Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc thiếu khả năng nội địa? |
Một trong những sáng kiến hàng đầu của Trung Quốc nhằm thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật số là Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số quốc tế (DSR), một thành phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Thông qua DSR, Trung Quốc sẽ mở rộng ra thị trường nước ngoài, đảm bảo khả năng tiếp cận các nhà cung cấp và người tiêu dùng nước ngoài, đồng thời thiết lập các tiêu chuẩn trong công nghệ thông tin và truyền thông.
Nếu thành công, DSR sẽ mang tới nhu cầu - yếu tố đảm bảo cho sự ổn định về kinh tế mà Trung Quốc cần. Tuy nhiên, DSR và lời hứa đổi mới của nó phụ thuộc vào sự thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực phần cứng. Mặc dù nước này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ở nước ngoài, những thách thức lớn nhất đối với sự đổi mới kinh tế của Trung Quốc lại xuất phát từ trong nước. Trung Quốc dẫn đầu về công nghệ 5G, song lại thiếu năng lực bản địa trong phần cứng kỹ thuật số giá trị cao, đặc biệt là chip bán dẫn.
Trong giai đoạn 2010-2020, Trung Quốc đã nỗ lực củng cố ngành công nghiệp bán dẫn, khuyến khích các công ty bán dẫn trong nước chia sẻ nghiên cứu và phát triển, hạn chế nước ngoài kiểm soát xuất khẩu, đồng thời thu hút được nguồn nhân lực có kỹ năng cao từ nước ngoài. Tuy nhiên, vào đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn chưa thể thiết kế hoặc chế tạo được một số lượng đáng kể các chip bán dẫn có giá trị cao nhất (thị phần của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu chưa đến 6%). Nhưng đây chỉ là một phần của vấn đề. Hai chip bán dẫn có giá trị cao nhất là CPU và GPU. Theo George Calhoun, trong cả hai loại, chip do Trung Quốc sản xuất không chỉ có chất lượng thấp hơn mà còn kém cạnh tranh, ngay cả ở thị trường nội địa.
Các vấn đề trước mắt mà Trung Quốc phải đối mặt trong ngành bán dẫn của mình là tính cạnh tranh và chất lượng. Mặc dù Trung Quốc có một số khả năng kỹ thuật cần thiết, nhưng điều đó chưa đủ. Zhaoxin, một công ty bán dẫn của Trung Quốc là ví dụ. Đây là công ty Trung Quốc duy nhất sản xuất chip CPU x86 (được cho là CPU có hiệu suất hàng đầu) và cung cấp thiết kế bán dẫn của riêng mình cho các công ty điện tử Lenovo và Hewlett-Packard. Huawei và Tsinghua Unigroup đều có công ty con sản xuất chip bán dẫn, nhưng họ được cấp phép sở hữu trí tuệ từ một công ty Anh. Trong khi đó, “là một trong năm xưởng đúc chất bán dẫn hàng đầu thế giới, SMIC [Semiconductor Manufacturing International Corporation] của Trung Quốc chỉ bắt đầu sản xuất chất bán dẫn 14nm trong năm nay. Điều đó khiến công ty này "đi" chậm ba thế hệ - hoặc ít nhất là sáu năm - so các đối thủ của nó”.
Nói chung, Trung Quốc thiết kế chip nhớ, dễ sản xuất hơn chip logic và là nước đi đầu trong lĩnh vực lắp ráp và đóng gói chất bán dẫn. Vì vậy, trong khi Trung Quốc đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc thiết kế chip bán dẫn, nước này vẫn chủ yếu sản xuất chất bán dẫn chất lượng thấp hơn. Chiến lược “Made in China 2025" của Chính phủ Trung Quốc dự kiến cung cấp 70% nhu cầu bán dẫn của nước này thông qua thiết kế và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, không rõ liệu mục tiêu đó có đạt được trước thời hạn của kế hoạch hay không. Hiện tại, các công ty bán dẫn Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu về chất bán dẫn của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào chất bán dẫn chất lượng cao được sản xuất ở nước ngoài.
Từng tuyên bố chất bán dẫn cao cấp là một ngành chiến lược vào đầu những năm 2000, chính phủ Trung Quốc hiện hiểu rằng việc phát triển năng lực trong lĩnh vực này là một quá trình kéo dài hàng thập kỷ. Nhưng trong giáo dục, nơi mà cuộc chiến lâu dài phân thắng bại, Trung Quốc lại đi sau. Theo bài viết của Hongbin Li, et al. “Nguồn lực con người và tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc” trên Tạp chí Quan điểm Kinh tế, ở Hoa Kỳ, 90% lực lượng lao động tốt nghiệp trung học phổ thông; sinh viên tốt nghiệp đại học chiếm 45% (tính đến năm 2015). Tại Trung Quốc, lực lượng lao động tốt nghiệp đại học và trung học lần lượt chiếm 12,5% và 28,8%. Số học sinh tốt nghiệp trung học và đại học của Trung Quốc thấp hơn Mexico, Nam Phi, Philippines và Malaysia. Mặc dù mức độ đổi mới của Trung Quốc cao so với các nước đang phát triển khác, Trung Quốc không thể cạnh tranh hiệu quả với các nước phát triển với tỷ lệ giáo dục thấp.
Cuối cùng, người ta vẫn chưa rõ khoản đầu tư của chính phủ Trung Quốc có xứng đáng với lợi nhuận hay không. Ngay cả với nỗ lực gần đây của Hoa Kỳ nhằm đưa ngành sản xuất chất bán dẫn trở về nước, các ưu đãi dành cho các công ty bán dẫn của Trung Quốc vẫn thấp hơn so với những ưu đãi được cung cấp ở Mỹ.
Theo nhà phân tích Peter Cowhey, "... Sự hỗ trợ quá mức của Chính phủ Trung Quốc đối với ngành bán dẫn của họ càng trở nên rõ ràng hơn khi so sánh giá trị của tổng hỗ trợ tài trợ với tỷ lệ phần trăm giá trị doanh số bán dẫn toàn cầu của các quốc gia / khu vực. Hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đối với ngành công nghiệp bán dẫn của họ tương đương với 137% doanh thu toàn cầu của ngành bán dẫn Trung Quốc, so với chỉ 11% của Nhật Bản, 3,8% đối với Đài Loan (Trung Quốc), 2,3% đối với Liên minh châu Âu và 0,01% với Hàn Quốc và Hoa Kỳ."
Theo tác giả bài báo, DSR và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ không tồn tại nếu không có năng lực bản địa— và Bắc Kinh có thể sắp hết thời.
Ngành công nghiệp nặng châu Âu 'ngấm đòn' khủng hoảng năng lượng Tình trạng giá điện tại châu Âu leo thang trong thời gian gần đây đang gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những khách hàng ... |
Ngành Ngoại giao góp phần làm nên thành công của nông sản và thương hiệu Việt Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp, địa phương... đều ... |