Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và lãnh đạo các bộ, ngành... tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, hoạt động bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) mang tính liên ngành, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, của Trung ương với địa phương. Việc thành lập và duy trì Ủy ban ATGT Quốc gia với vai trò là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện các chiến lược, đề án quốc gia, và các giải pháp liên ngành nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong phạm vi cả nước cùng với việc kiện toàn Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là bước đi đúng đắn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết đặt ra từ thực tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại buổi lễ. |
Kể từ khi thành lập (ngày 29/10/1997) tới nay, dù thành phần tham gia có sự thay đổi, Ủy ban ATGT Quốc gia luôn phát huy tốt vai trò điều phối các nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đó là Chỉ thị 23 năm 2003 và gần đây là Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông; Nghị quyết 13 năm 2002; Nghị quyết 32 năm 2007 và đặc biệt là Nghị quyết 88 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm trật tự ATGT… Ủy ban cũng như trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Những kết quả kéo giảm TNGT được nhân dân ghi nhận và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, từ chỗ mỗi năm có từ 12.000 đến 13.000 người tử vong do TNGT đến nay đã giảm xuống dưới 9.000 người. Số người bị thương cũng như thiệt hại về tài sản vật chất cũng kéo giảm đáng kể. Đây là kết quả của toàn hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương với nòng cốt là ngành GTVT, công an, y tế…. và sự đóng góp hiệu quả của Uỷ ban ATGT Quốc gia.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Ủy ban ATGT Quốc gia, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các đồng chí nguyên là lãnh đạo, Ủy viên Ủy ban, Thành viên Ban Thường trực và tất cả cán bộ, công chức, người lao động đã có những đóng góp cho quá tình hình thành, kiện toàn và hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia ngày hôm nay. “Những đóng góp của các đồng chí, của chúng ta là vô giá vì chúng ta đều biết hoạt động bảo đảm an toàn cho cộng đồng là những hoạt động cao quý, vừa vất vả nặng nhọc nhưng cũng rất vinh quang, rất đáng tự hào”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, cùng với quá tình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện giao thông sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng tạo áp lực lớn cho nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xây dựng văn hoá giao thông... để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi TNGT, ùn tắc giao thông hướng tới một hệ thống giao thông an toàn, thân thiện.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, những thách thức trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu cần phải có giải pháp mới với cách tiếp cận mới. Đây chính là lý do cần khẩn trương đẩy mạnh quá trình soạn thảo và ban hành nghị quyết mới của Chính phủ nhằm kéo giảm TNGT, kiềm chế ùn tắc giao thông giai đoạn 2017-2021 trên cơ sở bám sát các chỉ đạo trong Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, phát huy những những kết quả của Nghị quyết 88, bổ sung, cập nhật các giải pháp bảo đảm TTATGT phù hợp với tình hình và xu thế phát triển của đất nước với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội.
Phó Thủ tướng đề cập 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản, bao gồm: Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành với trọng tâm là phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật; phân công rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, tôn giáo, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các mô hình tự nguyện, tự quản trong nhân dân.
Bên cạnh đó, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch để đầu tư phát triển, bảo trì và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông vận tải công cộng gắn với quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển không gian đô thị, nông thôn gắn với các tuyến giao thông; đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao sức cạnh tranh và thị phần của đường sắt, đường thuỷ nội địa, vận tải ven biển nhằm giảm phụ thuộc vào đường bộ.
Hiện đại hoá công tác thực thi pháp luật với trọng tâm là ứng dụng công nghệ mới và thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý, điều hành giao thông cũng như trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT; triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục ATGT trong nhà trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến vận động xây dựng văn hoá giao thông thông, bằng nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian và hiện đại, thông qua hệ thống cơ quan báo chí, truyền thông cũng như mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội trong vận động nhân dân chấp hành pháp luật về giao thông.
Báo cáo tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết mặc dù TNGT liên tục được kéo giảm nhưng tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp; TNGT còn nhiều, ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông quan trọng và các đô thị lớn chưa giảm; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, chủ doanh nghiệp vận tải còn hạn chế, kết quả xây dựng văn hóa giao thông chưa bền vững.
Bộ trưởng cũng cho biết trong thời gian tới, với đà tăng trưởng kinh tế trên 6,5%/năm, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng nhanh chóng, tạo nên nhiều thách thức về huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng và vận tải công cộng. Đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động vào mọi lĩnh vực đời sống đòi hỏi sự thay đổi về chất trong phát triển, quản lý, khai thác, vận hành và bảo đảm an ninh, an toàn của mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có hệ thống giao thông vận tải và người tham gia giao thông.