📞

Xe ô tô lắp ráp trong nước có tiếp tục chiếm ưu thế trong năm 2021?

14:48 | 04/01/2021
TGVN. Nhờ chính sách giảm thuế trước bạ, dòng xe ô tô lắp ráp trong nước đã có sự tăng trưởng đáng kể so với nhập khẩu. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ không thể kéo dài sang năm 2021...
Một bức tranh tổng thể ảm đạm đối với thị trường xe ô tô nội địa trong năm 2020. (Nguồn: Vietnam+)

Năm 2020, thị trường xe ô tô trong nước đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dần về những tháng cuối năm, các hãng xe đã có sự phục hồi khả quan nhờ vào “viên thuốc” giảm phí trước bạ của Chính phủ cũng như chính sách hợp lý của các hãng.

Tuy nhiên, việc giảm phí trước bạ vô hình lại tạo ra thế mất cân bằng giữa xe rắp ráp (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), khiến cho doanh số của xe nhập khẩu sụt giảm nghiêm trọng.

Sang đến năm 2021, hiệu lực của chính sách giảm phí kết thúc, lợi thế cho xe lắp ráp mất đi, liệu xe nhập khẩu có cơ hội nào để vực dậy, cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ trong thị trường bốn bánh?

Bước ngoặt doanh số

Trải qua 6 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ ô tô theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 154.273 xe). Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (6 tháng đầu năm 2018: 125.659 xe; năm 2017: 134.268 xe; năm 2016: 135.863 xe).

Nguyên nhân của việc giảm tiêu thụ xe bên cạnh các yếu tố trực tiếp từ giãn cách xã hội thì gián tiếp là sự khó khăn kinh tế đè nặng lên các doanh nghiệp và người lao động, dẫn tới chi tiêu cần thắt chặt.

Anh Cao Hải, một chuyên gia trong ngành kinh doanh ô tô, cho biết mức giảm tiêu thụ xe của năm 2020 đã cao hơn dự đoán tới 20% kể từ hồi đầu năm.

Ngay sau khi Việt Nam trở lại trạng thái “bình thường mới,” trong tháng 4 và tháng 5 hầu hết các hãng xe đều tung khuyến mãi giảm giá “khủng” với mức giảm lên tới cả trăm triệu đồng nhưng doanh số xe bán ra cũng không được khả quan

Tuy nhiên, từ tháng 6 trở đi, nhờ vào “liều thuốc thần kỳ" mang tên “giảm thuế phí trước bạ” của Chính phủ, bức tranh thị trường ôtô Việt Nam dần trở nên sáng sủa hơn. Cụ thể, chính sách này giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước (tối đa từ 12% xuống 6%), thời gian thi hành từ 28/6 và kéo dài đến hết năm 2020.

Anh Hải cho hay với tỷ lệ thu lệ phí trước bạ 10-12% tuỳ từng địa phương, số tiền người tiêu dùng chi ra khi đăng ký lưu hành một chiếc xe mới sẽ từ khoảng 40 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Do đó, việc được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đương nhiên có tác động lớn đến sức mua ôtô trên thị trường.

Hiệu quả của chính sách ngay lập tức được thể hiện bằng các con số. Theo VAMA, lượng tiêu thụ đã tăng dần đều từ tháng Chín đến tháng Mười Một liên tục tăng. Chỉ tính riêng 5 tháng cuối năm 2020, tổng tiêu thụ đã đã đạt 141.585 xe, tăng 32,1% so với nửa đầu năm. Doanh số trên còn chưa bao gồm số liệu từ TC Motor, Mercedes-Benz và VinFast.

“Nhìn chung, các thương hiệu ô tô đã áp dụng hiệu quả việc giảm giá để bán được xe ở giai đoạn khó khăn vừa qua. Bên cạnh đó, các dòng xe mới trình làng trong năm qua cũng có thể xem là điểm sáng của thị trường. Các mẫu xe gầm cao tầm 600-800 triệu đồng vừa làm đa dạng lựa chọn mua xe cho khách hàng, vừa cho thấy thị hiếu sử dụng ôtô của người Việt đang dần thay đổi sang hướng thực dụng hơn,” anh Hải nói.

Tuy nhiên khoảng cách giữa doanh số hiện tại so với cùng kỳ năm trước chênh lệch khá xa, tổng doanh số bán trong 11 tháng qua mới chỉ đạt 239.004 xe, giảm 13% so với cùng kì năm ngoái nên khó có thể đạt được con số tiêu thụ 400.000 xe cả năm.

Tính bình quân mỗi tháng VAMA mới tiêu thụ được hơn 21.000 xe, trong khi trong khi mức bình quân của năm trước là trên 33.000 xe/tháng.

"Cuộc chiến" doanh số giữa xe nhập khẩu và lắp ráp

Nhiều năm gần đây, "cuộc chiến vô hình” giữa ô tô lắp ráp (CKD) và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) luôn nóng theo từng giai đoạn. Tuy nhiên đến năm 2020, nhờ có chính sách giảm thuế, phí từ Chính phủ đối với các loại xe CKD, thị phần đang có sự thay đổi.

Theo VAMA, tính đến hết tháng 11, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 7% trong khi xe nhập khẩu giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019.

Chịu ảnh hưởng đáng kể nhất là Ford và Honda, 2 thương hiệu có nhiều mẫu xe thuộc diện nhập khẩu như Ranger, Everest hay Brio, HR-V và Accord.

Các mẫu xe lắp ráp trong nước có nhiều lợi thế về thuế và phí. (Ảnh nguồn: TMV)

Tận dụng tốt nhất ưu thế dành cho xe CKD để tăng trưởng trong năm qua là Hyundai và Kia. Hai hãng xe Hàn Quốc với loạt sản phẩm lắp ráp trong nước với giá bán cạnh tranh đang ghi nhận kết quả kinh doanh đáng mơ ước đối với nhiều thương hiệu khác.

Đến cuối tháng Mười Một, có gần 61.300 xe con Hyundai được bán ra, nhiều nhất thị trường ôtô du lịch và mức giảm không đáng kể so với cùng kỳ, chỉ 1,37%. Hãng xe đạt được doanh số ổn định nhờ vào các mẫu xe “hot” như Accent, Grand i10, SantaFe, Tucson.

Trong khi đó, Kia đã bán vượt năm 2019 với doanh số hơn 31.000 xe. Góp công lớn vào thành tích này ngoài Soluto, Cerato còn phải kể đến bộ đôi tân binh Seltos và Sorento, 2 mẫu xe gầm cao đang được người dùng Việt Nam đón nhận tích cực.

Hãng xe Việt VinFast bắt đầu công bố doanh số bán hàng từ tháng 5 và sau 6 tháng hãng xe cũng ghi nhận doanh số cộng dồn hơn 18.000 chiếc. Kết quả khả quan này đến từ hệ thống phân phối rộng khắp, chủ động trong khâu sản xuất cũng như các chương trình ưu đãi lớn kéo dài.

Việc các loại xe CKD được hỗ trợ một nửa lệ phí trước bạ đã đẩy các hãng xe nhập khẩu và ngay trong các liên doanh vào tình thế buộc phải "móc túi" trợ giá. Trong giai đoạn từ tháng 9/2020 đến nay, hầu hết các loại xe ô tô nhập khẩu trên thị trường đều được các liên doanh hỗ trợ trước bạ, giảm giá hoặc quà tặng có giá trị tương đương từ 50-100% số tiền người tiêu dùng lẽ ra phải nộp lệ phí trước bạ.

Ví dụ như Ford giảm giá các mẫu xe Everest Titanium từ 175-200 triệu đồng; Honda Accord đời 2019 được nhiều đại lý ở Hà Nội giảm 100-130 triệu đồng; Nissan Terra 2019 giảm gần 80 triệu đồng...

Cuộc đua kích cầu thậm chí lan sang cả các phân khúc ôtô hạng sang khi cá biệt có những mẫu xe như BMW X7 hay Land Rover Vogue được giảm giá cao nhất gần 900 triệu đồng.

Anh Trí Đức (Công ty TD Auto), người có nhiều năm nghiên cứu về thị trường xe ôtô cho rằng lượng xe nội bán tăng đột biến là cú hích khiến thị trường sôi động hẳn lên, kéo theo xe nhập khẩu cũng vào cuộc đua “tặng” khách lệ phí trước bạ. Mỗi xe tiết kiệm từ 80 triệu đến 200 triệu đồng làm tăng động lực cho khách hàng.

Nhận định về 2 dòng xe này trong năm tới, chuyên gia Trí Đức cho hay vẫn chưa thể đoán định.

“Khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ hết hiệu lực cộng với việc tình hình sản xuất chung của các hãng xe trong khu vực Đông Nam Á ổn định trở lại, xe CBU sẽ có thêm cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng trước những mẫu xe CKD,” anh Đức cho biết.

Các mẫu xe nhập khẩu dần sẽ có chi phí rẻ hơn do được miễn thuế. (Ảnh minh hoạ: Subaru Việt Nam)

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho hay sở dĩ hiện nay ô tô lắp ráp trong nước vẫn có giá bán cao hơn xe nhập khẩu bởi chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với nước ngoài. Nếu trước đây xe nhập khẩu từ ASEAN chịu thuế khoảng 30% thì xe lắp ráp trong nước rẻ hơn nhưng từ khi thuế nhập khẩu về 0%, xe nhập khẩu lại rẻ hơn lắp ráp.

Đặc biệt, với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (ôtô nhập khẩu từ châu Âu đang chịu thuế suất 70%, Việt Nam cắt giảm thuế nhập nhập khẩu ôtô từ EU bình quân khoảng 7% và sau 10 năm thuế sẽ về 0%) nhiều người cho rằng người tiêu dùng trong nước có thể mua xe châu Âu với chi phí thấp hơn.

Chuyên gia Trí Đức dự đoán thời gian tới các hãng xe nhập khẩu không có đại lý phân phối chính thức, độc quyền sẽ tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam. Vì vậy, để giữ vững được thị phần, cạnh tranh được với xe nhập có ưu thế về thương hiệu, các hãng xe tại Việt Nam sẽ phải cắt giảm chi phí để giảm giá giá đồng thời nâng chất lượng xe để tạo lợi thế cạnh tranh.

(theo Vietnamplus)