📞

Xích mích chưa giải với thành viên NATO, tiến trình gia nhập của Phần Lan-Thụy Điển gặp 'đá tảng', điều kiện kết nạp là gì?

Bảo Hà 06:45 | 19/05/2022
Hãng tin Đức DPA dẫn các nguồn thạo tin ngày 18/5 tiết lộ, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn cản việc khởi động tiến trình đàm phán kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ quan điểm phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cho đến khi hai quốc gia Bắc Âu giải quyết những quan ngại an ninh của Ankara. (Nguồn: Reuters)

Với động thái trên của Ankara, tiến trình tại Hội đồng NATO không thể diễn ra như kế hoạch ban đầu là thông qua quyết định cần thiết để bắt đầu tiến trình kết nạp thành viên.

Báo Nam Đức (SZ) cũng đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã không phê chuẩn việc khởi động chính thức tiến trình gia nhập thành viên NATO của hai quốc gia Bắc Âu.

Theo báo chí Đức, Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào sáng 18/5. Trên thực tế, Hội đồng NATO sẽ ngay lập tức quyết định khởi động những cuộc đàm phán gia nhập liên minh đối với hai nước này.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề cập những quan ngại về an ninh tại cuộc họp của Hội đồng NATO, trong đó nói rõ, Ankara không thể đồng ý vào thời điểm hiện nay.

Người phát ngôn của NATO từ chối bình luận về những cuộc thảo luận trong Hội đồng, chỉ nhấn mạnh rằng Tổng thư ký của liên minh này Jens Stoltenberg quyết tâm tìm kiếm giải pháp nhanh chóng cho vấn đề của Phần Lan và Thụy Điển.

Người phát ngôn NATO nói: “Cả hai quốc gia đều là những đối tác gần gũi nhất của chúng tôi và việc gia nhập NATO của hai quốc gia này sẽ củng cố an ninh cho châu Âu-Đại Tây Dương”.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã cáo buộc Thụy Điển từ chối dẫn độ 30 đối tượng “khủng bố”, ám chỉ những nhân vật ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Ankara cấm hoạt động, lực lượng mà Mỹ và châu Âu cũng coi là tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ đã không đưa ra được bằng chứng cho những cáo buộc của mình, cho rằng, định nghĩa của Ankara về chủ nghĩa khủng bố là “cực kỳ rộng và lỏng lẻo, và bất kỳ hành động nào cũng có thể dễ dàng bị gán mác khủng bố”.

Cho đến gần đây, vẫn chưa rõ lý do Thổ Nhĩ Kỳ giữ quyền phủ quyết đối với nỗ lực xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Theo các nhà ngoại giao, ngoài lập trường của hai quốc gia Bắc Âu về cuộc chiến chống khủng bố do Ankara tiến hành, thì các hợp đồng mua bán vũ khí cũng có thể đóng vai trò trong quyết định của Ankara.

Chẳng hạn, Ankara muốn mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, song thoả thuận này vẫn còn gây tranh cãi về mặt chính trị ở Washington.

Cũng trong ngày 18/5, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ chỉ có thể đạt được tiến triển trong nỗ lực kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO nếu Helsinki và Stockholm triển khai các bước đi cụ thể nhằm giải quyết những quan ngại an ninh của Ankara.

Theo Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm với những người đồng cấp của 2 quốc gia Bắc Âu nói trên, cùng các quan chức Đức, Anh và Mỹ để thảo luận về chính sách mở rộng NATO.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, nếu những kỳ vọng của Ankara không được đáp ứng, “quá trình này sẽ không thể xuất hiện tiến triển”.

(theo DPA, Reuters)