Cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ ngày càng quyết liệt hơn khi Việt Nam chính thức mở cửa ngành bán lẻ năm 2015. (Ảnh minh họa) |
Thị trường giàu tiềm năng
Nhiều chuyên gia nhận định, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cùng quy mô dân số 90 triệu người, Việt Nam vẫn sẽ là môi trường thuận lợi của thị trường bán lẻ. Việc Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc nền kinh tế mới nổi ở châu Á cùng mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng sẽ giúp người dân chi tiêu nhiều hơn, qua đó giúp thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Dù rời khỏi top 30 nước dẫn đầu thế giới về độ hấp dẫn kinh doanh bán lẻ cũng như bị ảnh hưởng mạnh về sức mua do nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng nhiều nhà bán lẻ, giới phân tích đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đầy tiềm năng và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức nghiên cứu thị trường Nielsen đánh giá, trong mức tăng trưởng doanh thu bán hàng bình quân hằng năm của Việt Nam thì giá cả tăng chiếm tới 70% khoản tăng đó. Dự báo doanh số bán lẻ trong giai đoạn 2013 – 2015 bình quân tăng khoảng 8,5%/năm.
Tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2013 với chủ đề “Ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam vượt qua khó khăn và định vị trong thời kỳ mới” vừa được tổ chức mới đây, TS Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, ước tổng mức bán lẻ 11 tháng năm 2013 đạt 2.286.146 tỷ đồng, tăng 12,56% so với cùng kỳ. Hệ thống bán lẻ đã mở rộng và tăng chất lượng dịch vụ với nhiều loại hình.
Cũng theo bà Loan kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam mới chỉ chiếm 25% thị phần, vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan 34%; Trung Quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%...Chính vì thế, cơ hội khai thác thị trường còn rất lớn. Theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ này lên 45%
Đánh giá của Hiệp hội bán lẻ Việt Nam (AVR), thị trường bán lẻ Việt Nam 2013 vẫn chưa có dấu hiệu bão hòa nhất là về việc mở các địa điểm bán lẻ. Bởi kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu tiêu dùng luôn tồn tại. Các nhà bán lẻ cho rằng điều quan trọng là biết cách kích cầu tiêu dùng.
Cuộc đổ bộ của các ngoại binh
Đầy tiềm năng và chuẩn bị mở cửa, cũng dễ hiểu khi thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành mảnh đất mầu mỡ cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. Vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng chứng kiến những cuộc đổ bộ rầm rộ của rất nhiều ngoại binh bán lẻ nước ngoài.
Mới nhất phải kể đến tập đoàn bán lẻ lớn thứ 4 thế giới là Aeon từ Nhật Bản. Theo kế hoạch, ngày đầu tiên của năm mới 2014, tập đoàn này sẽ chính thức khai trương trung tâm thương mại (TTTM) đầu tiên tại TP.HCM với vốn đầu tư được tiết lộ là 100 triệu USD. Siêu thị thứ 2 của Aeon cũng sẽ được mở tại TPHCM, sau đó là Bình Dương và Hà Nội trong hai năm tới. Bên cạnh đó, vào tháng 4/2013, Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) cũng đã tuyên bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm. Các đại gia bán lẻ ngoại vào Việt Nam từ trước như chuỗi siêu thị Big C của Casino (Pháp), Lotte Mart (Hàn Quốc), Metro (Đức)…cũng không ngừng mở rộng quy mô.
Không chỉ gặp thách thức ở chuỗi bán lẻ lớn, các hệ thống cửa hàng tiện ích của những doanh nghiệp nội địa cũng đang bị các nhà đầu tư ngoại lấn át.. Đơn cử như Tập đoàn Phú Thái, từng có cơ hội đưa hàng hóa nội vào hệ thống 50 cửa hàng tiện lợi FamilyMart liên doanh với Nhật, nhưng giữa năm 2013, cũng buộc phải rời khỏi cuộc chơi khi chuyển nhượng cho Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) đến từ Thái Lan.
Số liệu từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến cuối năm 2012, Việt Nam có khoảng 700 siêu thị, trong đó, 40% thuộc về các tập đoàn nước ngoài. Trong số 125 trung tâm thương mại đang hoạt động thì chiếm 25% trong số đó là của các nhà đầu tư ngoại. Phần lớn các đại gia bán lẻ nước ngoài có mặt tại Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, có hệ thống kho vận tốt, giàu kinh nghiệm trên thị trường bán lẻ thế giới, và được đánh giá là vượt trội hơn các doanh nghiệp nội địa về mọi mặt.
Nội binh “ra quân” giành thị phần
Trước những thách thức và nguy cơ cạnh tranh gay gắt từ phía các nhà bán lẻ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng không thể “khoanh tay đứng nhìn”. Càng về gần thời điểm cuối năm 2013, cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ càng càng được hâm nóng khi hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ nội địa ồ ạt ra quân, mở rộng chuỗi hệ thống.
Nhận thấy rằng một trong những sức mạnh của nhà bán lẻ hiện đại chính là sở hữu nhiều điểm bán, từ những ông lớn đã có vị trí tương đối vững chắc như FiviMart, HaproMart, CitiMart, SaigonCo.op…cho đến những tân binh như Hiway, Oceanmart,… đều chạy đua trong cuộc chiến mặt bằng để sở hữu những điểm bán tốt nhất.
Citimart hiện có 1 trung tâm thương mại, 12 siêu thị, 6 siêu thị mini Family Mart, 8 cửa hàng tiện lợi Best&Buy và đang tiếp tục mở rộng mạng lưới. Trong khi đó, SaigonCo.op vẫn liên tục mở rộng mạng lưới để có thể đạt 100 Co.opMart vào năm 2015, phát triển trung bình 15 Co.op Food, 1 - 2 đại siêu thị mỗi năm để phủ rộng các điểm bán.
Mới đây, công ty cổ phần bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) thuộc Tập đoàn Đại dương (Ocean Group) đã khai trương siêu thị Ocean Mart thứ 5 tại Hà Nội và dự kiến sẽ khai trương tiếp 2 siêu thị nữa tại Hà Nội và siêu thị tại Hà Tĩnh vào đầu năm 2014. Tham vọng của tập đoàn này là đến năm 2015, mở được 50 - 70 siêu thị bán lẻ trên toàn quốc.
Một tân binh tay ngang khác là Tập đoàn Sơn Hà thành, vốn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, bất động sản thì nay cũng chuyển sang ngành bán lẻ với chuỗi siêu thị Hiway. Theo kế hoạch của doanh nghiệp này, trong 5 năm (2012 - 2016) sẽ xây dựng 20 siêu thị bán lẻ kết hợp khu vui chơi mua sắm tiện ích tại Hà Nội và sau đó sẽ phát triển ở những thị trường trọng điểm trong cả nước.
Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.300 siêu thị và cần thêm khoảng 550 trung tâm thương mại. Hiện trên toàn quốc mới chỉ có 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm, tức là cần thêm 200 trung tâm. Do vậy, chiến dịch mở điểm bán phân phối sẽ tiếp tục là xu hướng diễn ra trong năm 2014 và điều này cũng khiến cho thị trường bán lẻ trở nên sôi động hơn.
Để gia tăng thị phần và cùng cố vị trí trên thị trường, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng bắt đầu thực hiện các bước đi chiến lược khi “bắt tay” với các hãng ngoại. Điển hình là trường hợp của SaigonCo.op liên doanh với Nhà bán lẻ Singaporre Ntuc FairPrice để mở các đại siêu thị tại Việt Nam hay như Phú Thái từng liên kết với nhà đầu tư Nhật Bản và hiện đang tìm đối tác mới.
Về phía các hãng bán lẻ nước ngoài, ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị cho rằng, họ thích liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước là để tránh được khâu rà soát ban đầu, tận dụng được hình ảnh và mạng lưới sẵn có của doanh nghiệp nhằm tiếp cận khách hàng nhẹ nhàng hơn. Còn về phía các doanh nghiệp bán lẻ nội địa vốn thiếu vốn và kinh nghiệm quản trị, việc bắt tay với đối tác ngoại sẽ giúp các doanh nghiệp này củng cố và gia tăng thêm nguồn lực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, các nhà bán lẻ Việt Nam cần phải thận trọng lựa chọn đối tác. "Thà chậm mà chắc còn hơn ào ào, tránh việc chỉ vì một số tiền mà phải nhường cổ phần cho đối tác nước ngoài để một ngày nào đó, họ sẽ nuốt chửng doanh nghiệp chúng ta", bà Loan nhấn mạnh.
Bản thân Phú Thái, một doanh nghiệp đang lên kế hoạch hợp tác với nước ngoài cũng cho hay cần có tính toán thích hợp, khôn ngoan. "Chúng tôi đã lên kế hoạch hợp tác với tập đoàn nước ngoài, nhưng hợp tác trong lĩnh vực gì, đến đâu, tỷ lệ vốn vao nhiêu thì cần phải suy nghĩ", ông Phạm Quốc Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết.
Phạm Cúc