Lô gạo thơm xuất khẩu đầu năm 2021 đạt giá cao
Chiều 13/1, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Cần Thơ công bố xuất khẩu lô gạo 1.600 tấn đầu năm 2021 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đi Singapore và Malaysia.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 6,15 triệu tấn với giá trị ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng 9,3% về giá trị mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. (Nguồn: Lao động) |
Hai loại gạo được xuất khẩu trong lô hàng này là gạo thơm Jasmine 85 và gạo thơm Hương Lài; trong đó, 450 tấn gạo Jasmine 85 đi thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài được Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn. Đây là mức giá rất cao - ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An chia sẻ.
Bên cạnh lô hàng nói trên, Công ty Trung An còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn chuẩn bị được xuất sang Đức.
Theo ông Phạm Thái Bình, năm 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành gạo Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là về giá trị. Tuy khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không tăng so với năm 2019 nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng hơn 9%.
Ngay trong những ngày đầu năm 2021, nhiều công ty thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam; trong đó có Công ty Trung An đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt là với thị trường châu Âu và một số thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà Việt Nam vừa ký kết vào ngày 15/11/2020.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Malaysia và Singapore là hai thị trường thuộc nhóm 10 nước có kim ngạch lớn nhất trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa tích cực ngay sau khi chúng ta ký kết Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu được 6,15 triệu tấn với giá trị ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng 9,3% về giá trị mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Lý do Việt Nam nhập khẩu gạo tấm của Ấn Độ
Truyền thông trong nước ngày 5/1 dẫn nguồn từ Hiệp hội các nhà sản xuất lúa gạo Ấn Độ cho biết, Việt Nam quyết định mua 70.000 tấn gạo tấm của Ấn Độ với giá 310 USD/tấn.
Từ trước đến nay, Việt Nam chỉ tiêu thụ rất ít gạo đặc sản của Ấn Độ. Lần nhập khẩu 70.000 tấn này là loại gạo 100% tấm giá rẻ. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán khoảng 500 USD/tấn, gạo Ấn Độ cùng loại được chào bán với giá hơn 380 USD/tấn.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược nông nghiệp, hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết chuyện mua nhiều gạo của Ấn Độ là bình thường.
“Việt Nam nói chung về nông nghiệp là nước áp dụng cơ chế thị trường tương đối mạnh dạn, tức là nhập bất kỳ cái gì mình thấy có lợi. Có nhiều thứ mặt hàng vừa nhập vừa xuất, thậm chí lúa gạo cũng là nhập về để chế biến rồi xuất khẩu đi, cho nên không phản ánh quan hệ cung-cầu, không phản ánh tình hình thiếu hoặc thừa lúa gạo của Việt Nam”, TS. Đặng Kim Sơn nhận định.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, doanh nhân ngành du lịch chuyển sang kinh doanh gạo hơn một năm nay cho rằng là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới không có nghĩa là Việt Nam không thể mua gạo từ các nước: “Không riêng nông nghiệp, các lĩnh vực khác cũng vậy. Xuất khẩu thì cứ xuất, nhưng nếu gạo của họ rẻ hơn và nhập khẩu cũng rẻ hơn, mình có lãi thì tại sao mình lại không nhập. Đó là chuyện bình thường của thế giới chứ không riêng gì của Việt Nam".
Còn Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp kiêm Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cho biết, số lượng 70.000 tấn gạo mà Việt Nam vừa quyết định mua từ Ấn Độ là loại gạo tấm nên mới có giá 310 USD/tấn. Theo ông, hiện tại ở Việt Nam, nguồn gạo tấm và gạo thường để sản xuất các loại bún khô đang bị khan hiếm, thương nhân phải xoay sở bằng cách mua gạo của Ấn Độ.
“Làm bún, làm bánh phở bằng gạo dẻo lại không thích hợp, cho nên phải nhập gạo tấm của Ấn Độ, nuôi gia súc rất lời. Gạo tấm ở Việt Nam có giá khoảng 600 USD/tấn, trong khi gạo tấm của Ấn Độ chỉ hơn 300USD/tấn, nên nhập vẫn rẻ hơn”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định.
Kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai sụt giảm
Ông Nguyễn Việt Quang, Cục trưởng Cục Hải quan cho biết, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai đạt gần 1,7 tỷ USD, bằng 94% so với năm 2019.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là hơn 1 tỷ USD, bằng 97% so với năm 2019 và kim ngạch nhập khẩu là 610 triệu USD, bằng 89% so với năm 2019.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm nông sản, quặng sắt, phốt pho vàng, gỗ ván bóc... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm nông sản, thuốc lá, phân bón, hóa chất, máy móc, thiết bị...
Đặc biệt, năm 2020, Hải quan Lào Cai thu hút được 580 doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại địa bàn, tăng 75 doanh nghiệp so với năm 2019. Trong năm, Hải quan Lào Cai đã giải quyết thủ tục thông quan cho hơn 34,5 nghìn tờ khai, tăng 10,5 nghìn tờ khai so với năm trước.
Đến hết năm 2020, Hải quan Lào Cai có số thu ngân sách 1.407 tỷ đồng, đạt 88,1% chỉ tiêu Bộ Tài chính, đạt 70,35% chỉ tiêu UBND tỉnh giao, đạt 78,16% chỉ tiêu Tổng cục Hải quan giao và bằng 68,53% số thu năm 2019.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai bị ảnh hưởng không nhỏ. Để đạt được số thu ngân sách cao nhất, Cục Hải quan Lào Cai đã tăng cường các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế. Kết quả là thu hồi nợ đọng thuế trong năm 2020 do Cục Hải quan thực hiện đạt hơn 13 tỷ đồng.
Thêm 2 công ty, nhà máy được phép xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc
Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), ngày 11/1/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp tục cấp mã giao dịch cho phép 1 công ty và 1 nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc, nâng lên thành 7 công ty, nhà máy được phép xuất khẩu sữa sang thị trường này.
Cụ thể, Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương (Binh Duong Nutifood Nutrition Food Joint Stock Company) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi và sữa lên men bổ sung hương vị sang thị trường Trung Quốc; Nhà máy sữa Trường Thọ (Truong Tho Dairy Factory, trực thuộc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk) được phép xuất khẩu sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác sang thị trường Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp mã giao dịch cho phép 7 công ty/nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu một số sản phẩm sữa vào thị trường Trung Quốc.
Trong đó bao gồm TH True Milk (sản phẩm sữa tiệt trùng và sữa biến đổi); Hanoimilk (sữa lên men); Công ty Bel Việt Nam (các loại phô mai khác); Nutifood (sữa tiệt trùng, sữa biến đổi và sữa lên men bổ sung hương vị); và 3 nhà máy của Vinamilk (Nhà máy sữa Thống Nhất với sản phẩm sữa đặc, Nhà máy sữa Sài Gòn với sản phẩm sữa lên men bổ sung hương vị, Nhà máy sữa Trường Thọ với sản phẩm sữa tiệt trùng, sữa biến đổi, sữa đặc có đường và các sản phẩm sữa đặc khác).
Việc liên tiếp có nhiều tên doanh nghiệp sữa của Việt Nam trong danh sách được xuất khẩu sữa sang thị trường Trung Quốc mang lại kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sữa chính ngạch trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam phát triển.
Trước đó, năm 2019 đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành sữa Việt Nam khi lần đầu tiên những sản phẩm sữa Việt chính thức được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường tiêu dùng sữa lớn thứ 2 thế giới với những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng.