📞

Xích mích khó gỡ hậu Brexit, Pháp tuyên bố cứng, cảnh báo trả đũa Anh

Thế Việt 11:05 | 10/05/2021
Ngày 9/5, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal tuyên bố, Paris có thể "đáp trả" nếu London không thực hiện các thỏa thuận hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) về quyền đánh bắt cá.
Tàu cá Pháp ở ngoài khơi đảo Jersey, nơi Paris đang xảy ra tranh chấp về quyền đánh cá với Anh hậu Brexit. (Nguồn: AFP)

Căng thẳng ngoài khơi đảo Jersey ở Eo biển Manche, nơi có khoảng 60 tàu đánh cá Pháp phản đối hạn ngạch đánh cá, bùng phát ngày 5/5 sau khi Pháp báo rằng, sẽ cắt nguồn cung cấp điện cho Jersey, nơi thuộc về Anh, nhưng về mặt địa lý gần với bờ biển Pháp hơn.

London phản ứng bằng cách triển khai các tàu tuần tra tới các khu vực, khiến Paris cũng có động thái tương tự.

Bình luận về khả năng cắt nguồn cung điện cho Jersey, ông Attal nói trên kênh truyền hình France 3: "Chúng tôi muốn các thỏa thuận được tôn trọng. Nếu chúng không được thực hiện, các biện pháp trả đũa có thể sẽ được đưa ra".

Quyền đánh bắt cá là một trong những trở ngại trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Mặc dù đã ký một thỏa thuận thương mại vào tháng 12/2020, song Pháp vẫn cáo buộc Anh ngăn cản các tàu đánh cá của Pháp hoạt động trong vùng biển của Anh. Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã công bố kế hoạch bảo vệ nghề cá của mình trong vùng biển này.

Trước sự kiện Brexit, các tàu đánh cá của Pháp vẫn được đánh bắt tại vùng biển giàu hải sản này. Tuy nhiên, sau khi Anh chính thức rời EU, chính quyền địa phương ở Jersey cũng công bố những quy định mới về cấp phép đánh bắt cá trong khu vực và vấp phải sự phản đối của ngư dân Pháp, cho rằng quy trình mới với nhiều thủ tục sẽ cản trở họ tiếp cận vùng biển này.

Cuối tháng 4, hàng trăm ngư dân Pháp cũng đã chặn các xe tải chở cá tới các khu chế biến tại cảng Boulogne-sur-Mer để phản đối.

Ngày 3/5, chính phủ Pháp ra tuyên bố chỉ trích việc Anh ban hành quy định mới về cấp phép hoạt động đánh bắt cá mà không thông báo tới Ủy ban châu Âu (EC) như quy định trong thỏa thuận Brexit nên các thay đổi trên không có hiệu lực.

Paris đã bày tỏ quan điểm này với EC. Theo người phát ngôn EC Vivian Loonela, giới chức châu Âu đã làm việc nghiêm túc với phía Anh để giải quyết vấn đề.

(theo News in 24)