📞

Xây dựng thể chế phải chống cho được lợi ích nhóm

19:30 | 07/12/2016
 Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triến khai nhiệm vụ 2017 của Ban Chỉ đạo tổ chức sáng 7/12.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cho biết năm 2016, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp. (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Bộ Nội vụ - Cơ quan Thường trực của BCĐ đã tích cực hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt thực hiện các nhiệm vụ CCHC theo quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020, công bố Chỉ số CCHC, phối hợp với MTTQ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức hội nghị công bố chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Cần Thơ, Khánh Hoà.

Các thành viên BCĐ cũng đã tích cực tham mưu cho các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện CCHC, nhất là hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ số phát triển KT-XH năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.

Về kết quả đạt được, đến tháng 11/2016, các thành viên BCĐ tại các bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành gần 160 nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và điều chỉnh các quan hệ KT-XH mới phát sinh, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các văn bản hết hiệu lực, trái pháp luật hoặc văn bản không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ hành chính Nhà nước để triển khai có hiệu quả Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện về thể chế và bộ máy. Công tác cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông được BCĐ quan tâm, đôn đốc, giúp tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC. Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức có nhiều chuyển biến. Theo đó, các bộ ngành, địa phương đã tinh giản biên chế theo quy định. Tính đến ngày 30/11/2016, đã thực hiện tinh giản biên chế được 18.839 người, trong đó cơ quan Đảng và đoàn thể tinh giản được 789 người, các cơ quan hành chính 2.342 người, đơn vị sự nghiệp công lập 12.041 người, cán bộ cấp xã 3.553 người, khối doanh nghiệp Nhà nước 114 người.

Cải cách hành chính công và hiện đại hoá hành chính tiếp tục được triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế và tài chính, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn. Các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trên cơ sở triển khai hiệu quả các văn bản của Chính phủ.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2017, BCĐ nêu rõ các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh các nội dung CCHC, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra CCHC năm 2017.

Bộ Nội vụ giúp Chính phủ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020 và các đề án có liên quan đến công tác CCHC, tăng cường công tác kiểm tra CCHC tại một số bộ ngành, địa phương; tiếp tục chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cải cách TTHC, nhất là thủ tục trọng tâm, liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm; triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp; xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và thực hiện nghiêm túc kế hoạch giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020…

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác CCHC vừa qua, nhất là trong các lĩnh vực hành chính liên quan đến đời sống dân sinh như thủ tục hành chính về đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuế, hải quan, xây dựng, chứng thực…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tiếp thu ý kiến phát biểu của các thành viên BCĐ trong công tác CCHC thời gian qua.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nhấn mạnh từ đầu 2016 đến nay, BCĐ đã tích cực triển khai các hoạt động, chỉ đạo, đôn đốc công tác CCHC, cải cách thể chế, bộ máy có hiệu quả. Các thành viên BCĐ đã tích cực triển khai các hoạt động kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các bộ, ngành, địa phương để có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

“Việc CCHC để tập trung nguồn lực trong lĩnh vực này phục vụ cho người dân, tổ chức được thuận lợi nhất, nhưng không vì thế mà bỏ qua vai trò quản lý Nhà nước mà “tháo khoán” mọi việc, chúng ta CCHC để loại trừ tham nhũng, lãng phí, không để gây khó dễ cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính và đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong công tác CCHC.

Tập trung triển khai Quyết định 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020 một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương; tập trung cải cách TTHC theo các nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục loại bỏ các thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ; công bố công khai, minh bạch các quy trình thủ tục; tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là những công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Kiên quyết loại bỏ tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trọng tâm là công tác bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật; hoàn thiện thể chế như xây dựng các văn bản về tăng trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án về người đứng đầu mà dư luận xã hội quan tâm.

“Chúng ta phải khắc phục cho được tình trạng văn bản trình lên rồi lại xin rút, nghị định vừa ban hành lại sửa đổi, việc ban hành văn bản quy phạm phải thông qua việc tổng kết thực tiễn, qua phản ánh của cử tri, doanh nghiệp, báo chí, qua kiểm tra nắm tình hình để thiết kế chính sách phù hợp cho xây dựng đề cương, có trưng cầu ý kiến, đánh giá tác động để các văn bản hướng dẫn khả thi, đi vào cuộc sống”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Các thành viên BCĐ cần phát hiện cho được những vấn đề đang gây trở ngại cho CCHC, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể, hoạt động của một số thành viên chưa đều tay, trách nhiệm chưa đầy đủ, phát hiện và đề xuất các kiến nghị chưa đến nơi đến chốn, cố gắng tránh bệnh hình thức trong họp hành, đóng góp ý kiến để phát huy trách nhiệm cao của từng thành viên BCĐ.

Các dịch vụ công ích như ngành y tế cần đẩy mạnh tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công càng nhiều càng tốt, làm sao để vốn đầu tư của Nhà nước cho dịch vụ công được thu hồi, xem xét việc khoán cho đơn vị sự nghiệp công lập đứng ra đầu tư luôn cho các dịch vụ công ích.

Trong việc xây dựng thể chế phải chống cho được lợi ích nhóm, bảo vệ cho được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục, đề ra các quy định, quy chuẩn chặt chẽ cũng như tăng cường công tác kiểm tra và quản lý Nhà nước.