📞

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái (kỳ cuối): Hành trình dài, chông gai, cần thêm nhiều nỗ lực

Linh Chi 08:00 | 24/08/2024
Có cơ hội “mục sở thị” các khu công nghiệp (KCN) mới thấy rõ, làn sóng phát triển KCN xanh, KCN sinh thái tại Việt Nam đang mạnh mẽ thế nào.
Dự án tourbin điện gió tại DEEP C Hải Phòng. (Ảnh: Linh Chi)

Mời độc giả đọc kỳ 1 tại đây.

Chuyến đi thực tế dành cho báo chí về chủ đề “Chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái” ngày 21/8 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa chúng tôi tới thăm ba KCN: An Phát (Hải Dương), Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) - những điển hình đã và đang tích cực chuyển đổi xanh, hướng tới mô hình KCN sinh thái.

Những KCN tiên phong

Đến với KCN An Phát, Hải Dương, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, việc xây dựng các KCN bền vững, thân thiện với môi trường theo chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển dài hạn của Tập đoàn.

Đây không chỉ là yếu tố giúp các khu công nghiệp của An Phát Holdings thu hút vốn đầu tư FDI “xanh” đang đổ mạnh về Việt Nam mà còn đóng góp tích vực vào quá trình hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu muốn hình thành các KCN theo chuẩn ESG, nhà đầu tư bất động sản công nghiệp phải xây mới lại từ đầu, chứ không dễ dàng chuyển đổi từ các KCN hiện hữu. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai các dự án, Ban lãnh đạo An Phát Holdings đã đề ra chiến lược phát triển rõ ràng đó là, đưa các KCN trở thành KCN kiểu mẫu và tiên phong ở Hải Dương áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG trong quản lý và phát triển KCN.

Để bảo đảm tiêu chí về môi trường, ông Tuấn cho hay, An Phát Holdings yêu cầu các nhà xưởng phải được xây dựng theo hướng xanh và sạch, có hệ thống xử lý rác thải, khí thải và nguồn nước đạt chuẩn, không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và hệ sinh thái xung quanh khu công nghiệp. Đặc biệt, An Phát Holdings khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai xây dựng các công trình xanh, sử dụng năng lượng tái tạo để tiết kiệm điện năng.

Tập đoàn thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các chương trình phát triển giáo dục, y tế và an sinh địa phương. Đặc biệt, 2 dự án KCN của Tập đoàn mở ra hàng chục nghìn việc làm cho lao động địa phương, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp ở các tỉnh lân cận, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân.

“Còn về tiêu chí quản trị, chúng tôi đẩy mạnh việc cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao cùng dịch vụ một cửa với hàng loạt giải pháp hỗ trợ toàn diện như thủ tục tài chính, đăng ký kinh doanh, khai báo hải quan, dịch vụ vận tải, ký túc xá, suất ăn công nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư…”, ông Tuấn nói.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy của An Phát Holdings. (Nguồn: An Phát Holdings)

Trong khi đó, với vai trò tích cực của nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Shinec, KCN Nam Cầu Kiền đã trở thành mô hình khu công nghiệp sinh thái thí điểm tại TP. Hải Phòng. Tháng 4/2024, báo cáo Phát triển bền vững của ESG do PwC - 1 trong 4 đơn vị kiểm toán lớn nhất thế giới - đã chứng nhận sự vượt trội trong mô hình sinh thái tại KCN này.

Tại đây, đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động liên tục truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (24/24 giờ) tất cả các ngày trong tuần.

"Chúng tôi lấy từ đất thứ gì, chúng tôi trả lại đất thứ đó. Không chỉ truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong KCN, chúng tôi muốn mang mô hình này đi đầu tư ở các tỉnh khác" - ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng.

Bên cạnh đó, 81,4 kWh điện đã được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. 25% lượng nước thải trong khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, tiết kiệm 6 tỷ đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch.

Ngoài ra, 65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp được phục hồi sau khi áp dụng triệt để mô hình sinh thái tại Nam Cầu Kiền. Mô hình được Shinec nhân rộng trên cả nước, với tổng quy mô quỹ đất lên đến 3.500 ha.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng chia sẻ với phóng viên rằng, hiện nay, trong xu thế phát triển bền vững, Shinec đang đẩy mạnh tiết kiệm nguồn tài nguyên nước sạch, xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp…

“Trong tất cả các KCN đều có rác thải sinh hoạt. Theo đúng quy định, phải có một đơn vị ngoài KCN đem rác thải sinh hoạt này đi xử lý, nhưng chúng tôi đã quan tâm đầu tư máy tự phân hủy rác thải hữu cơ của Nhật Bản về để xử lý. Chúng tôi phấn đấu đến hết năm 2024 đạt ‘zero rác thải’ ở khu KCN, rác thải sẽ được xử lý 100%.

Chúng tôi lấy từ đất thứ gì, chúng tôi trả lại đất thứ đó. Không chỉ truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trong KCN, chúng tôi muốn mang mô hình này đi đầu tư ở các tỉnh khác”, ông Điệp tâm huyết.

Còn với KCN Deep C, nơi đây nổi bật với hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện gió); khu tổ hợp dịch vụ xã hội trong khu công nghiệp. Các công trình sinh thái nơi đây đều dựa vào tự nhiên ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc KCN DEEP C Hải Phòng nhấn mạnh, các nguyên tắc phát triển hiện nay của KCN đều theo hướng bảo đảm rằng, các doanh nghiệp muốn đến đầu tư vì chúng tôi cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến ESG, chứng chỉ carbon, các sáng kiến đầu tư hiệu quả về cả lợi nhuận và trách nhiệm xã hội.

Nhà máy xử lí nước thải tập trung nhìn trên cao tại Nam Cầu Kiền. (Nguồn: Forbes Việt Nam)

Không phải hành trình “trải đầy hoa”

Dù vậy, hành trình tới KCN sinh thái không phải là hành trình “trải đầy hoa”. Ông Bruno Jaspaert khẳng định, việc xây dựng một KCN sinh thái không chỉ khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, sự cố gắng và thời gian mà còn cần cả tài chính.

Bên cạnh đó, mặc dù đang hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, nhưng các KCN sinh thái vẫn có quá nhiều điều mới mẻ.

“Hiện tại, chưa hề có một ưu đãi nào cho các khu công nghiệp sinh thái. Sự khác nhau giữa đầu tư thông thường và đầu tư bền vững là vấn đề thời gian và hành trình đầu tư bền vững sẽ cần nhiều thời gian hơn.

Chính vì thế, chúng tôi mong muốn, chính phủ Việt Nam có thể xem xét gia hạn thời gian cho nhà đầu tư hạ tầng xây dựng thành công khu công nghiệp sinh thái là 70 năm thay vì 50 năm như quy định hiện nay”, Giám đốc điều hành của KCN DEEP C bày tỏ.

"Việc xây dựng một KCN sinh thái không chỉ khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, sự cố gắng và thời gian mà còn cần cả tài chính".

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc KCN DEEP C Hải Phòng

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong chuyển đổi sang mô hình công nghiệp sinh thái là tái sử dụng các chất thải; tiếp cận nguồn lực về tài chính, tín dụng, ưu đãi.

Bà nói: “Khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi vốn đầu tư lớn và sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư hạ tầng. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích để doanh nghiệp có động lực triển khai theo mô hình phát triển bền vững”.

Cần thêm giải pháp đột phá, phù hợp xu thế mới

Trong tương lai, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, bà Vương Thị Minh Hiếu nhận định, các KCN trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, trong đó tập trung vào các trọng tâm như:

Thứ nhất, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới. Theo đó, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó cần quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”.

Thứ hai, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai.

Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên.

Thứ tư, phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ năm, phát triển kinh tế đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; bảo đảm bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, khu hinh tế (KKT); hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp-đô thị-dịch vụ, bảo đảm cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.

Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại Ban quản lý KCN, KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT.

Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua: cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic) và tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước hơn 35 năm qua, bà Vương Thị Minh Hiếu tự tin rằng, mô hình KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Do đó, trong thời gian tới, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, KKT trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình KCN mới như KCN sinh thái.