Cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD). (Nguồn: VnEconomy) |
Chỉ hai tuần tháng 4, xuất khẩu mang về 15 tỷ USD cho Việt Nam
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2023 (từ ngày 16/4 đến ngày 30/4) đạt 26,78 tỷ USD, tăng 2,7% (tương ứng tăng 702 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 4/2023.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 4/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 4 tháng/2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 37,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 144,02 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 25,68 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 62,74 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 11,79 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ 2 tháng 4 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,33 tỷ USD. Tính trong 4 tháng/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 7,56 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4 năm 2023 đạt 14,55 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 1,3 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 4/2023.
Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 4/2023 biến động tăng so với kỳ 1 tháng 4/2023 ở một số nhóm hàng sau: Sắt thép các loại tăng 310 triệu USD, tương ứng tăng 123,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 190 triệu USD, tương ứng tăng 12,1%; hàng dệt may tăng 184 triệu USD, tương ứng tăng 15,6%...
Như vậy, tính trong 4 tháng của năm 2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 16,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 10,45 tỷ USD, tăng 9,4% tương ứng tăng 898 triệu USD so với kỳ 1 của tháng. Qua đó, nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng năm 2023 của nhóm các doanh nghiệp này lên 79,1 tỷ USD, giảm 12,4% (tương ứng giảm 11,19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 4/2023 đạt 12,23 tỷ USD, giảm 4,8% (tương ứng giảm 613 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 4/2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 4/2023 giảm so với kỳ 1 trước đó chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại & linh kiện giảm 140 triệu USD, tương ứng giảm 36,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 137 triệu USD, tương ứng giảm 4,4%; phế liệu sắt thép giảm 81 triệu USD, giảm 47,7%...
Như vậy, tính trong 4 tháng/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% (tương ứng giảm 21,38 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 7,86 tỷ USD, giảm 5% (tương ứng giảm 415 triệu USD) so với kỳ 1 tháng 4/2023.
Tính trong 4 tháng năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 64,92 tỷ USD, giảm 18,3% (tương ứng giảm 14,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 65,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Trước đó, trong báo cáo kinh tế-xã hội quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1 năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước
Báo cáo này cũng nêu Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2023 ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).
Doanh nghiệp vẫn kêu lỗ dù gạo Việt "vượt mặt" gạo Thái Lan
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn tương đương hơn 1,5 tỷ USD. Kết quả trên tăng 44% về khối lượng và 55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8%. Mức giá này giúp gạo Việt vượt Thái Lan vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới và cũng là mức cao nhất 2 năm qua.
Hiện nay, hầu hết các thị trường đều tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng lớn với giá trị cao. Điều đáng nói, trong thời điểm ngành gạo gặp "thiên thời", nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại báo lỗ.
Dù kinh doanh nhiều mảng, song gạo vẫn chiếm hơn 68% tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Tuy vậy, trong kỳ giá vốn bán hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nên mảng gạo chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng lãi gộp. Mức này thấp hơn một nửa so với ba tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, chi phí tài chính của Lộc Trời quý đầu năm tăng gấp 2 lần lên 147 tỷ đồng cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Kết quả, Lộc Trời báo lỗ sau thuế lỗ hơn 80 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lợi nhuận 184 tỷ đồng, hay quý cuối năm ngoái vẫn lãi gần 209 tỷ đồng. Với kết quả này, Lộc Trời còn cách rất xa kế hoạch lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng đề ra trong năm nay.
Một doanh nghiệp lớn khác của ngành gạo là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong quý đầu năm, nhờ thị trường xuất khẩu gạo sôi động giúp doanh thu của Vinafood 2 tăng tới hơn 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 4.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí tăng mạnh đã làm xói mòn lợi nhuận của “ông lớn” này. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng tăng hơn 30 tỷ đồng.
Kết quả lợi nhuận trước thuế của Vinafood 2 trong quý đầu năm đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tiếp tục lỗ 7,16 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hiện lỗ lũy kế của Vinafood 2 đến thời điểm này đã lên gần 2.800 tỷ đồng, tương đương 55,8% vốn điều lệ; vốn chủ sở hữu hiện còn hơn 2.450 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả, đặc biệt là nợ vay vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng khiến tình hình kinh doanh của Vinafood 2 dự báo còn nhiều thách thức trong bối cảnh lãi suất ở mức cao.
Tính đến đến ngày 31/3, nợ vay của Vinafood 2 đạt khoảng hơn 3.700 tỷ đồng, tăng gần 1.160 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 42,5% cơ cấu vốn. Trong đó gần như toàn bộ là nợ vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, Vinafood 2 đặt mục tiêu đạt doanh thu 15.325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay còn nhiều thách thức.
Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Tập đoàn PAN hay Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) không đến mức thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng giảm mạnh. Trong đó, Trung An ghi nhận doanh thu giảm 6%, lãi sau thuế giảm đến 69%, về còn 8,5 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, tăng gần 59% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cá tra kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc
Với kim ngạch đạt được từ 1,5-2,4 tỉ USD/năm, xuất khẩu cá tra đã chiếm 16-26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra hiện nay đang rất bấp bênh bởi thị trường luôn biến động và trái với dự báo.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 3 năm thăng trầm với mức suy giảm thấp nhất, đến năm 2022 xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục trở lại, đạt giá trị kim ngạch kỷ lục 2,4 tỉ USD.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bước sang năm 2023, xuất khẩu cá tra lặp lại tình trạng ảm đạm. Trong 4 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu mặt hàng này đã “méo mặt” khi xuất khẩu giảm tới 46% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá tra không còn ở giai đoạn "hoàng kim" như trước, các doanh nghiệp đang phải vật lộn để vừa tìm kiếm đơn hàng. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Đánh giá về tình hình xuất khẩu cá tra, VASEP cũng cho hay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt chưa đầy 600 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022. Hai thị trường lớn nhất của mặt hàng cá tra là Trung Quốc và Mỹ đều giảm mạnh, trong đó, Trung Quốc giảm 22% và Mỹ giảm tới 64%.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu (EU) trong quý 1/2023 cũng chỉ đạt 45 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước (46,7 triệu USD).
Sự sụt giảm nhập khẩu từ các thị trường truyền thống đã khiến hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đối diện với tình trạng tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất gồm Vĩnh Hoàn, NAVICO, I.D.I Corp, Vạn Đức Tiền Giang, GODACO, chiếm 34,9% kim ngạch XK, đều bị giảm doanh số từ 7-43%.
Xuất khẩu cá tra không còn ở giai đoạn "hoàng kim" như trước, các doanh nghiệp đang phải vật lộn để vừa tìm kiếm đơn hàng, vừa duy trì vùng nguyên liệu để có đủ nguồn cung khi thị trường "ấm" trở lại. Đây là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp, bởi nếu tiếp tục sản xuất mà không có đơn hàng, nguy cơ thua lỗ rất lớn.
Mặc dù sau khi giảm sâu trong tháng 1/2023, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng 26% trong tháng 2/2023, phần nào cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế cho thấy là Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải mặt hàng nào thị trường này cũng chấp nhận.
Mặc dù vậy, trong khi phần lớn thế giới đang chật vật chống lại đà tăng giá cả, Trung Quốc được cho là đang đối mặt vấn đề ngược lại “giảm phát”. Nếu phải mô tả tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, thì đó sẽ là "giảm phát đã bắt đầu" và nền kinh tế có thể đã rơi vào vùng suy thoái”.
Người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể ngừng chi tiêu với kỳ vọng giá cả sẽ giảm hơn nữa, khiến các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, với những lợi thế là loài cá thịt trắng, giàu dinh dưỡng, giá cả hợp lý, cá tra sẽ vẫn là lựa chọn phù hợp cho người tiêu dùng Trung Quốc trong giai đoạn năm 2023 còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Mặt khác, các mặt hàng xuất khẩu của “nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này” rất tương đồng với Việt Nam, tạo ra cả lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần nhận diện đúng, kịp thời về thời cơ, thách thức về thị trường Trung Quốc hiện nay để khai thác, phát huy lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.