Đây là Hội nghị tầm chính sách đầu tiên của Quỹ Á - Âu do Việt Nam tổ chức và là sáng kiến của nước ta vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ (1997 - 2017) để đóng góp vào đề xuất định hướng hợp tác Á - Âu, nâng cao hình ảnh và vị thế ASEM và ASEF trong cục diện đang định hình.
Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các đại biểu. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar - nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu lần thứ 13 vừa qua Kyaw Zeya, Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Quỹ ASEF Eva Biaudet, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Tùng, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Thống đốc của 53 thành viên ASEM, Giám đốc điều hành Quỹ ASEF, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PwC Việt Nam, Phó Giám đốc Eurocham, đại diện các đại sứ quán ASEM tại Việt Nam, đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu Á - Âu, các sở, ban ngành, sinh viên tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu chào mừng Tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Thống đốc Việt Nam tại ASEF khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 (2016), các Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Ulanbato, cam kết làm sống động hơn nữa hợp tác ASEM và quan hệ đối tác Á – Âu trong thập niên thứ ba.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Thống đốc Việt Nam tại ASEF phát biểu khai Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại sứ khẳng định với năm vừa qua là khoảng thời gian đầy thử thách đối với hợp tác đa phương, hệ thống thương mại đa phương và cho cả hai khu vực Á – Âu với những bất định và khó lường, thậm chí chuyển dịch trong cục diện kinh tế, chính trị. Cách đây 10 ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 đã quyết định các biện pháp cụ thể để thúc đẩyquan hệ đối tác Á - Âu. ASEM đứng trước thời điểm chuyển đổi quan trọng. Đây là lúc cần trao đổi phương thức thúc đẩy hợp tác thực chất, nâng cao hình ảnh và tăng cường hiệu quả của ASEM và ASEF.
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đánh giá qua hai thập kỷ, Diễn đàn ASEM, với đóng góp quan trọng của ASEF, đã phát triển vượt lên kỳ vọng ban đầu, trở thành diễn đàn kết nối, liên kết các quốc gia, các nền văn minh và gắn kết người dân, doanh nghiệp hai châu lục Á – Âu, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển, góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ 21. Thứ trưởng thường trực nhấn mạnh quan hệ đối tác Á – Âu đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thân cho các thành viên trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó các thách thức toàn cầu.
Thứ Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ trưởng thường trực cho rằng sắp kết thúc thập niên thứ hai của thế kỷ 21, cục diện khu vực và quốc tế chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc hơn. Nền tảng kinh tế thế giới đang chuyển dịch căn bản với nhiều hình thái kinh tế mới, kinh tế thế giới phục hồi vững chắc song tiềm ẩn rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, liên kết kinh tế ở nhiều khu vực bị chậm lại. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế đổi mới tư duy, chính sách, cách làm hứa hẹn năng suất lao động cao hơn, nhưng nhiều quan ngại về hệ lụy của tiến trình chuyển đổi, suy thoái môi trường, phân bổ không đồng đều các thành quả của phát triển. Trong thế giới toàn cầu hóa và số hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau gia tăng đòi hỏi tăng cường chủ nghĩa đa phương, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đem lại những cơ hội mới cho hợp tác; Á – Âu chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ đối tác và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các thách thức toàn cầu, xung đột và căng thẳng khu vực, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, bất bình đẳng, di cư, dịch bệnh, thiên tai, già hóa dân số, đô thị hóa, an ninh nước - lương thực - năng lượng… đặt ra cấp bách hơn, đòi hỏi giải pháp ở tầm liên khu vực và đa tầng nấc. Các cơ hội và thách thức đang nổi lên đòi hỏi ASEM cần đổi mới, nâng tầm hợp tác, nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình, đóng góp xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định, đây là lúc cần xây dựng tầm nhìn cho một quan hệ đối tác Á – Âu có trách nhiệm và có khả năng thích ứng, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương. Thứ trưởng thường trực đề xuất 4 vấn đề cần tập trung.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn và bà Eva Biaudet Chủ tịch Hội đồng Thống đốc ASEF. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Một là, châu Á và châu Âu cần tiếp tục đi đầu duy trì hòa bình và ổn định thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực chung; cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống chủ nghĩa khủng bố, thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, hàng không và an ninh mạng.
Hai là, châu Á và châu Âu với tư cách là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong thế kỷ 21, có đầy đủ khả năng và trách nhiệm để tiên phong trong biến cam kết thành hành động cụ thể trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, giảm nghèo, kết nối toàn diện và chất lượng, phát triển các tiểu vùng và khu vực hẻo lánh, giáo dục chất lượng và phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, bình đẳng giới và nâng cao quyền năng phụ nữ và trẻ em, biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực – nguồn nước – năng lượng. ASEF có thể tiên phong trong nỗ lực này, thúc đẩy trao đổi chính sách tại các diễn đàn Môi trường Á – Âu, năng lượng, hội thảo CLMV về triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, chương trình giáo dục bậc cao.
Ba là, ASEM cần tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quản trị kinh tế toàn cầu công bằng và cân bằng, hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, trao đổi các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, sự phát triển các chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu, sức cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa….; ASEF tiếp tục triển khai hiệu quả Diễn đàn kinh tế Á – Âu.
Bốn là, ASEM cần tiếp tục tiên phong trong triển khai hợp tác kết nối, động lực mới của tăng trưởng và liên kết Á – Âu, chú trọng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh trao đổi thương mại, tài chính; phát triển công nghệ thông tin, giao lưu nhân dân, hợp tác khu vực và tiểu vùng, hợp tác Mekong – Danube, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển; ASEF có thể đi đầu thúc đẩy hợp tác kết nối, trước hết là kết nối con người, nhất là thế hệ trẻ.
Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định, với việc thực hiện chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và đối ngoại đa phương chủ động, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong ASEM để xây dựng tầm nhìn cho Diễn đàn ASEM có trách nhiệm và có khả năng thích ứng trong cục diện đang định hình.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Myanmar Kyaw Zeya đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam thiết thực triển khai quyết định của các Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEM 11 (Ulanbato, 7/2016) và của các Bộ trưởng Ngoại giao tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á – Âu lần thứ 13 vừa được tổ chức tại Myanmar cách đây 10 ngày; thông tin về những nội dung trao đổi và thống nhất của các Bộ trưởng Ngoại giao về định hướng hợp tác Á – Âu trong thời gian tới.
Các diễn giả (từ phải) Giám đốc điều hành ASEF Karsten Warnecke; Thống đốc EU tại ASEF, Phó SOM ASEM EU Steven Everts; Trưởng SOM ASEM Myanma Kyaw Zeya; Thống đốc Việt Nam tại ASEF, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga; Chủ tịch Hội đồng Thống đốc ASEF Eva Biaudet; Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra; Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PWC Jonathan SL Ooi. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong thảo luận, nhiều diễn giả hoan nghênh sáng kiến thiết thực và kịp thời của Việt Nam tổ chức Tọa đàm trao đổi về tầm nhìn cho quan hệ đối tác Á – Âu trong thập niên mới.
Diễn giả Liên hợp quốc cho rằng bất chấp những biểu hiện của chủ nghĩa đa phương, dân túy, bảo hộ hiện nay, cục diện đa cực, đa trung tâm định hình rõ nét hơn, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, quan hệ đa phương tiếp tục là một nền tảng quan trọng của quan hệ quốc tế, chương trình nghị sự của Liên hợp quốc sẽ ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực gắn với cách tiếp cận liên ngành, phát triển bền vững và các vấn đề toàn cầu và cần sự đóng góp hiệu quả của hợp tác Á - Âu.
Diễn giả PwC nhận định với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật sẽ thúc đẩy những chuyển biến diễn ra nhanh chưa từng trên mọi phương diện, ở quy mô toàn cầu về kinh tế, xã hội, tương tác giữa con người và quan hệ giữa các quốc gia; nhấn mạnh triển vọng thế kỷ 21 được dự báo là “thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương” và dự báo Việt Nam nằm trong các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất, trở thành nền kinh tế thứ 29 thế giới vào 2030 và thứ 20 thế giới vào 2050.
Nhiều diễn giả chia sẻ trong cục diện đa trung tâm, đa tầng nấc, châu Á và châu Âu tiếp tục đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy hợp tác đa phương. Trong bối cảnh các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi, cải cách để thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, ASEM cần thúc đẩy hợp tác thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, tiên phong trong tăng cường gắn kết với các cơ chế hợp tác đa phương và toàn cầu, thúc đẩy số hóa là một động lực mới cho hợp tác Á – Âu, nhất là thúc đẩy sự đóng góp tích cực và hiệu quả của thanh niên và doanh nghiệp.
Các diễn giả cũng chia sẻ với đề xuất của các đại diện sinh viên Đà Nẵng về việc cần tăng cường thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của thế hệ trẻ Á – Âu, tăng cường hợp tác ASEM vì phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước, thiết thực đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Cùng với các hoạt động và sáng kiến ASEM, kết quả Tọa đàm sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Bỉ vào năm sau, đóng góp vào tiến trình tư duy nâng tầm hợp tác và nâng cao vai trò của ASEM và ASEF trong thập niên mới. Thông qua các bài tham luận và phiên thảo luận, các thành viên Á – Âu đều bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển hiệu quả, thiết thực của quan hệ đối tác Á – Âu trong cục diện đang định hình.
Cuộc họp các Thống đốc Á – Âu tiếp tục nhóm họp vào ngày mai để bàn về các dự án hợp tác cụ thể trong năm 2018.