Giá cà phê “nhảy múa”
Trong vòng từ đầu tháng 6 đến 21/7, giá cà phê biến động phức tạp. Cà phê Robusta giao dịch tại thị trường London ngày 10/6 đứng ở mức 1.557 USD/tấn thì ngay sau đó liên tục giảm mạnh, đến ngày 26/6 còn 1.313 USD mỗi tấn. Chỉ sau 2 tuần, giá cà phê trên thị trường thế giới đã chênh lệch tới gần 250 USD mỗi tấn. Điều này khiến giá cà phê xuất khẩu chỉ còn xấp xỉ 1.280 USD/tấn.
Đầu tháng 6, giá nguyên liệu ở trong nước là 25.500-26.000 đồng/kg. Đến 26/6, giá chỉ còn 21.000-21.800 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong vòng ba năm qua khiến nhiều nông dân lâm vào tình trạng bán dưới giá vốn. Còn doanh nghiệp, nhập kho từ đầu tháng và xuất cuối tháng, tính ra mỗi tấn cà phê doanh nghiệp lỗ 4,2-6 triệu đồng. Tức là cứ 1.000 tấn cà phê có trong kho và xuất khẩu doanh nghiệp lỗ 4,2-6 tỷ đồng.
Đến nay (tính đến ngày 21/7) giá tăng mạnh, xuất khẩu ở mức 1.531 USD/tấn khiến giá nguyên liệu trong nước tăng 26.100 đồng/kg, lại trở về gần với mốc giá ngày 10/6. Giá cà phê “nhảy múa” với biên độ lớn và trong thời gian ngắn đã khiến nhiều nông dân và doanh nghiệp trở tay không kịp, gánh khoản lỗ lớn.
Bài học hội nhập
Theo giới kinh doanh cà phê, từ tháng 2 tới đầu tháng 6 vừa qua, đồng đôla Mỹ yếu nên các quỹ đầu tư, đầu cơ trên thế giới đã đổ sang mua các loại nông sản, trong đó có cà phê và đẩy giá tăng mạnh. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp ồ ạt mua cà phê trong nước và ký hợp đồng với nước ngoài nhưng sợ giá còn tăng, nên không dám chốt giá trước, chờ khi giao hàng mới chốt. Đến hai tuần cuối tháng 6, các quỹ đầu cơ lũng đoạn thị trường, dìm giá để thu lời đối với những hợp đồng đã ký khiến doanh nghiệp “gánh ngay” khoản lỗ.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, cacao (Vicofa) cho rằng nguyên nhân là do các doanh nghiệp bán hàng với thời gian giao hàng quá xa. Có những doanh nghiệp từ đầu năm đã bán hàng cách 6-7 tháng trong khi chưa chuẩn bị được hàng, chưa nắm hết thị trường. Và khi các nhà nhập khẩu kéo giá xuống dưới mức đã thoả thuận làm doanh nghiệp thiệt thòi.
Nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất là sự thiếu gắn kết của 146 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong khi đó chỉ có 12 nhà nhập khẩu lớn trên thế giới, có đại diện tại Việt Nam, lại rất thống nhất để mua cà phê và điều chỉnh giá cà phê của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng lại không chi phối được giá thị trường. Vậy chỉ có cách các doanh nghiệp phải liên kết với nhau để xác định trong tháng Việt Nam chỉ bán ra thị trường thế giới một lượng hàng nhất định, không nên bán ồ ạt sẽ kéo giá xuống.
Hơn nữa, cả thế giới doanh thu buôn bán cà phê nhân chỉ khoảng 12-13 tỷ USD/năm, nhưng cà phê đã được chế biến lại đạt trên 70 tỷ USD/năm. Như vậy, lợi nhuận nằm ở khâu chế biến, phân phối (người mua) còn người trồng thì thu lời rất ít. Vì vậy, người trồng cà phê và nhà xuất khẩu trong nước phải liên kết, bàn bạc với những nhà nhập khẩu, rang, xay… để có phần lợi nhất định mới mong ngành cà phê phát triển bền vững.
Trước những biến động thất thường của thị trường thế giới mấy tuần qua, Vicofa khuyến cáo lượng cà phê của niên vụ 2008-2009 còn hơn 100.000 tấn, các doanh nghiệp hết sức thận trọng trong việc ký hợp đồng xuất khẩu những tháng cuối năm. Để ổn định giá, Vicofa cũng đang kiến nghị trong vụ tới (tháng 10/2009) Chính phủ hỗ trợ lãi suất 0% để mua khoảng 200.000 tấn cà phê, giúp nông dân có thể gửi cà phê vào kho của nhà xuất khẩu và sẽ bán ra theo tình hình thị trường. Đây cũng là cách mà Chính phủ Brazil (nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới) đã làm. Hiện Brazil cam kết mua 1 triệu bao cà phê của niên vụ năm nay từ người sản xuất với mức giá đảm bảo để buộc người mua trả nhiều hơn cho người trồng cà phê.
Có người ví von rằng mua - bán cà phê cũng như chứng khoán, ai cũng biết “mua lúc giá xuống và bán lúc giá lên”, nhưng để thực hiện thì không dễ. Tuy nhiên, vẫn có những cách làm khác thu lợi nhuận cao, như ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên từng nói “Cà phê Việt Nam sẽ là một “quyền lực” có thể chi phối toàn thế giới nếu chúng ta biết cách làm”.
Điền Anh
Bỉ trở thành thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm 15,6% về giá trị, tiếp đến là Đức đứng thứ hai chiếm 10,91% và Hoa Kỳ là 0,67%... |