Nhỏ Bình thường Lớn

Xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ: Lửng lơ nguy cơ bị kiện

Việc chấm dứt hoàn toàn chế độ hạn ngạch đối với hàng dệt may nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 1/1/2009, các nước xuất khẩu hàng dệt may lớn vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị kiện theo các điều khoản của Luật Khiếu kiện Thương mại.

 “Kiện bất cứ lúc nào”

Theo Luật khiếu kiện Thương mại của Hoa Kỳ, các mặt hàng sản xuất tại nước này, dù có số lượng sản xuất và tiêu thụ nhỏ, cũng có thể khởi kiện mặt hàng cùng loại được nhập từ nước ngoài. Các vụ kiện có thể do các công ty dệt may Hoa Kỳ tập hợp nhau lại thành nhóm theo mặt hàng hay trong các hiệp hội để có đủ tư cách khởi kiện. Như Liên minh toàn quốc các nhà sản xuất dệt may Hoa Kỳ (NCTO) hiện đang tìm nguồn tài chính để thuê luật sư tiến hành điều tra và khởi kiện trên 20 mặt hàng quần áo nhập khẩu từ nước ngoài mà họ cho là đã làm thiệt hại đến sản xuất tại Hoa Kỳ.

Hiện chưa rõ những mặt hàng nào sẽ bị kiện và cũng chưa rõ NCTO sẽ kiện theo hình thức nào (chống bán phá giá, chống trợ cấp giá, quyền tự vệ thương mại, hay Section 421), nhưng chắc chắn là thời gian tới sẽ có một số mặt hàng quần áo nhập khẩu số lượng lớn từ các nước trên bị đưa vào tầm ngắm của NCTO.

Các vụ kiện thương mại tại Hoa Kỳ khi xảy ra thường diễn biến rất nhanh. Đối với các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp giá, trong vòng 38-40 ngày sau khởi kiện, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) sẽ phải gửi các câu hỏi điều tra tới các công ty nước ngoài bị kiện, tổng hợp các câu trả lời và tiến hành bỏ phiếu để xác định vụ kiện có được tiến triển hay không (theo các tiêu chí đại diện cho tối thiểu 25% thị trường mặt hàng đó tại Hoa Kỳ có bị thiệt hại do nhập khẩu từ nước ngoài hay không). Thông thường, USITC hay bỏ phiếu có lợi cho người kiện là giới công nghiệp Hoa Kỳ.

Theo kinh nghiệm các vụ việc từng  xảy ra, các ngành công nghiệp Hoa Kỳ thường lẳng lặng thuê luật sư tiến hành thu thập thông tin, số liệu, chuẩn bị hồ sơ và chọn thời điểm thích hợp có lợi nhất cho họ, bất ngờ nộp hồ sơ khởi kiện. Nếu không được chuẩn bị trước, các doanh nghiệp sẽ bị động và có thể bị thua thiệt lớn.

Minh bạch để tránh rủi ro

Hoa Kỳ là một thị trường lớn đối với các loại hàng xuất khẩu của Việt Nam (VN), đặc biệt là hàng dệt may. Hiện VN đang xuất khoảng 5,4 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ. Trong tổng nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ, khoảng 100 tỷ USD/năm thì VN chiếm khoảng trên 5%. Hiện nay, khi rất nhiều nước giảm kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ thì xuất khẩu dệt may của VN vẫn duy trì được, mặc dù cũng bị sụt giảm. Quý I/2009, xuất khẩu dệt may VN vào thị trường này giảm khoảng 4%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 tháng vẫn tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định, trong thời khủng hoảng kinh tế và suy giảm tiêu dùng hiện nay có thể chưa lo ngại lắm về các vụ kiện này. Tuy nhiên, chỉ cần kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu hồi phục, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại và nhập khẩu quần áo tăng lên thì vấn đề khởi kiện hàng dệt may nhập khẩu sẽ rất nhanh chóng được đặt lên bàn của các luật sư Hoa Kỳ. Vì vậy, cũng như các nước xuất khẩu khác, ngành công nghiệp dệt may VN cần có những bước chuẩn bị ban đầu để không bị bất ngờ khi các vụ kiện xảy ra. Nhất là khi doanh nghiệp dệt may VN chưa từng có kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện thương mại.

Để phản ứng nhanh với các vụ kiện, ngoài việc kiểm tra ngăn chặn và thiết lập hệ thống kiểm soát, Luật sư Edmund Sim - đại diện công ty Luật Hunton & William lưu ý, việc minh bạch và lưu giữ đầy đủ các chứng từ phù hợp là yếu tố tối cần thiết để làm minh chứng cho sự trong sạch của mình. Ngoài ra, việc doanh nghiệp VN thường không cụ thể hóa các con số thống kê, chẳng hạn như để đóng gói một kiện hàng phải mất thời gian bao lâu, chi phí nhân công lẫn vật tư là bao nhiêu… sẽ khó thuyết phục các nhà điều tra về những chi phí, giá thành mà mình đưa ra và hậu quả là thường gánh lấy thiệt thòi.

Luật sư Edmund Sim cũng khuyên, để kiểm soát, giảm thiểu rủi ro về biên độ bán phá giá, các doanh nghiệp VN trong ngành may mặc nên nhập khẩu nguyên liệu từ các nước được công nhận có nền kinh tế thị trường; đồng thời có thể sử dụng các loại thùng đóng gói bằng các-tông thay cho các chất liệu khác và sẽ làm giảm giá thành.

Phan Thanh