📞

Xu hướng đại đoàn kết dân tộc ngày càng mạnh mẽ

14:45 | 23/04/2015
“Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam đang ngày càng gắn kết và trở nên mạnh mẽ, trong khi xu hướng gây chia rẽ ngày càng rời rạc và yếu đi" là khẳng định của Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao trong cuộc trao đổi với TG&VN nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao.

Với vai trò là cầu nối giữa kiều bào Việt Nam ở nước ngoài với trong nước, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Uỷ ban) có những hoạt động gì để thúc đẩy bà con gắn bó hơn với quê hương đất nước?

Trước hết, cần khẳng định rõ người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là chính sách xuyên suốt, kể cả trong chính sách của Đảng, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Nhờ chính sách nhất quán đó, từ Trung ương đến địa phương, các Bộ, ngành đều có một vai trò quan trọng trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Vậy, điều quan trọng là chúng ta phải triển khai chính sách như thế nào để bà con nhận thấy được.

Hiện nay, vẫn có không ít bà con còn tư tưởng xa lánh, còn nghi ngờ về chính sách, pháp luật liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài của Việt Nam, do đó cần phải thông tin, tuyên truyền tới bà con hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách có lợi cho bà con. Để tạo thêm lòng tin, thu hút nguồn nhân lực tri thức kiều bào, cần khuyến khích bà con hướng về Tổ quốc, trở về Việt Nam như là trở về ngôi nhà chung của mình, dù sống ở nước ngoài nhưng vẫn là một phần của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi đã triển khai rất nhiều các chính sách thực tế đối với bà con như tạo điều kiện để bà con đi về thuận lợi, được hưởng những chính sách như người ở trong nước, được sở hữu tài sản, được kinh doanh, được xem xét cấp lại Quốc tịch Việt Nam nếu có nguyện vọng...

Có một bộ phận kiều bào đã rời đất nước trong thời điểm đất nước bị chiến tranh chia cắt, vậy chúng ta phải làm thế nào để bộ phận kiều bào này không cảm thấy bị xa lánh khi trở về quê hương?

Đúng là thành phần cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất đa dạng, trong đó có thành phần ra nước ngoài định cư từ trước, trong và sau khi giải phóng miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều bà con đã ra đi để có cuộc sống tốt hơn, mong muốn thế hệ sau có điều kiện học tập tốt hơn. Hay trong thời kỳ đất nước hội nhập, cũng có nhiều bà con ra sinh sống và học tập ở nước ngoài...

Tuy nhiên, còn nhiều bà con rời bỏ đất nước với lý do hậu quả của chiến tranh, họ quyết định ra đi do mặc cảm quá khứ hay do sự đổ vỡ của cuộc sống... do đó vẫn còn có những tiếng nói đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc với những định kiến khá nặng nề, chưa hiểu những chính sách đúng đắn của đất nước. Đó là hậu quả tất yếu của bất kỳ cuộc chiến tranh nào.

Đó là điều chúng tôi rất trăn trở. Họ là người Việt Nam, là đồng bào của mình, cùng chung dòng máu của dân tộc, nhưng lại có định kiến khác, nên phải làm sao để họ được trở về Việt Nam, để thăm lại nơi họ sinh ra, thắp nén hương cho người thân của họ sau nhiều năm sống xa Tổ quốc? Rất nhiều người đã trở về, trong đó có người từng là quan chức cao cấp trong chế độ cũ. Nhiều người trong số họ đã góp công lớn trong đầu tư xây dựng quê hương, đất nước và được đất nước trân trọng. Tuy muộn mằn, nhưng nhiều giọt nước mắt hối hận đã rơi. Họ hối hận vì đã không trở về quê hương sớm hơn...

Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta phải thông tin, tuyên truyền cho bà con hiểu và góp phần thu hẹp khoảng cách trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để tạo cho khối đại đoàn kết của dân tộc được bền hơn, vững chắc hơn.

Ông đánh giá thế nào về những hoạt động hướng về quê hương đất nước của bà con kiều bào trong những năm vừa qua?

Những năm qua chứng kiến rất nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước của bà con. Mỗi năm có khoảng nửa triệu người trở về quê hương, nhất là những dịp lễ Tết. Ở ngoài nước, các phong trào của cộng đồng người Việt hướng về quê hương ngày càng phong phú và hiệu quả, như ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai, hướng về biển đảo, giúp đỡ người nghèo và các gia đình chính sách... Lượng kiều hối tăng hàng năm đã chứng tỏ trách nhiệm của bà con đối với quê hương, đất nước.

Bên cạnh đó, có thể kể đến sự đồng lòng của bà con trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Những cuộc tuần hành với sự tham dự của hàng ngàn người Việt Nam ở nước ngoài, những lá thư của bà con ta gửi tới chính quyền sở tại để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam…. Thông qua hoạt động sôi nổi như vậy, khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam ngày càng gắn kết và trở nên mạnh mẽ, trong khi xu hướng gây chia rẽ dân tộc ngày càng rời rạc và yếu đi.

Trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vẫn còn tồn tại những luận điểm sai trái, cho rằng sau giải phóng, Việt Nam có sự phân biệt, kỳ thị đối với những người tham gia trong chính quyền Sài Gòn. Theo ông, điều này gây ảnh hưởng thế nào đối với việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc?

Cần phải khẳng định rằng, sau giải phóng, Việt Nam không có bất cứ phân biệt, kỳ thị nào đối với những người tham gia chính quyền Việt Nam Cộng hoà trước đây. Việc bà con ra đi là hoàn toàn tự phát từ phía bà con, có nhiều lý do, trong đó có lý do bà con quan ngại rằng họ sẽ gặp khó khăn đối với chính quyền hoặc lý do kinh tế. Vì thế, những thông tin cho rằng có sự mất đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Việt Nam sau giải phóng là hoàn toàn sai sự thật. Tuy nhiên, trong 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tỷ lệ người có tư tưởng chống đối hoặc tham gia vào việc chống đối là không đáng kể.

Những người vẫn mang trong mình định kiến với quê hương, đất nước có thể vì lý do chủ quan, họ vẫn giữ quan điểm đối nghịch từ khi họ tham gia chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Lý do lớn thứ hai ảnh hưởng đến cộng đồng, đó là có thế lực thù địch lợi dụng bà con để phục vụ mưu đồ chính trị của riêng mình.

Tuy nhiên, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam là truyền thống xuyên suốt, bất biến hàng ngàn năm lịch sử. Đại đoàn kết chính là sức mạnh để dân tộc Việt Nam chiến thắng tất cả các thế lực ngoại xâm. Những người còn ý kiến khác biệt thì họ vẫn là một phần của dân tộc Việt Nam. Đất nước Việt Nam không có bất cứ phân biệt nào về nguồn gốc, xuất xứ, lý do ra đi, về thành phần giai cấp, về tôn giáo... đều bình đẳng. Tất cả những ai cùng chung mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền, giàu mạnh... thì đều được hoan nghênh quay trở lại Việt Nam.

Khánh Nguyễn (thực hiện)

Nhiều hoạt động lớn dành cho kiều bào trong tháng 4/2015

Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho các kiều bào ưu tú về thăm quê hương.

- Từ ngày 22-28/4, Đoàn kiều bào ưu tú về dự Giổ Tổ Hùng Vương sẽ thăm và dâng hương nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dâng hương tại khu Di tích Ngã Ba Đồng Lộc. Sau đó, Đoàn sẽ lên Phú Thọ dâng hương Đền Thượng thờ các Vua Hùng, dâng hương Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân tại quần thể khu Di tích Đền Hùng.

- Ngày 22/4, Đoàn 70 kiều bào đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất phát đi thăm các đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Đoàn sẽ đến thăm các Nhà giàn DK1 tại khu vực thềm lục địa phía Nam.

- Gần 100 kiều bào có nhiều đóng góp đối với công cuộc xây dựng đất nước sẽ tham gia Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với các hoạt động như dâng hương tưởng niệm và chương trình mít tinh, diễu binh, diễu hành... tại Thành phố Hồ Chí Minh.