📞

Xe tự hành trên Sao Hỏa đã hoạt động trở lại

21:15 | 13/07/2016
Curiosity đã hoạt động trở lại sau khi tự tắt máy vào tuần trước và ngừng liên lạc với Trái Đất.

Curiosity, xe thám hiểm Hỏa tinh của NASA, đã hoạt động trở lại sau hơn một tuần tự chuyển sang chế độ chờ an toàn.

Giống như tất cả tàu vũ trụ khác, cho dù khám phá những vùng hoang dã trên hành tinh Đỏ, hay mở đường tiên phong vào không gian vũ trụ sâu thẳm, Curiosity được cài đặt để tự đưa nó vào chế độ chờ an toàn nếu bị một số loại lỗi hệ thống nghiêm trọng đe dọa.

Các kỹ sư NASA đã dành nhiều ngày nghiên cứu điều bí ẩn gì đã làm cho Curiosity tắt máy. Cuối cùng, họ đã “dỗ dành” cỗ máy này ra khỏi chế độ chờ của nó hôm 9/7 vừa qua.

Xe tự hành thám hiểm Sao Hỏa Curiosity. (Nguồn: NASA)

Theo NASA, nguyên nhân làm cho xe tự hành chuyển sang chế độ an toàn đã được xác định là lỗi phần mềm, xảy ra trong khi các dữ liệu hình ảnh do xe chụp đang được chuyển vào bộ nhớ của nó.

Khi Curiosity bật chế độ an toàn của nó vào tuần trước, chiếc xe này ngừng hầu hết các hoạt động khác, chỉ duy trì các hệ thống thiết yếu của nó và tuân theo một trình tự lập trình trước cho việc nối lại liên lạc với Trái Đất.

Đôi khi, những vụ tắt máy này xảy ra khi các tia bức xạ vũ trụ tấn công vào các thiết bị điện tử nhạy cảm của cỗ xe.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, Curiosity đang cố gắng lưu hình ảnh vào máy tính thì gặp phải lỗi không phù hợp phần mềm. Để giải quyết điều này, các nhà khoa học của NASA đã nghĩ ra cách để khắc phục tình trạng phần mềm bị lỗi khi hình ảnh đang được lưu.

Curiosity đã chứng tỏ nó là một “nhà thám hiểm dũng cảm” khi từng ba lần phải tự chuyển sang chế độ chờ. Chiếc xe này cũng từng bị gãy một "cánh tay", bị mắc kẹt trên một ngọn đồi, bị thủng bánh xe và một trong những máy ảnh của nó mất khả năng lấy nét...

Tuy nhiên, từ Trái Đất, các nhà khoa học của NASA đã khắc phục thành công các vấn đề nói trên của Curiosity.

Nhiệm vụ của cỗ máy này bắt đầu từ tháng 8/2012 và sau những "chiến công" của Curiosity, NASA đã chấp thuận gia hạn hoạt động cho Curiosity thêm hai năm nữa, ít nhất tới năm 2018.

(theo Christian Science Monitor‎)