Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò và vị trí của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga?
Một trong những hướng đối ngoại chính của Liên bang Nga là củng cố vị thế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phát triển hợp tác với các nước khu vực. Trên tinh thần đó, một trong những ưu tiên của Nga tại châu Á là thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN.
Chúng tôi coi ASEAN là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất, là hạt nhân của một loạt các diễn đàn liên quốc gia, như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các đối tác đối thoại (ADMM+).
ASEAN cũng đồng quan điểm với Nga, chia sẻ cách tiếp cận của Nga về xây dựng một trật tự an ninh mở, cân bằng, bình đẳng và không phân tách tại châu Á-Thái Bình Dương với ASEAN giữ vai trò trung tâm.
Hiện Nga hợp tác chặt chẽ các nước thành viên ASEAN nhằm đối phó với các nguy cơ và thách thức mới. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chúng tôi đang cùng các đối tác trong ASEAN dự thảo Tuyên bố chung cấp cao đặc biệt EAS-15.
Nga cũng tăng cường phối hợp với 10 nước ASEAN tại các diễn đàn quốc tế lớn, trong đó có Liên hợp quốc, về các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách, bao gồm kiểm soát vũ khí, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm an ninh thông tin quốc tế, đấu tranh chống buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Các cơ quan chức năng của Nga đang hỗ trợ các cơ quan bảo vệ pháp luật và an ninh đặc biệt của ASEAN trong việc đào tạo cán bộ, tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ nhằm đấu tranh chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
Như đã biết, tại Cấp cao ASEAN-Nga tháng 5/2016, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã đề xuất ý tưởng hợp tác giữa các tổ chức liên kết Á-Âu, gồm Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và ASEAN trong khuôn khổ sáng kiến Đại Á-Âu. Đến nay đã triển khai được những bước đi đầu tiên theo hướng này, trong đó đã ký kết Bản ghi nhớ về hiểu biết giữa Ủy ban Kinh tế Á-Âu với Ban Thư ký ASEAN và đang triển khai Chương trình hợp tác giữa Ủy ban Kinh tế Á-Âu với ASEAN cho giai đoạn 2019-2020. Các bên cũng đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục Chương trình hợp tác này đến năm 2025.
Quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư giữa Nga và các nước ASEAN cũng tiếp tục phát triển tích cực. Hai bên đang triển khai các dự án chung trên các lĩnh vực từ nông nghiệp đến năng lượng.
Hai bên đã thiết lập quan hệ trong lĩnh vực nhân văn và giáo dục. Trung tâm ASEAN tại Học viện Quan hệ quốc tế quốc gia Moscow đang tích cực thúc đẩy nhiều sáng kiến chung. Dưới sự bảo trợ của Trung tâm, nhiều hoạt động khoa học được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của các chuyên gia Nga và ASEAN. Các diễn đàn thanh niên cấp cao Nga - ASEAN cũng được duy trì.
Chúng tôi mong muốn tăng cường quan hệ nhằm nâng tầm Đối tác chiến lược với ASEAN.
Ông mong đợi điều gì từ hoạt động của ASEAN trong năm 2020?
Năm nay thực sự đặc biệt với tất cả chúng ta. Loài người đối mặt với nguy cơ an ninh lớn nhất từ sau Thế chiến II - sự bùng phát nhanh chóng của virus nguy hiểm Covid-19 khiến không một quốc gia nào có thể đơn độc chống trọi.
Trong bối cảnh đó, vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN ngày càng trở nên quan trọng. Trong suốt những thập kỷ qua, ASEAN đã khẳng định được sức sống của mình, cũng như khả năng đoàn kết trước mối đe dọa chung với toàn Khối. Sự tồn tại của các thể chế đối tác đối thoại, cũng như các cơ chế hợp tác mở rộng (EAS, ARF, ADMM+) cho phép ASEAN giữ vai trò điều phối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, giúp tăng thêm giá trị cho tiến trình liên kết của ASEAN.
Việc Việt Nam chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch ASEAN càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh hàng không quốc tế đang tạm ngừng và không thể tổ chức trực tiếp các hoạt động của ASEAN, đòi hỏi phải kịp thời điều chỉnh cách thức tiến hành và cập nhật nội dung chương trình nghị sự phù hợp với tình hình mới.
Bất chấp điều đó, nhưng Việt Nam đã xử lý xuất sắc trong bối cảnh mới. Giữa tháng 4/2020 vừa qua, Hội nghị cấp cao ASEAN và ASEAN+3 đã được tổ chức thành công dưới hình thức trực tuyến, với nội dung chính là hợp tác phòng chống Covid-19.
Trên tinh thần đó, chúng tôi mong chờ nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam có nhiều hành động quyết liệt nhằm thúc đẩy chủ đề liên kết tại các diễn đàn ASEAN, thu hút nỗ lực của cộng đồng quốc tế đối phó với đại dịch, cũng như tiếp nối thành tựu của của các Năm Chủ tịch trước đây. Chúng tôi hy vọng việc triển khai những ưu tiên được Việt Nam công bố, trước hết là tăng cường đóng góp của 10 nước ASEAN vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định sẽ góp phần hình thành một cấu trúc an ninh khu vực bình đằng và không chia tách tại khu vực châu Á - Thái Bính Dương.
Một tiết mục trong khuôn khổ lễ hội văn hóa ASEAN-Nga tại thành phố Sochi năm 2016. |
Đại sứ có thể cho biết những phương hướng chính trong chính sách của Nga với ASEAN?
Chúng tôi coi quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN là một trong những nhân tố chính bảo đảm ổn định tại khu vực. Trên tinh thần đó, chúng tôi dự kiến đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trong đấu tranh chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, đấu tranh buôn bán trái phép chất ma túy và bảo đảm an ninh thông tin quốc tế. Hai bên đã thỏa thuận sẽ soạn thảo Kế hoạch hành động tổng thể phát triển hợp tác ASEAN-Nga giai đoạn sau năm 2020.
Chúng tôi quan tâm mở rộng quan hệ với 10 nước ASEAN trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, tài chính, xử lý tình huống khẩn cấp, cũng như văn hóa - nhân văn.
Một trong những hướng hợp tác triển vọng với ASEAN là phòng chống bệnh truyền nhiễm. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo các chuyên gia từ các quốc gia thành viên ASEAN trên cơ sở Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc tế về các vấn đề an toàn sinh học và vệ sinh dịch tế học khu vực châu Á-Thái Bình Dương trực thuộc Cơ quan Giám sát và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga, đặt tại thành phố Vladivostok.
Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của ASEAN trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Tàu hải quân Nga thường xuyên có các chuyến ghé thăm hữu nghị đến các cảng Đông Nam Á, bao gồm cảng Cam Ranh và Đà Nẵng. Nga thời gian tới dự kiến tiến hành diễn tập hải quân chung với một loạt các nước ASEAN. Chúng tôi cũng ủng hộ việc tổ chức các hoạt động tương tự giữa Nga và ASEAN trong khuôn khổ cơ chế ADMM+.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các nước ASEAN trong việc quản lý tài nguyên cá và đấu tranh chống ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.
Chúng tôi cho rằng cần duy trì xu hướng tích cực trong thương mại giữa Nga với các nước ASEAN, trong đó thương mại hàng hóa công nghệ cao và thương mại dịch vụ còn nhiều triển vọng. Nga có thể giới thiệu các đối tác Đông Nam Á những sáng chế mới của mình trong các lĩnh vực dịch vụ công điện tử, số hóa quản lý đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhà ở và giao thông.
Việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và đẩy mạnh cung cấp các nguồn nhiên liệu của Nga, bao gồm LNG, sang thị trường 10 nước ASEAN, cũng như tăng cường hợp tác ở mức độ khu vực, có thể góp phần tăng hơn nữa kim ngạch thương mại song phương. Về việc này, Chính phủ Nga tích cực thúc đẩy các địa phương Nga hợp tác nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực Siberia và Viễn Đông của Nga. Để làm được điều này, Nga đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất, bao gồm thành lập các vùng phát triển ưu tiên với nhiều ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư.
Hợp tác theo kênh EAEU-ASEAN còn rất tiềm năng. Một trong những ưu tiên của Kế hoạch hành động chung của ASEAN đến năm 2025 là hợp tác chiến lược với EAEU. Các thỏa thuận thương mại tự do hiện có giữa EAEU với Việt Nam và Singapore đang cho thấy những kết quả ấn tượng. Hiện Brunei, Campuchia và Philippines cũng đang quan tâm ký kết các thỏa thuận tương tự với EAEU.
Trong quan hệ song phương giữa Nga và Việt Nam, kênh hợp tác ASEAN ngày càng trở nên rõ nét hơn. Trên tinh thần đó, chúng tôi mong vào sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Nga và ASEAN, củng cố hợp tác theo kênh EAEU-ASEAN và SCO-ASEAN, hướng tới mục tiêu thành lập các khu vực mậu dịch tự do mới giữa các bên.