Xe hơi tự lái từng là một câu chuyện viễn tưởng. Thế nhưng công nghệ này đang dần được hoàn thiện và đang trong quá trình đưa vào thử nghiệm thực tiễn. Uber, Waymo, Tesla cùng hàng loạt những ông lớn công nghệ khác đã đổ hàng tỷ USD để nghiên cứu, phát triển một công nghệ hứa hẹn sẽ an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều so với chính con người điều khiển ô tô. Không những vậy, họ còn muốn đưa công nghệ này vào sử dụng thực tiễn chỉ trong vài năm, thậm chí vài tháng tới.
Về cơ bản, xe tự lái sử dụng công nghệ giúp chúng có thể tự di chuyển, xác định phương hướng và nhận thức được môi trường xung quanh mà không cần đến lái xe.
Mỗi chiếc xe đều được trang bị một thiết bị GPS, hệ thống định vị nội bộ và các bộ cảm biến bao gồm máy định vị laser, radar và video. Nhờ các thiết bị này, bộ xử lý của chiếc xe có thể tự vẽ ra một hình ảnh 3D về môi trường xung quanh. Thậm chí, chúng còn có khả năng đưa ra những quyết định thông minh như: chọn đường ngắn nhất, ít xe cộ nhất để đi tới đích.
Một chiếc xe Volvo XC90 không người lái của Uber, chiếc xe gây ra tai nạn tại Tempe, Arizona (Mỹ) ngày 18/3. (Nguồn: Techcrunch) |
Ngoài ra, những bộ cảm biến xung quanh xe và camera đặt ở nóc xe còn giúp chúng tự nhận biết chướng ngại vật, phương tiện giao thông trên đường, người đi bộ cho tới các biển báo và thực hiện luật giao thông đúng mực nhất có thể.
Cho dù có tuyệt vời đến đâu, công nghệ này mới chỉ nằm trong giai đoạn thử nghiệm và chưa thực sự được công nhận và đưa vào hoạt động chính thức. Giống như bất kì phương tiện giao thông khác, đã có tai nạn thương tâm xảy ra.
Vào tối ngày 18/3 vừa qua, tại thành phố Tempe thuộc bang Arizona (Mỹ), một chiếc xe tự lái của Uber, với một tài xế đảm bảo an toàn ngồi sau tay lái, khi đang chạy thử nghiệm, đã gây tai nạn và cướp đi tính mạng của một phụ nữ. Đây được coi là tai nạn gây tử vong đầu tiên liên quan tới công nghệ ô tô tự lái.
Tai nạn này là một lời nhắc nhở rằng công nghệ tự lái xe vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm với nhiều sai sót khi mà chính quyền Mỹ chưa tìm ra được phương pháp quản lý tối ưu nhất với một công nghệ chưa tròn 10 năm tuổi và những tình huống mà trí tuệ nhân tạo và công nghệ chưa xử lý được hết.
Công nghệ chưa thực sự sẵn sàng
Theo báo cáo của cảnh sát thành phố Tempe, nơi xảy ra tai nạn là một ngã tư nối những con đường từ 4 đến 6 làn, việc xuất hiện người đi bộ tại đây là điều hiếm thấy. Không những vậy, người phụ nữ đã bất thình lình dắt xe đạp xuống lòng đường mà không đi theo vạch dành cho người đi bộ. Đây là một biến số mà công nghệ của Uber chưa tính toán được. Đó không phải điều đơn giản khi các nhà nghiên cứu phải vật lộn để giảng dạy hệ thống tự lái để có thể xử lý được những tình huống bất ngờ khi tham gia giao thông.
Uber đã phải “muối mặt” nhanh chóng dừng tất cả các cuộc thử nghiệm xe tự lái tại Arizona, Washington và Pennsylvania. Động thái này của Uber nhận được lời khen ngợi từ Thị trưởng thành phố Tempe Mark Mitchell, người đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ công nghệ xe tự lái bởi những tiềm năng to lớn của công nghệ này.
Mặc cho việc các nhà phát triển luôn đề cao sự an toàn khi những chiếc xe không người lái này luôn đi kèm với một tài xế có kinh nghiệm để có thể xử lý các tình huống khó khăn. Tuy vậy, việc đặt một chiếc xe với công nghệ chưa hoàn thành và một con người không hoàn hảo dường như đã tạo ra một phép tính cho kết quả sai.
Vậy an toàn thế nào mới là thực sự an toàn để những chiếc xe không người lái được phép lưu thông trên đường, mà không đưa người dân vào tình thế miễn cưỡng làm “chuột bạch”? Đây là ví dụ chính xác cho việc công nghệ mới lạ này vẫn đang phát triển dần theo thời gian, chứ chưa nên đưa vào áp dụng rộng rãi.
Quản lý lỏng lẻo
Các ông lớn công nghệ tìm tới Arizona không phải vì thời tiết đẹp hay đường xá rộng mà do khâu quản lý “mở”: các phương tiện tự lái không cần bất cứ giấy phép gì đặc biệt để thử nghiệm trên đường phố, chỉ cần giấy tờ đăng ký như một chiếc xe bình thường. Hồi đầu tháng 3, Thống đốc bang Arizona Doug Ducey đã ký kết một điều luật cho phép các công ty công nghệ đưa xe hơi tự lái thoải mái hoạt động trong địa phận bang này.
Ngoài ra, các công ty này không cần chia sẻ bất kì thông tin gì về hoạt động thử nghiệm của họ với các nhà chức trách tại đây. Dường như, Arizona đang muốn thu hút các ông lớn công nghệ khỏi “người hàng xóm” California, một bang có luật lệ về xe hơi tự lái chặt chẽ hơn.
Cho đến nay, chỉ có California mới bắt buộc các nhà phát triển phải khai báo và công khai cụ thể về hoạt động của họ, từ mô tả tai nạn, xe đi bao nhiêu km mỗi năm và số lần lái xe phải can thiệp tránh gây tai nạn. Dù vậy, các con số này cũng không thể khiến các nhà chức trách hiểu rõ được thực sự xe tự lái hoạt động hiệu quả và an toàn hay không.
Vụ tai nạn ngày 18/3 vừa qua không giúp ích nhiều cho hình ảnh của các ông lớn công nghệ, bởi người dân sẽ đòi hỏi những điều luật chặt chẽ hơn để chắc chắn rằng công nghệ xe tự lái phải đạt 100% về độ an toàn và có thể tính toán và xử lý được tất cả các tình huống giao thông mà đến chính con người cũng khó có thể thực hiện hoàn hảo.