh Anton Donaldson, hướng dẫn viên của công ty du lịch Farewell Spit Tours, là một trong những người may mắn được chiêm ngưỡng khoảnh khắc này.
"Đó là con mực dài khoảng 4m, trên thân có một số vết cắn. Với phần lớn du khách thì đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời tận mắt chứng kiến xác mực khổng lồ dạt vào biển. Bạn cần có mặt đúng lúc vì vật chất hữu cơ không thể tồn tại mãi mãi", anh Donaldson chia sẻ.
Hướng dẫn viên du lịch này cho biết, nhiều vị khách trong đoàn thực sự phấn khích bởi họ lần đầu trong đời được nhìn thấy một sinh vật vốn sống hàng trăm mét dưới bề mặt của đại dương.
Được biết, mực khổng lồ là loài động vật thân mềm lớn thứ 2 trên thế giới, có thể đạt chiều dài 13m, nặng tới 300kg. Khi trưởng thành, con cái thường có kích thước lớn hơn con đực.
Các chuyên gia nhận định, chúng có thể sống khắp các đại dương, phổ biến hơn cả là vùng biển bao quanh New Zealand và Nhật Bản, Bắc Đại Tây Dương và Nam Phi, nhưng hiếm khi con người trông thấy chúng còn sống. Loài này sống ở độ sâu khoảng 305m đến 1.000m.
Lần duy nhất con người ghi được hình ảnh của mực khổng lồ là năm 2006 khi nhóm chuyên gia đang tác nghiệp ở ngoài khơi quần đảo Ogasawara, Nhật Bản.
Theo National Geographic, mực khổng lồ sở hữu đôi mắt to nhất trong thế giới động vật, có đường kính khoảng 25cm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sở dĩ chúng tiến hóa cặp mắt to như vậy để phát hiện ánh sáng phát quang sinh học từ con mồi trong bóng tối ở độ sâu hàng trăm mét.
Hiện thông tin về loài này chưa nhiều. Người ta chưa rõ chúng sống được bao lâu, khối lượng trứng trông thế nào. Cũng rất ít thông tin về chế độ ăn uống của chúng, ngoài một số loài cá nhỏ dưới đại dương.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia Clyde Rober và Elizabeth Shea từng đưa ra số liệu, mỗi năm, khoảng 131 triệu con mực khổng lồ trở thành thức ăn của cá nhà táng.