Bản tin xuất khẩu ngày 11-14/5: 4 tháng đầu năm, ô tô nhập tăng hơn 56% so với cùng kỳ 2020. (Nguồn: KHĐS) |
Gạo Việt chinh phục thị trường Mỹ
Mỹ đang quay trở lại nhập khẩu gạo của Việt Nam sau quãng thời gian liên tục trong giai đoạn năm 2015-2019.
Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 3 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gạo của Mỹ đạt 252,5 nghìn tấn, trị giá 230,6 triệu USD, tăng 17% về lượng nhưng giảm 4,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhập khẩu gạo của Mỹ dù không quá lớn nhưng đây lại là thị trường tiêu thụ vô cùng tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ có giá trị cao. Bởi vậy, giá nhập khẩu gạo của Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay đạt trung bình 913 USD/tấn, thậm chí giá từ nhiều thị trường lên tới hơn 1.000 USD/tấn.
Hầu hết gạo nhập khẩu của Mỹ là các loại gạo thơm từ châu Á như jasmine từ Thái Lan và basmati từ Ấn Độ và Pakistan. Trung Quốc gần đây đã trở lại là nhà cung cấp thường xuyên gạo hạt vừa và ngắn cho Puerto Rico, một vùng lãnh thổ của Mỹ.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, Thái Lan chiếm 62,1% tổng khối lượng gạo nhập khẩu của Mỹ, với 156,9 nghìn tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, nhập khẩu gạo của Mỹ từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh 2.893% so với 3 tháng năm 2020, đạt 21,5 nghìn tấn.
Ngược lại, Mỹ giảm nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Pakistan trong 3 tháng đầu năm nay với mức sụt giảm là 5,6% và 28,4%, đạt lần lượt là 41,9 nghìn tấn và 5,9 nghìn tấn.
Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 5 về xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ với khối lượng đạt 5,6 nghìn tấn, tăng mạnh 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Ô tô nhập khẩu tăng hơn 56%
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2021, đã có 14.886 ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu về Việt Nam, giảm 12,3% so với tháng trước. Tổng giá trị đạt 310 triệu USD, giảm 19,6% so với tháng trước.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 50.161 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ các quốc gia, tăng 56,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng trị giá đạt 1,1 tỷ USD, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 418 ô tô nguyên chiếc.
Thái Lan, Indonesia tiếp tục là hai quốc gia có sản lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất. Trong đó, ô tô nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6.427 xe, tổng trị giá đạt 102 triệu USD. Giá nguyên chiếc trung bình khoảng 16.000 USD (~368 triệu đồng).
Ô tô nhập khẩu từ Indonesia đạt sản lượng 4.927 xe, tổng trị giá 61 triệu USD. Giá nguyên chiếc trung bình khoảng 12.000 USD (~285 triệu đồng).
Đáng chú ý, trong tháng 4/2021 ghi nhận tổng cộng 3 chiếc ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ về Việt Nam. Tuy nhiên, trị giá trung bình mỗi chiếc lên tới 500.000 USD, tương đương 11,5 tỷ đồng/chiếc. Tổng trị giá của cả ba chiếc ô tô này là 1,5 triệu USD (~34,5 tỷ đồng).
Trong khi ở tháng trước đó, nước này xuất khẩu 47 ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam với trị giá trung bình mỗi chiếc là 9.481 USD, tương đương khoảng 218 triệu đồng/chiếc).
Đây không phải là lần đầu tiên ô tô Ấn Độ có giá cao như vậy. Trước đó vào tháng 7-8/2020, ô tô Ấn Độ cập cảng Việt Nam với giá 11 tỷ đồng mỗi chiếc, có thời điểm giá cao nhất lên tới 17 tỷ đồng mỗi chiếc. Tuy nhiên, có thời điểm, giá nhập khẩu ô tô Ấn Độ về Việt Nam rẻ nhất chỉ 84 triệu đồng mỗi chiếc.
Nhật Bản ủy quyền Việt Nam giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT ) cho biết, năm nay, Nhật Bản đã ủy quyền việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam.
Do đó, khi có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.
Vừa qua, Cục đã đi kiểm tra và đánh giá 2 cơ sở xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài các cơ sở đã được công nhận ở Bắc Giang, vụ vải năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở tại Hải Dương. Hiện tất cả các cơ sở đều đã sẵn sàng khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Nhật.
Ngoài các doanh nghiệp đã từng hợp tác xuất khẩu vải trong những năm trước, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương trong việc đăng ký các mã số vùng thu mua phục vụ xuất khẩu.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết các địa phương đã rất chủ động trong công tác chuẩn bị. Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cũng đã liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật về các khâu chuẩn bị để cho xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc và một số thị trường như Mỹ, Nhật...
Trước đó, vào năm 2020, việc giám sát quy trình xử lý khử trùng vải thiều do các chuyên gia Nhật Bản trực tiếp sang thực hiện.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế cho thấy, nhập khẩu hạt điều của Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng bình quân 20%/năm, từ 5,58 nghìn tấn năm 2016, lên 9,3 nghìn tấn năm 2020.
Trong đó, nhập khẩu hạt điều của Thổ Nhĩ Kỳ từ Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 88,1%/năm, từ 762 tấn năm 2016 lên 8,5 nghìn tấn năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt điều của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 1,86 nghìn tấn, trị giá 8,48 triệu USD, tăng 140,6% về lượng và tăng 108,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 4.556 USD/tấn, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Thổ Nhĩ Kỳ từ Việt Nam, Mozambique giảm.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam, nhưng giảm nhập khẩu từ Mozambique. Nhập khẩu hạt điều của Thổ Nhĩ Kỳ từ Việt Nam đạt 1,72 nghìn tấn, trị giá 7,82 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2021, tăng 157,1% về lượng và tăng 122% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 92,58% trong 2 tháng đầu năm 2021, cao hơn nhiều so với 86,65% trong 2 tháng đầu năm 2020.
Nhập khẩu thịt lợn quý I/2021 tăng mạnh từ thị trường Nga
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, quý I/2021, Việt Nam nhập khẩu 169,29 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 337,18 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam, trong đó, Ấn Độ giữ vị trí số 1 với 35,53 nghìn tấn, trị giá 114,41 triệu USD, tăng 38,6% về lượng và tăng 46,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng đối với sản phẩm thịt lợn, trong quý I/2021, Việt Nam nhập khẩu 34,65 nghìn tấn thịt lợn (mã HS 0203), trị giá 80,07 triệu USD, tăng 101,4% về lượng và tăng 102,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nga, Canada, Brazil, Ba Lan và Đan Mạch là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong quý I/2021 với 16,55 nghìn tấn, trị giá 44,85 triệu USD, tăng tới 1.116,5% về lượng và tăng 1.002,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý I/2021, Việt Nam xuất khẩu được 4,51 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 17,04 triệu USD. Thịt và các sản phẩm thịt được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 71,53% tổng lượng thịt.