Chiều 2/8, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người Phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Người Phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo vắn tắt về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 diễn ra trong hai ngày 1 và 2/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người Phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt nội dung kỳ họp Chính phủ tháng 7/2016. (Ảnh: Tuấn Anh/TGVN) |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XIV vừa mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn các thành viên tại kỳ họp thứ nhất với sự tín nhiệm rất cao sau hơn 3 tháng làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương. Trước khi họp chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ khác.
Trước khi vào phiên họp, Thủ tướng cũng quán triệt một số định hướng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Chính phủ. Trước tiên, Chính phủ thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo quan điểm quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Một Chính phủ kiến tạo là dựa trên nền tảng thể chế, thượng tôn pháp luật, từ đó Chính phủ tập trung xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, lấy nền tảng là người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội. “Như vậy, tinh thần của Thủ tướng và Chính phủ là phấn đấu xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, không để xảy ra tham ô, tiêu cực, không để gây mất niềm tin trong nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đổi mới phương pháp làm việc, chủ động, năng động, sáng tạo, quyết liệt, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, nói đi đôi với làm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Thủ tướng chỉ rõ các Bộ trưởng, "tư lệnh ngành" là người chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất, cuối cùng về tất cả các lĩnh vực phụ trách. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian thích đáng, tập trung cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời phải tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm.
Nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp về lĩnh vực này; phải phân công đúng người đúng việc, một việc phân công một người, một đơn vị. Từ đó, rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước (NSNN), tài sản công, nhất là xe công; hội họp, đi công tác trong và ngoài nước cũng phải thực hành tiết kiệm.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu đến tháng 10, các bộ, ngành phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành. Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về dự thảo Nghị định khung về cơ cấu tổ chức của các bộ. Trong tháng 8, VPCP trình Chính phủ quy chế làm việc của Chính phủ.
Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016. (Ảnh: Tuấn Anh/TGVN) |
Chính phủ cũng dành thời gian thảo luận về công tác xây dựng thể chế. Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về hàng loạt dự án luật, pháp lệnh. Trong đó, đáng chú ý là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh và một số luật mới có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh như dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự án Luật Quy hoạch, dự án Luật Quản lý ngoại thương. Đây là những luật rất mới.
Nội dung lớn thứ ba của phiên họp là về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Chính phủ thống nhất đánh giá, trong 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả hết sức tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Lãi suất tương đối ổn định; tỉ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tích cực. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng góp lớn đối với tăng trưởng công nghiệp…
Đặc biệt, sau khi tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm thì sản xuất nông nghiệp đã phục hồi, với điểm sáng là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 3,9%. Cũng rất đáng chú ý là giải ngân vốn đầu tư NSNN chuyển biến tích cực, nhờ việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 về thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội trong 7 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Tinh thần chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức, không điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu; phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo kế hoạch, thu NSNN vượt dự toán ít nhất 10%, bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra (10%), khôi phục sản xuất nông nghiệp theo đà tăng của tháng 7…
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão vừa qua. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, thúc đẩy khởi nghiệp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là về vốn, tháo gỡ rào cản với doanh nghiệp…