Các đại biểu tham dự hội thảo “Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư vào hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam”. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Sáng 13/3, tại tòa Nhà xanh Liên hợp quốc đã diễn ra hội thảo “Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư vào hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam” do UNDP kết hợp cùng Cục đường bộ Việt Nam tổ chức với sự tham dự của đại diện các bộ, ban ngành liên quan, đại diện UNDP và nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế.
Phát biểu khai mạc, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (DRVN) thuộc Cục đường bộ Việt Nam chia sẻ: “Trong cam kết của Việt Nam về việc giảm phát thải nói chung và xu hướng chuyển dịch kinh tế xanh, kinh tế số nói riêng, Việt Nam đặt mục tiêu là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045. Trong ngành giao thông hiện nay, vận tải chiếm tới 90% thị phần và mục tiêu đến năm 2030, ngành vận tải đường bộ sẽ chiếm đa số. Với mục tiêu rõ ràng như vậy, hệ thống trạm sạc xe điện là rất cần thiết”.
Trong phần trình bày về “Quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” ông cho biết rằng dự báo đường bộ vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong đó vận chuyển hành khách hàng với 90,16% và vận chuyển hàng hóa là 62,8%. Một trong những mục tiêu UNDP phối hợp với Cục đường bộ Việt Nam là đưa ra những đánh giá, ý kiến về việc lồng ghép các cơ sở hạ tầng, đảm bảo tính đồng bộ hạ tầng kỹ thuật mạng lưới trạm sạc của đường bộ Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia đã phân tích kinh nghiệm quốc tế, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn, phù hợp mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Tiến sĩ Wilmar Matinez thuộc Đại học KU Leuven, Bỉ chia sẻ 2 bài tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch phát triển trạm sạc xe điện và khuyến nghị cho Việt Nam” và “Tổng nhu cầu điều cung cấp cho trạm sạc xe điện theo lộ trình phát triển phương tiện điện Việt Nam”.
Từ đó, Tiến sĩ Wilmar Matinez có đề xuất về việc nên lựa chọn và thống nhất sử dụng một cổng sạc chung, từ đó các công ty và nhà cung cấp năng lượng có thể đồng bộ hóa cho trạm sạc nhanh, đáp ứng chuẩn sạc cho mọi dòng ô tô điện hiện nay. Hiện tại ở Việt Nam, xe điện và trạm sạc đã có độ phủ trên diện rộng, tuy nhiên việc đào tạo nhân lực vẫn đóng vai trò quan trọng nhất để có thể duy trì lâu dài và phát triển hệ thống xe điện trong tương lai.
Nhìn nhận vấn đề ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Trọng, một chuyên gia tài chính của Việt Nam chia sẻ tham luận về chủ đề “Nhu cầu và cơ chế tài chính cho xây dựng và vận hành trạm sạc xe điện dọc đường cao tốc Bắc Nam phía Đông”.
Ông Trọng cho biết theo quy hoạch sẽ có 7.800 điểm sạc cho 39 trạm nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, ước tính con số đầu tư trong giai đoạn 2025-2050 sẽ cần khoảng 2,2 tỷ USD. Để thu hút được các nhà đầu tư, tư nhân trong và ngoài nước, Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư như hỗ trợ chính sách giá điện, miễn thuế 5 năm đầu tiên và giảm thuế những năm tiếp theo cho các doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra, quy hoạch lưới điện cần được tinh chỉnh phù hợp với nhu cầu của trạm sạc điện, tận dụng hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí, giảm tác động lên mạng lưới điện quốc gia.
TS. Nguyễn Bảo Huy, chuyên gia nghiên cứu điện tại Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Xuân Tùng) |
Theo TS. Nguyễn Bảo Huy, chuyên gia nghiên cứu điện tại Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để thực hiện tốt mục tiêu cung cấp cho trạm sạc xe điện theo lộ trình phát triển phương tiện điện Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Trường đã tiến hành các bước nghiên cứu dự báo về điện năng cho sản xuất điện, các kim loại, cấu hình các trạm sạc phù hợp.
Kết quả nghiên cứu của nhóm sẽ là cơ sở để tính toán công suất của mỗi trụ sạc và số lượng trụ sạc cần thiết trên mỗi trạm, từ đó đưa ra đánh giá ảnh hưởng của điện trên phương diện công suất và chất lượng điện. Để hệ thống xe điện được vận hành tốt, dựa trên tư vấn của chuyên gia quốc tế, nhóm nghiên cứu phấn đấu sẽ có 10 xe trên một trạm sạc với công suất 2,4 KW đến năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu này thì cần phải có kịch bản phù hợp với từng giai đoạn.
Có thể thấy rằng các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng điện được xem là tương lai của ngành giao thông, khi người dân tại các thành phố lớn ngày càng ưa chuộng loại xe này. Một trong những bài toán nan giải là làm thế nào đảm bảo số lượng trạm xe đối với người dùng. Với những nghiên cứu mang tính thực tiễn từ các đại biểu trong hội thảo, mong rằng tương lai đối với hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam sẽ khởi sắc hơn.