Phấn khởi, tự hào về đội bóng U23 Việt Nam là âm hưởng chủ đạo trên mạng xã hội suốt cả tuần nay. Bên cạnh tinh thần thi đấu quả cảm của một tập thể đồng lòng nhất trí, người hâm mộ nhìn thấy sức vóc, kỹ năng và trí tuệ của từng cầu thủ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Bên cạnh những tên tuổi chói sáng Quang Hải, Tiến Dũng, tôi ngưỡng mộ Xuân Trường, người đội trưởng không chỉ có tài trên sân cỏ mà còn có khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát, tự tin.
Nét riêng Xuân Trường
Vào mạng gõ mấy chữ “Xuân Trường nói tiếng Anh”, trong nửa giây đã cho tới gần 1,3 triệu kết quả. Khó có thể mô tả sức hút của cầu thủ này đối với cư dân mạng. Lần đầu tiên một cầu thủ Việt Nam có thể trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài không cần phiên dịch khiến nhiều người nể trọng. Mọi người đều khen Xuân Trường phát âm tốt, phản xạ nhanh, phong cách tự nhiên, nội dung trả lời thông minh.
Xuân Trường trả lời phỏng vấn của Fox Sports. |
Với vai trò người truyền cảm hứng cho U23 Việt Nam, Xuân Trường được rất nhiều fan hâm mộ. Thông thạo tiếng Anh là một nét riêng Xuân Trường. Trên trang cá nhân của mình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, từng là đại sứ Việt Nam tại Anh, đã viết: “I must improve my English. Thanks Xuan Truong for the inspiration” (tạm dịch: Tôi sẽ phải cải thiện khả năng tiếng Anh của mình. Cảm ơn Xuân Trường vì nguồn cảm hứng này).
Đại sứ Phạm Sanh Châu - nhà ngoại giao kỳ cựu cũng đã viết trên facebook về Xuân Trường như sau: "Thực sự xúc động và ấn tượng về khả năng nói tiếng Anh của đội trưởng U23 Việt Nam Lương Xuân Trường. Từ ngữ điệu, trọng âm, cách dùng từ đến nội dung trả lời khiêm nhường nhưng đầy tâm huyết".
Muốn có người tài cũng phải biết thâm canh
“Khác với các cầu thủ Việt Nam chơi trong nước, Xuân Trường chơi cho câu lạc bộ nước ngoài, ở Hàn Quốc. Đầu quân cho Hàn Quốc, một trong những nước có nền bóng đá mạnh nhất châu Á, sẽ luôn là thách thức”. Đây là nhận xét của tờ Fox Sport về Xuân Trường.
Tờ báo thể thao rất có uy tín này còn dành cho chàng trai 22 tuổi của Việt Nam những lời ngợi khen: “Xuân Trường là cầu thủ có tầm nhìn bao quát và óc phán đoán sắc bén, nhanh chóng đưa ra quyết định đúng đắn trước khi mọi người kịp có ý tưởng và kỹ thuật thực hiện. Xuân Trường là đội trưởng trợ giúp đắc lực cho huấn luyện viên Park Hang-seo truyền niềm tin chiến thắng cho toàn đội U23 Việt Nam”.
Để vươn ra khu vực và thế giới như vậy, một câu hỏi đặt ra là chàng trai miền quê rừng núi Tuyên Quang này đã học tiếng Anh ở đâu và như thế nào. Xuân Trường là lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Quan niệm của cơ sở đào tạo cầu thủ bóng đá này là tài năng không tự xuất hiện, không dễ kiếm tìm như đi gặt lúa trời. Muốn có nhân tài cũng phải biết thâm canh. Đáng chú ý là ngoài các bài tập rất chuyên nghiệp để rèn thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, học viên còn được rèn học tiếng Anh một cách bài bản.
Từ cuối năm 2012, Xuân Trường, Công Phượng là những cầu thủ đầu tiên của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai được chọn sang Trung tâm huấn luyện Arsenal tại London để học tập, tập luyện, thi đấu cọ xát cùng với các cầu thủ U17 Arsenal. Đây là cơ hội rất tốt cho Xuân Trường cải thiện trình độ tiếng Anh của mình và cũng là dịp để những bước chân đầu tiên của bóng đá Việt Nam bước vào hội nhập. Năm 2015, Xuân Trường chuyển sang thi đấu cho câu lạc bộ Hàn Quốc Incheon United. Theo lời Giám đốc điều hành Incheon United thì đây là một sự kiện lớn trong thể thao Hàn Quốc, bởi 30 năm qua, chưa bao giờ các câu lạc bộ nước này chuyển nhượng một cầu thủ nào trong khu vực Đông Nam Á.
U23 Việt Nam đã làm nên điều thần kỳ trên đấu trường châu Á. |
“Giấy thông hành” ra thế giới
Nhà thơ nổi tiếng thế giới Rasul Gamzatov từng nói, muốn hiểu về một đất nước, một nền văn hóa thì hãy tìm hiểu về những danh nhân của họ. Những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, chính trị gia, tướng lĩnh tài ba chính là “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra thế giới rộng lớn.
Xem U23 Việt Nam thi đấu những trận cầu lịch sử, xem báo chí và truyền thông nước ngoài ngợi ca các chàng trai thân yêu của đội tuyển trẻ nước mình, tôi chợt nghĩ, nếu có cơ hội viết lại, Rasul Gamzatov chắc sẽ kể thêm trong số những người làm nên “giấy thông hành” của một dân tộc, chắc chắn có tên tuổi các cầu thủ xuất sắc.
Tiếng Việt có tới 6 thanh điệu, không dễ gì cho người nước ngoài gọi chuẩn những cái tên Quang Hải, Tiến Dũng, Công Phượng, Xuân Trường... Nhưng nghe bình luận viên kênh Fox Sports hào hứng xướng tên các cầu thủ thân yêu, tôi đã rất vui mừng. Thế giới biết thêm về Việt Nam hiện nay thông qua tinh thần và bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ trẻ. Xem cộng đồng mạng chia sẻ video Xuân Trường trả lời phỏng vấn không cần phiên dịch, tôi càng thêm tự hào về một thế hệ cầu thủ tài năng, đĩnh đạc, có học, có văn hóa. Biết tiếng Anh, Xuân Trường không chỉ trao đổi bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội tuyển, mà còn giúp bạn bè thế giới hiểu hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Trong những thành tựu cố Thủ tướng Lý Quang Diệu để lại cho đất nước Singapore thì trình độ tiếng Anh của người dân là một di sản to lớn. Thăm Việt Nam năm 2007, ông Lý Quang Diệu đã gợi mở các ý tưởng về giáo dục. “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”, ông Lý Quang Diệu khẳng định. Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để không tụt hậu, người cha lập quốc Singapore nhấn mạnh, chỉ có một cách là phải giỏi tiếng Anh. Tiếng Anh là chìa khóa mở cánh cửa hội nhập.
Tôi không biết trong quá trình rèn luyện cực kỳ vất vả của mình, Xuân Trường đã đọc mấy dòng trên của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu hay chưa. Nhưng chắc rằng, những người trẻ như anh đang cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo, vì một Việt Nam hội nhập và phát triển.
Dư Hồng Quảng
(Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Phú Thọ)