📞

Xuất khẩu ngày 16-18/1: Lần đầu xế hộp Trung Quốc khan hàng tại Việt Nam; cước phí xuất khẩu cao kỷ lục, doanh nghiệp ‘khóc ròng’

Hoàng Nam 06:49 | 18/01/2021
TGVN. Ô tô Trung Quốc thiếu hàng bán tại thị trường Việt Nam, dịch Covid-19 khiến cước phí xuất khẩu cao kỷ lục, mục tiêu của ngành cà phê… là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 16-18/1.

Ô tô Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam: Thiếu hàng và tăng giá

Năm 2020 mang đến sự khởi sắc cho ô tô con của Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Một số mẫu xe về nước gần đây gây được tiếng vang, khiến nhiều người chú ý và có doanh số bán tốt hơn hẳn so với trước. Điều này là chưa từng có tiền lệ.

Mẫu xe Beijing X7 của Trung Quốc.

Các doanh nghiệp kinh doanh xe Trung Quốc tiết lộ, hai mẫu xe Beijing X7 và Brilliance V7 đang trong tình trạng thiếu hàng. Chưa có lô hàng nào về nước từ đầu năm 2021 nên khách hàng vẫn phải chờ đợi.

Một số nguồn tin cho biết, mẫu xe “hàng hot” Beijing X7 nhập về nước tính đến cuối năm 2020 là 500 chiếc. Ngoài ra, các mẫu xe khác như Brilliance V7, Zotye Z8, BJ 40,... có khoảng hơn 300 chiếc.

Nếu một mẫu xe con thương hiệu Trung Quốc được phát triển hoàn toàn bởi doanh nghiệp Trung Quốc, kể cả động cơ và hộp số, ra mắt thị trường Việt Nam sau khoảng 3 tháng, có doanh số bán đạt 500 chiếc thì đây là thành công lớn nhất từ trước đến nay. Bất chấp đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường ô tô Việt Nam, năm 2020, xe Trung Quốc lại có sự khởi sắc so với trước, nhất là những tháng cuối năm.

Các doanh nghiệp kinh doanh ô tô Trung Quốc kỳ vọng năm 2021 doanh số còn khởi sắc hơn khi nhìn vào đơn hàng hiện tại. Nỗi lo lớn nhất hiện nay là thiếu hàng và giá tăng.

"Với hai mẫu xe Beijing X7 và Brilliance V7, các nhà cung cấp tại Trung Quốc hiện không đáp ứng đủ đơn đặt hàng của chúng tôi. Trong khi đó, tỷ giá giữa Nhân dân tệ và USD đã tăng 14% khiến mỗi chiếc xe nhập về tăng thêm 1.000 USD nữa. Cộng với phí vận chuyển một chiếc xe đã tăng lên 1.800 USD, gấp 6 lần so với trước kia", một doanh nghiệp kinh doanh ô tô Trung Quốc cho biết.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, điểm chung của các mẫu xe Trung Quốc nhập về Việt Nam thời gian qua là đều bán tốt ở thời điểm ra mắt, nhưng rồi “mất phong độ” và rơi vào tình trạng doanh số giảm dần rồi tắt lịm và quên lãng.

Xe Trung Quốc thế hệ mới có thiết kế đẹp giống xe châu Âu, ngập tràn công nghệ, trong khi giá bán lại rẻ. Nhưng người Việt Nam, ngoài những mong muốn này còn đòi hỏi thương hiệu phải mạnh và chất lượng phải tốt. Với nhiều người, xe Trung Quốc có lẽ mới chỉ đáp ứng được các tiêu chí: đẹp, nhiều công nghệ và giá rẻ, còn thương hiệu và chất lượng thì chưa thỏa mãn.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Israel tiếp tục hồi phục

Theo Thương vụ Việt Nam tại Israel, ước tính cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt khoảng 700 triệu USD, trong khi nhập khẩu ước đạt khoảng 850 triệu USD.

Đáng chú ý, trong tháng 11/2020, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tới 27,2% so với tháng trước đó, đạt 51,04 triệu USD. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng mạnh, như cà phê tăng 108,6%; giày dép các loại tăng 35,0%; hạt điều tăng 16,9%; điện thoại và linh kiện tăng 31,0%; hàng thủy sản tăng 3,3%; hàng dệt may tăng 21,4%...

Dù dịch Covid-19 hoành hành trong cả năm 2020 nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Israel ước tính chỉ giảm nhẹ so với mức 774 triệu USD của năm trước đó. Xét về giá trị tuyệt đối, mức giảm này thấp hơn nhiều so với nhiều thị trường xuất khẩu khác.

Đây được coi là điểm sáng trong hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước trong bối cảnh tình hình thị trường Israel có nhiều biến động, xáo trộn và khó khăn.

Israel có quy mô dân số khoảng 9,3 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, nhưng đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam ở khu vực Trung Đông, sau Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cước phí xuất khẩu tăng cao kỷ lục do Covid-19 gây khó cho doanh nghiệp Việt

Thông tin từ Logistics Marketplace (Phaata.com) vừa qua ghi nhận giá cước vận chuyển container tăng vọt 25% trên các tuyến châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải trong suốt một tuần và đang ở mức gấp 3 lần so với thời điểm cuối tháng 10, theo chỉ số Freightos Baltic Index (FBX).

Logistics Marketplace cho biết, ngày 4/1, giá cước tăng cao vì tình trạng thiếu container kéo dài.

Truyền thông cũng ghi nhận phản ánh từ một số doanh nghiệp xuất khẩu do thiếu container rỗng nên giá cước vận chuyển hàng hóa nhảy vọt từ 1.500 USD lên 10.000 USD/container 40 feet.

Nhiều doanh nghiệp phải giảm từ 50-75% lượng hàng hóa xuất khẩu do thiếu container, trong đó, xuất khẩu nông sản Việt Nam bị giảm hơn một nửa.

Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ngày 12/1 tổ chức cuộc họp về việc tăng giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển.

Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) Huỳnh Thị Mỹ cho biết, doanh nghiệp ngành nhựa bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cước vận tải biển tăng gấp 3-4 lần.

Các doanh nghiệp trong những ngành thủy sản, nhựa và gỗ cũng cho rằng trong 3 tháng qua, giá thuê container rỗng tăng liên tục và đội giá quá cao là mức tăng bất hợp lý. Các hãng tàu cần có sự minh bạch thông tin về giá cũng như mức tăng sao cho phù hợp hơn.

Các hãng tàu lên tiếng giải thích rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc giải phóng hàng hóa và quay vòng container rỗng bị kéo dài, dẫn đến thiếu container rỗng đóng hàng. Các hãng tàu khẳng định không cắt giảm chuyến đi từ Việt Nam, thậm chí còn tăng chuyến, nhưng do lượng container bị thiếu hụt trầm trọng nên dẫn đến tình trạng giá cước bị tăng cao như hiện nay.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, phản hồi rằng đề xuất phương án của các hãng tàu như giải tỏa container tồn đọng ở cảng sẽ được cân nhắc phù hợp. Giá cước thuê container rỗng đóng hàng tăng là do cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các hãng tàu cần thực hiện minh bạch giá.

Cà phê Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, định hướng đến năm 2030, tổng diện tích trồng cà phê của Việt Nam đạt 600.000 ha, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến khoảng 5-6 tỷ USD.

Trong 10 năm qua, ngành cà phê đã đạt được sứ mệnh sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân đứng thứ 2 thế giới. Giai đoạn tiếp theo, toàn ngành sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu với tỷ trọng đạt 30-40% sản lượng và các thương hiệu mạnh. Đến năm 2030, dự kiến tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê là 200% so với hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu... để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.

"Cà phê nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong những năm gần đây. Đây cũng là cây trồng quan trọng của người dân khu vực Tây Nguyên khi đóng góp khoảng 30% GDP của khu vực này", ông Đỗ Thắng Hải cho biết.

Hiện, cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ và Anh và các thị trường mới như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Thái Lan… Hai thị trường nhập nhiều cà phê Việt Nam nhất là Đức và Mỹ.

(tổng hợp)