📞

Xuất khẩu ngày 14-16/7: Thụy Sỹ bất ngờ tăng mua cà phê từ Việt Nam; xuất khẩu rau quả 7 tháng dự báo vượt cả năm 2022

Vân Chi 18:29 | 17/07/2023
Thụy Sỹ tăng mua cà phê từ thị trường Việt Nam; giá gạo Việt xuất khẩu tiếp tục neo cao... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 14-16/7.

Thụy Sỹ tăng mua cà phê từ thị trường Việt Nam

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tháng 5/2023, Thụy Sỹ nhập khẩu cà phê đạt 18,34 nghìn tấn, trị giá 111,39 triệu USD, tăng 11,5% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với tháng 4/2023, so với tháng 5/2022 giảm 21,6% về lượng và giảm 18,2% về trị giá.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Thụy Sỹ nhập khẩu cà phê đạt xấp xỉ 87,36 nghìn tấn, trị giá 525,9 triệu USD, giảm 9,2% về lượng, nhưng tăng 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

5 tháng đầu năm 2023, Thụy Sỹ nhập khẩu chủng loại cà phê, trừ cà phê rang xay và loại bỏ caffein (HS 090111) đạt 77,63 nghìn tấn, trị giá 430,43 triệu USD, giảm 9,7% về lượng, nhưng tăng 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Thụy Sỹ nhập khẩu cà phê đạt xấp xỉ 87,36 nghìn tấn, trị giá 525,9 triệu USD, giảm 9,2% về lượng, nhưng tăng 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Báo Tiền phong)

Ngược lại, Thụy Sỹ tăng nhập khẩu cà phê rang, không bao gồm cà phê đã khử caffein (HS 090121), tăng 0,7% về lượng và tăng 9,5% về trị giá, đạt trên 5 nghìn tấn, trị giá 63,45 triệu USD.

Tháng 5/2023, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Thụy Sỹ đạt mức 6.072 USD/tấn, giảm 3,7% so với tháng 4/2023, nhưng tăng 4,3% so với tháng 5/2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Thụy Sỹ đạt mức 6.020 USD/tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

5 tháng đầu năm 2023, Thụy Sỹ nhập khẩu cà phê từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung cà phê chủ lực cho Thụy Sỹ gồm Brazil, Colombia, Việt Nam, Ấn Độ, Costa Rica …

Theo ITC, trong 5 tháng đầu năm 2023, Thụy Sỹ nhập khẩu cà phê từ Brazil đạt 21,66 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 111,9 triệu USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Thụy Sỹ giảm từ 26,29% trong 5 tháng đầu năm 2022 xuống 24,8% trong 5 tháng đầu năm 2023.

Ngược lại, Thụy Sỹ tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng 8,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,18 nghìn tấn, trị giá 19,11 triệu USD.

Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thụy Sỹ tăng từ 7,86% trong 5 tháng đầu năm 2022 lên 9,36% trong 5 tháng đầu năm 2023.

Giá gạo Việt xuất khẩu tiếp tục neo cao

Thị trường gạo Việt Nam gây chú ý khi tính đến giữa tháng 6 vừa qua, giá gạo 5% tấm chào bán đã tăng lên mức cao nhất đạt được kể từ tháng 4/2021, đạt khoảng 498 USD/tấn, cao hơn cả Thái Lan, Ấn Độ. Đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục đi lên, neo ở vùng giá cao.

Theo Hiệp hội Lương thực, ngày 13/7, giá gạo 5% tấm của Việt nam đã lên mức 513 USD/tấn, tăng 5 usd/tấn so với đầu tháng 7.

Bộ Công Thương đánh giá, hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện ở châu Á đang gây lo ngại tại nhiều quốc gia về hoạt động sản xuất lương thực. Giá gạo Việt Nam tiếp tục neo ở vùng giá cao khi nhu cầu trên thế giới cao, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm do vụ thu hoạch cũ đã kết thúc.

Trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục duy trì đà tăng cả về giá trị và khối lượng, cũng theo đại diện Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội giá lên cao để đổi mới trong công tác phát triển thị trường.

"Ở khâu thương mại, chúng ta tập trung vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để định hình, cũng như nâng cao giá trị của hạt gạo. Bên cạnh việc chúng ta có vị thế là một trong những cái quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hạt gạo Việt Nam cũng mang lại ý nghĩa là những hạt gạo ngon, chất lượng cũng như an toàn. Việc xây dựng thương hiệu của từng doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, để bên cạnh thương hiệu chung của quốc gia, những doanh nghiệp gắn với những cái loại gạo cụ thể", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.

Theo số liệu cân đối cung cầu lúa gạo hàng hóa cho xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung tình hình sản xuất cả nước năm 2023 sau khi trừ tiêu dùng nội địa, lượng hàng hóa dùng cho xuất khẩu chủ yếu tập trung tại vùng ĐBSCL ước khoảng 13 triệu tấn, tương đương khoảng 6,6 - 7 triệu tấn gạo phục vụ cho xuất khẩu năm 2023.

Xuất khẩu rau quả 7 tháng dự báo vượt cả năm 2022

Xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành hàng này đã mang về gần 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Nếu không có gì thay đổi, kỷ lục mới của năm nay sẽ sớm được xác lập.

Xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Dự kiến chỉ sau 7 tháng của năm nay, giá trị xuất khẩu rau quả sẽ vượt qua cả con số gần 3,2 tỷ USD của năm ngoái. Cùng với sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sau dịch Covid-19 là sự tăng trưởng ấn tượng của mặt hàng sầu riêng, cũng như sự đa dạng hóa thị trường đang để lại dấu ấn xuất khẩu rau quả chưa từng có.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 14 trên thế giới về sản xuất cây ăn trái với tổng diện tích trên 1,2 triệu hecta. Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam bắt đầu vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2013 và liên tục nhiều năm gần đây vượt mức 3 tỷ USD mỗi năm.

Dự báo, trong 2 quý cuối năm, sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ, nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

(tổng hợp)