Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn chưa xứng tiềm năng
“Hơn 90% dưa hấu Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa ký kết Nghị định thư, giá trị xuất khẩu của mặt hàng trái cây này chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - chia sẻ tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt-Trung trong bối cảnh mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức sáng 14/2 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%. Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc 2 lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022.
Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. “Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi nói.
Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt-Trung. (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển) |
Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, quan hệ hợp tác kinh tế với tỉnh Quảng Tây, nơi chiếm đến 95% kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc. Do đó, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng cần tăng cường thực thi chính sách với tỉnh này nói riêng. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Hiện Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, từ ngày 8/1/2023, cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục. Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu vẫn gặp một số vướng mắc như: số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.
Mặt khác, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.
Ngoài ra, những khó khăn về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối moóc, xét nghiệm Covid-19… còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan.
Do đó, cùng với kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, ông Hồ Tiến Thiệu cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, người nông dân nên bỏ dần tư duy buôn chuyến, đồng thời chuyển sang hợp tác song phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ triển khai các giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình. Bộ trưởng Lê Minh Hoan hy vọng các tỉnh, thành phố trên cả nước gắn kết hơn nữa để đẩy mạnh giao thương với Trung Quốc
Động đất Thổ Nhĩ Kỳ không ảnh hưởng quá lớn đến xuất nhập khẩu hai nước
Theo ông Nguyễn Hữu Trường - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, thảm họa động đất xảy ra vừa qua đã khiến cho nhiều hoạt động của Thương vụ tạm thời bị đình trệ do một số cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp sở tại đã tạm ngưng các hoạt động thường ngày nhằm tập trung các nguồn lực cho việc hỗ trợ, ứng cứu các địa phương xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, các hoạt động thông tin thị trường cũng như kết nối giao thương với các doanh nghiệp nằm ngoài vùng ảnh hưởng vẫn tiếp tục diễn ra như bình thường.
Số liệu thống kê cho biết, trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và 10 tỉnh ảnh hưởng bởi động đất khoảng 72,2 triệu USD, chiếm hơn 3,5% tổng kim ngạch thương mại hai nước, trong đó có một số tỉnh như Gaziantep, Adana, Karamanmaraş, Diyabakır, Hatay có nhiều đối tác thương mại truyền thống của Việt Nam.
"Thảm họa động đất khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này gần như bị đình trệ hoàn toàn, dự kiến sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công tác xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực kể trên, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến tình hình xuất nhập khẩu chung giữa hai nước", ông Trường thông tin.
Trước bối cảnh này, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ khuyến nghị, đối với các doanh nghiệp đã và đang giao dịch với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực bị ảnh hưởng động đất, doanh nghiệp nên có sự trao đổi thông tin với đối tác để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ nhằm có biện pháp thương thảo, ứng phó trong trường hợp bị ảnh hưởng tới việc giao thương hàng hóa và thanh toán.
Đối với các doanh nghiệp khác, các công tác khai thác thị trường và tìm đối tác mới tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai bình thường. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ kiến nghị hạn chế giao dịch với các đối tác trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, nên chuyển hướng tìm các đối tác mới tại Thổ Nhĩ Kỳ để giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ chuyên ngành tại Thổ Nhĩ Kỳ để có thể tìm kiếm các đối tác mới, tiềm năng với doanh nghiệp.
Thị trường Hoa Kỳ 'chuộng' chè Việt
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, nhập khẩu chè của thị trường Hoa Kỳ trong năm 2022 đạt 121,5 nghìn tấn, trị giá 516,2 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 2% về trị giá so với năm 2021. Giá chè nhập khẩu trung bình đạt 4.249,3 USD/ tấn, giảm 2,6% so với năm 2021.
Hoa Kỳ nhập khẩu chè chủ yếu từ thị trường Argentina, Trung Quốc và Ấn Độ trong năm 2022, lượng nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm 61% tổng lượng chè nhập khẩu.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ trong năm 2022. (Nguồn: Báo Thái Nguyên) |
Trong đó, Hoa Kỳ tăng tỷ trọng nhập khẩu chè từ Trung Quốc và giảm tỷ trọng nhập khẩu chè từ Argentina và Ấn Độ. Nhập khẩu chè từ Trung Quốc đạt 14,9 nghìn tấn, trị giá 64,4 triệu USD, tăng 22,2% về lượng và tăng 17,9% về trị giá so với năm 2021.
Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ trong năm 2022, đạt 6,4 nghìn tấn, trị giá 9,8 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 5,2% trong năm 2022, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2021.
Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều nhất là chè đen trong năm 2022, đạt 103 nghìn tấn, trị giá 322,8 triệu USD, tăng 5,1% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với năm 2021. Trong đó, Argentina và Ấn Độ là 2 thị trường cung cấp chính. Việt Nam chỉ cung cấp một lượng chè đen nhỏ tới Hoa Kỳ, chiếm 5,6% tổng lượng chè đen xuất khẩu.
Với chè xanh, năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu 16,6 nghìn tấn, trị giá 185,8 triệu USD, giảm 0,2% về lượng và giảm 3,1% về trị giá so với năm 2021. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu chè xanh nhiều nhất từ Trung Quốc, đạt 6,99 nghìn tấn, trị giá 38,4 triệu USD, tăng 20,2% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với năm 2021. Tiếp theo là nhập khẩu từ Nhật Bản, thị trường Đài Loan(Trung Quốc), Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.