Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh tế Mỹ suy yếu do kinh tế thế giới giảm tốc

Giới chuyên gia ở Mỹ cho rằng, một cú sốc từ bên ngoài do sự trì trệ của nền kinh tế thế giới có thể gây ra những ảnh hưởng lan truyền đối với nền kinh tế Mỹ và để lại hậu quả tiêu cực.
kinh te my suy yeu do kinh te the gioi giam toc
Triển vọng kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu có tác động rất lớn đến triển vọng kinh tế Mỹ. (Ảnh minh họa)

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/4 đã lần thứ tư trong năm nay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,4% trong tháng 1/2016 xuống còn 3,2% do lo ngại về giá dầu thấp và sự giảm tốc của nhiều nền kinh tế phát triển.

Cuối tuần này, IMF sẽ có kỳ họp mùa xuân tại Thủ đô Washington (Mỹ) nhằm đưa ra những cảnh báo về các nguy cơ lớn nảy sinh từ sự trì trệ về kinh tế và khả năng dễ bị tổn thương trước các cú sốc như xung đột địa chính trị và đồng tiền mất giá.

Hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời nhà nghiên cứu Desmond Lachman thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cho hay, nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế thế giới có mối liên hệ chặt chẽ thông qua hoạt động thương mại cũng như các thị trường tài chính quốc tế. Vì vậy, triển vọng kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu có tác động rất lớn đến triển vọng kinh tế Mỹ.

Ông Lachmand nhận định, mọi chuyện đều phụ thuộc vào mức độ giảm tốc của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu hứng chịu một cú sốc như nguy cơ Brexit (cụm từ chỉ việc Anh rời khỏi EU).

Cũng trong ngày 12/4, IMF cho rằng sau cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 tới, nếu nguy cơ Brexit thành sự thực, khi các cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU, thì mối quan hệ thương mại sẽ bị phá vỡ và tạo ra “những thách thức lớn” cho cả Anh và EU. Dù chỉ một trong những cú sốc trên xảy ra, nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ chịu tác động nhất định.

Viễn cảnh xấu nhất, theo nhà nghiên cứu Desmond Lachman, nền kinh tế Mỹ sẽ bị tác động bởi một cú sốc từ bên ngoài như nguy cơ Brexit. “Thời điểm hiện tại, chúng ta đang đứng trước hàng loạt nguy cơ từ những diễn biến trái chiều của môi trường kinh tế bên ngoài, nợ công đang ở mức rất cao tại nhiều quốc gia trong khi nước Mỹ không có nhiều biện pháp đủ để chống đỡ với các cú sốc từ bên ngoài. Vì vậy, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có quyết định đúng khi không vội vàng tăng lãi suất”, ông Lachman bình luận.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn có cái nhìn lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ, đồng thời cảnh báo việc lựa chọn một nhà lãnh đạo sai lầm mới là thảm họa cho nền kinh tế Mỹ.

Nhà nghiên cứu Barry Bosworth thuộc Viện Nghiên cứu Brookings cho rằng, việc cử tri lựa chọn ông Bernie Sanders, Donald Trump hay Ted Cruz có thể gây những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu bởi Mỹ đang đối mặt với một làn sóng ngày càng lớn của chủ nghĩa dân túy với tư tưởng phản đối xu thế toàn cầu hóa.

So với nhiều nước khác, tình hình việc làm ở Mỹ được đánh giá là khả quan và sáng sủa hơn. Mặc dù chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, thị trường việc làm tại Mỹ vẫn tương đối ổn, đặc biệt là khi so sánh với các nước châu Âu. “Sáu năm qua, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm từ 10% xuống còn 5% thì tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu vẫn trên 10%”, một chuyên gia nhận xét.

Dù vậy, theo một số chuyên gia, con số 5% không nói lên tất cả mà tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động (khoảng 63%) ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua mới là con số chính xác phản ánh thực tế.

PV.