TIN LIÊN QUAN | |
Cổ phần hóa 4 Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng trong năm 2017 | |
41% doanh nghiệp gặp phiền hà về thuế |
Nhiều điểm nghẽn lớn
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, trong 10 năm qua, công nghiệp Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao gần 3,5 lần, từ 0,35 triệu tỷ đồng lên 1,17 triệu tỷ đồng với tỷ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31-32%. Trong những năm gần đây, riêng nhóm ngành điện tử, dệt may, da giày đã trở thành những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế với tỷ trọng hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Phát biểu tại buổi và Hội thảo quốc gia về “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững” do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư châu Âu ( EU-MUTRAP) tổ chức mới đây, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ Công Thương soạn thảo. Trong đó nêu nổi bật lên 7 thành tựu đã đạt được và 12 điểm nghẽn lớn.
Kế hoạch chỉ rõ, nhìn tổng thể, tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch vẫn còn chậm, chưa thực sự đi vào chiều sâu, năng suất lao động trong các ngành chậm cải thiện, các ngành công nghiệp phần lớn vẫn chỉ tham gia được ở các khâu giá trị gia tăng thấp của chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành sản xuất trong nước; sản xuất tăng cao chủ yếu ở một số nhóm ngành có vốn đầu tư nước ngoài; phân bố không gian công nghiệp chưa khai thác được tốt lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của các địa phương...
Hội thảo “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp ViệtNam giai đoạn 2017 - 2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức (Ảnh: Phú Gia) |
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, năng suất lao động công nghiệp Việt Nam vẫn bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Năng suất lao động ngành công nghiệp của Nhật Bản cao gấp 39 lần, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần so với Việt Nam.
Không những thế, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp nước ta đạt thấp, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015. Hiện Việt Nam đứng thứ 101/143 quốc gia về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người.
Đây là những vấn đề đáng lo ngại khi Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa.
Kinh nghiệm của một số quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp đều có chung đặc trưng là tốc độ tăng trưởng rất cao, cả hai quốc gia này đều có tốc độ tăng trưởng hơn 30%/năm. Trong khi đó Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đang giảm dần. Nếu không có những đột phá để thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của ngành công nghiệp, Việt Nam sẽ rất khó khăn để có thể thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa.
Xác định “trúng” và “đúng”
Một số ý kiến tại Hội thảo cho rằng, để ngành công nghiệp thực sự bứt phá trong giai đoạn tới, Kế hoạch cần xác định “đúng” và “trúng” những điểm tắc nghẽn đang cản trở ngành công nghiệp.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, nhiều số liệu, dữ liệu trong bản Kế hoạch về ngành dệt may vẫn chưa chuẩn xác như năng suất lao động hay giá trị gia tăng, nhập khẩu… nên độ tin cậy còn thấp để có thể đánh giá chính xác, do vậy, cần phải rà soát lại.
Chia sẻ những khó khăn từ ngành dệt may – một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông Trường cũng bổ sung thêm một điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp hiện nay là nguyên liệu, phụ liệu có giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ nội địa hóa thấp.
“Việt Nam sẽ tập trung đầu tư sản xuất nguyên liệu, có giúp tăng chuỗi cung ứng cao hơn không? Có đáp ứng được cả chuỗi sản phẩm để cung ứng không? Trong khi phía Trung Quốc họ rất mạnh cả về giao hàng, giá cả, chất lượng…”, ông Trường đặt vấn đề.
Theo ông Lê Tiến Trường, với mặt hàng phổ thông và lô hàng lớn, nếu Việt Nam làm thì không thể thay thế hàng Trung Quốc. Vì vậy, Tập đoàn Dệt may đi theo hướng tập trung làm những mặt hàng mà chủ hàng ở Việt Nam yêu cầu sản xuất lớn. Còn nếu làm ào ạt, để nâng giá trị nội địa hóa thì Việt Nam sẽ thua Trung Quốc. Vì vậy, nội địa hóa không phải mục tiêu để tăng năng lực cạnh tranh, có những thứ nội địa hóa sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh.
“Giống như việc chúng ta ốm sốt mà chỉ cho uống hạ sốt, không tìm hiểu xem nguyên nhân sâu xa là viêm nhiễm ở đâu để trị tận gốc vấn đề thì sẽ không thể khỏi được”, ông Trường nêu ví von.
Cần xác định "trúng" và "đúng" những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Nhận xét về bản Kế hoạch, bà Nguyễn Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, dự thảo đề án đã viết cô đọng, nêu được khá xác đáng những thành tựu quan trọng. Cùng với đó, xác định được 12 điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp, cũng như chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra điểm nghẽn. Đề cập đến những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới.
Dù vậy, bà Tuệ Anh cho hay, nội dung của bản Kế hoạch chưa làm sáng tỏ được yêu cầu về cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp. Các quan điểm, định hướng, mục tiêu và nhất là giải pháp, các nhiệm vụ một cách cụ thể và tổ chức thực hiện đề xuất còn quá chung chung, thiếu mục tiêu của từng nhiệm vụ và kế hoạch thực hiện (ai, làm gì, đạt kết quả gì?), thiếu cơ chế giám sát, đánh giá nên sẽ khó triển khai thực hiện trên thực tế.
“Đây là đề án chính thức nên cần trích dẫn nguồn đầy đủ, cần có số liệu minh chứng cho các nhận định đánh giá cao hơn hay thấp hơn so với các nước khác”, bà Tuệ Anh góp ý.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần lựa chọn một số ngành công nghiệp có quy mô lớn và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế để tập trung cải thiện năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng như: dệt may, ngành công nghiệp thực phẩm, chế tạo, điện tử viễn thông, năng lượng tái tạo...
Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyên môn hóa và dịch chuyển lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị thay vì tiếp tục gia công, lắp ráp như hiện tại; chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, công nghệ cao hơn; thu hẹp phạm vi các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư về chính sách, nguồn lực, tránh dàn trải...
Quy định hải quan so với EVFTA: Tương thích nhưng chưa đủ Dù được đánh giá là đã gần như đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc tế nhưng các quy định pháp luật về hải quan ... |
Vì một nền công nghiệp Việt Nam lớn mạnh Thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển đòi hỏi nhiều yếu tố không chỉ là công nghệ, còn cần kiến thức và cơ hội kết ... |
Triển vọng của ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập Ngày 18/11, tại Hà Nội, Dự án Hỗ trợ thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) đã phối hợp với Phòng Thương mại ... |