📞

Xây dựng Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh

Tống Thoan 11:12 | 31/10/2024
Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Hòa Bình hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, bền vững, văn minh và giàu đẹp.
Hoà Bình là cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Hình ảnh một góc Hòa Bình nhìn từ trên cao. (Ảnh: Ngọc Thành)

Hòa Bình có vị trí chiến lược rất quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đây là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tiêu biểu nhất là dân tộc Mường, với các di sản văn hoá nổi tiếng như Mo Mường, Sử thi Đẻ đất đẻ nước... Nơi đây có Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - một trong những "công trình thế kỷ", biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Đặc biệt, tỉnh đã và đang lưu giữ được một số lượng lớn di sản văn hóa các dân tộc, rất phong phú, đa dạng. Có tới 786 di sản văn hóa phi vật thể (tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian); hơn 18 nghìn hiện vật có giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình"… đã được khôi phục, bảo tồn và phát huy, góp phần gìn giữ giá trị bản sắc truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đây chính là nét đặc sắc, đặc trưng riêng có để Hòa Bình phát triển.

“Đòn bẩy” từ hạ tầng giao thông

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ, đến năm 2025 kinh tế đạt mức trung bình của cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Với quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, hơn nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về hạ tầng giao thông.

Giai đoạn 2021 - 2025, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã “rốt ráo” được tỉnh triển khai thực hiện, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước; đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6…

Lễ khởi công xây dựng công trình đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53, địa phận tỉnh Hòa Bình) đã chính thức diễn ra cuối tháng 9/2024. Dự án có chiều dài khoảng 34 km; tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng; điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, điểm cuối thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình và khu vực Tây Bắc. Sau khi hoàn thành, cao tốc sẽ kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh Hòa Bình với tỉnh Sơn La với Thủ đô Hà Nội, tạo nên trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, các tuyến đường trục chính đô thị và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chú trọng đầu tư đồng bộ. Trong đó, tuyến Quốc lộ 6 là một trong những dự án quan trọng không chỉ kết nối Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội mà còn mở ra cơ hội giao thương với các tỉnh Tây Bắc. Hay dự án xây dựng tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc đến huyện Thanh Sơn, Phú Thọ có tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối hai tỉnh Hòa Bình - Phú Thọ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội của Đà Bắc nói riêng, tạo đà phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên toàn tỉnh nói chung.

Tính đến hết năm 2023, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Hòa Bình đã có sự gia tăng từ khoảng 10.680km lên khoảng 10.998km. Sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng giao thông đã giúp việc di chuyển, giao thương hàng hóa được rút ngắn, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, hoạt động vận tải tăng theo từng năm; thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến và du lịch. 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước đón 3,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 3.700 tỷ đồng tăng 18,9% so với cùng kỳ, đạt 80,4% kế hoạch năm.

Việc hình thành các tuyến giao thông cũng đã góp phần tạo nên các vùng kinh tế mới. Các dự án đầu tư đã xuất hiện nhiều hơn, tạo ra một mạng lưới kinh tế sôi động và đa dạng. Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích quy hoạch 3.904,18ha; có 14/38 cụm công nghiệp (CCN) được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích 632,64ha, có 10 CCN triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các huyện: Lạc Sơn; Lạc Thủy; Mai Châu; Tân Lạc; Lương Sơn; Đà Bắc và thành phố Hòa Bình. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm của tỉnh tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,41%; công nghiệp - xây dựng tăng 12,66%; dịch vụ tăng 6,99%; thuế sản phẩm tăng 5,97%.

Hòa Bình tập trung thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm để đầu tư các dự án trọng điểm. Hình ảnh Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình. (Nguồn: Báo Văn Hóa)

Mở rộng hợp tác quốc tế

Không chỉ tập trung đẩy mạnh, phát triển hạ tầng giao thông, hơn nửa nhiệm kỳ qua, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài cũng được Hoà Bình chú trọng.

Thời gian qua, Hoà Bình đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch như tham gia chương trình quảng bá địa phương do Bộ Ngoại giao tổ chức, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ngoại giao kinh tế, đưa kinh tế đối ngoại trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Hòa Bình.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2024, tập trung thực hiện định hướng chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023 và giai đoạn 2020 - 2025.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm để đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, trong Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, Khu, cụm công nghiệp và vùng động lực của tỉnh. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh; tiếp tục thực hiện định hướng thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0. Đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, tăng cường, chủ động hợp tác đầu tư, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư; ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tư, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Hạ tầng giao thông mới, ngày một đồng bộ, sự nỗ lực kết nối, mở rộng hợp tác quốc tế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn khơi dậy niềm tin và hy vọng của người dân. Đây cũng chính là “đòn bẩy” cho sự chuyển mình của Hòa Bình, xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh, giúp tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ.