📞

Xuất khẩu ngày 16-18/6: Nông sản Việt 'đắt khách' tại Đông Nam Á; xuất khẩu hoa hồi tăng đột biến

Vân Chi 21:26 | 19/06/2023
Xuất khẩu hoa hồi tăng đột biến; nông sản Việt "đắt khách" tại Đông Nam Á ... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 16-18/6.
Hiệp hội gia vị thế giới đánh giá Việt Nam sở hữu nhiều loại cây gia vị quý, một trong số đó là cây hồi. (Nguồn: VNE)

Xuất khẩu hoa hồi tăng đột biến

Năm tháng, Việt Nam xuất khẩu hơn 6.400 tấn hoa hồi, tương đương trên 39 triệu USD, tăng 129% về lượng và 202% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin trên vừa được Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) công bố. Trong đó, Ấn Độ chiếm 63% thị phần xuất khẩu hoa hồi, 37% còn lại là Trung Quốc, Mỹ và các thị trường khác.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết trong 5 tháng đầu năm, Ấn Độ và Trung Quốc ồ ạt mua loại gia vị này của Việt Nam với mức tăng trưởng ba con số. Ngoài hai thị trường trên, Mỹ và Hà Lan cũng đang tăng mua hoa hồi Việt. Kỳ vọng, hết năm, xuất khẩu loại gia vị này sang các thị trường có thể đạt trên 100 triệu USD.

Theo số liệu từ Tổng cục lâm nghiệp, tính chung mặt hàng quế và hồi, giá trị xuất khẩu liên tục tăng, năm 2020 đạt hơn 245 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 274 triệu USD, chiếm hơn 8,3% kim ngạch xuất khẩu rau củ quả. Dự kiến năm nay, giá trị xuất khẩu quế hồi đạt khoảng 276 triệu USD.

Hiệp hội gia vị thế giới đánh giá Việt Nam sở hữu nhiều loại cây gia vị quý, một trong số đó là cây hồi. Loại này thường được sử dụng làm gia vị trong các món như phở, cà ri, bún bò, hầm, tiềm giúp tạo vị và dậy mùi cho món ăn.

Tại Việt Nam, diện tích trồng hồi khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn. Loài cây này ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn tại Việt Nam và Trung Quốc. Giá hồi khô tại Việt Nam đang dao động 180.000-290.000 đồng một kg, tùy vào chất lượng.

Thị trường gia vị và hương liệu thế giới đã được định giá 21,3 tỷ USD năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD năm 2026. Hoa hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU.

Nông sản Việt "đắt khách" tại Đông Nam Á

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang châu Á ghi nhận mức tăng trưởng hơn 8%, trong đó thị trường ASEAN tăng đến 27% so với cùng kỳ 2022.

Năm tháng đầu năm, Indonesia nhập khẩu gần 400.000 tấn gạo, tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính toàn khu vực ASEAN, gạo đạt mức tăng trưởng 54% so với cùng kỳ. Những mặt hàng nông sản khác như cà phê hay rau quả cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 2 con số.

"Các bộ, ngành, cơ quan, Chính phủ đều tập trung xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Doanh nghiệp và các chuỗi liên kết rất ý thức xây dựng thương hiệu. Đó là một trong những nền tảng căn cơ để gạo Việt Nam và một số nông sản có uy tín hơn trên thị trường", bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, cho biết.

"Dù biến đổi khí hậu làm thay đổi rất nhiều nhưng Đồng bằng sông Cửu Long một năm vẫn sản xuất 2 vụ lúa. Vấn đề cung cấp lương thực trên thế giới đang bị đứt gãy rất nhiều chuỗi do vấn đề thiếu lương thực. Đây chính là cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam", ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đánh giá.

Các chuyên gia nhận định, thời gian vừa qua, các nước Đông Nam Á gia tăng nhập khẩu nông sản Việt Nam là do tình trạng hạn hán kéo dài, bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Ngành Công thương phối hợp với ngành Nông nghiệp Việt Nam sẵn sàng ứng phó với điều kiện thời tiết không ổn định.

"Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiệp hội lương thực và doanh nghiệp để dự đoán yếu tố tác động của thời tiết bất lợi và ảnh hưởng của nó đến thu hoạch chế biến trong nước, từ đó xây dựng các phương án để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, đồng thời khai thác có hiệu quả nhất các thị trường đang có nhu cầu lớn sản phẩm gạo Việt Nam", ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương thông tin.

Bộ Công thương dự báo, các quốc gia Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới sẽ còn gia tăng nhập khẩu nông sản Việt trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần một mặt đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đóng gói của nước bạn để đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu nông sản Việt, một mặt tính toán cân đối để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Chế biến sâu nâng tầm chất lượng dừa xuất khẩu

Những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn rót vốn vào xây dựng nhà máy chế biến dừa. Cụ thể, vào đầu năm nay, tại Bến Tre, Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) đã khánh thành nhà máy chế biến dừa BEINCO với 8 dây chuyền sản xuất hiện đại cho ra 8 dòng sản phẩm gồm: cơm dừa sấy khô, nước cốt dừa, nước cốt dừa đậm đặc, creamer dừa béo đặc, sữa dừa uống có thạch dừa, nước dừa có gas, dầu dừa nguyên chất, nước dừa có cơm dừa.

Các sản phẩm chế biến từ dừa được xuất khẩu sang thị trường các nước. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Cùng với việc đầu tư nhà máy chế biến, BEINCO tập trung phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ nhằm ổn định sản xuất và hướng tới sản xuất xanh, thực phẩm sạch, tốt cho sức khoẻ cộng đồng. Đến nay, vùng nguyên liệu của BEINCO đã vươn ra khỏi địa bàn tỉnh và mở rộng sang các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang…

Trong đó có 1.200 ha dừa đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ của Control Union Certification, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho thị trường Mỹ và châu Âu. Mục tiêu của BEINCO đến năm năm 2025 phát triển 5.000 ha dừa hữu cơ. Hiện tại, sản phẩm của Beinco với thương hiệu Delta Coco đã xuất khẩu tới được hơn 43 quốc gia trên thế giới và xây hệ thống phân phối sản phẩm phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài BEINCO, ngành dừa Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn như Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới với thương hiệu Vietcoco, Công ty CP XNK Bến Tre (Betrimex) với thương hiệu Cocoxim, Công ty G.C Food, Công ty Green Coco, Công ty Trà Bắc…

Theo các doanh nghiệp, việc đầu tư vào chế biến sâu đã góp phần tạo ra một diện mạo mới cho ngành dừa Việt Nam với hàng trăm sản phẩm có giá trị cao. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công chia sẻ, trước đây nước dừa chủ yếu được sản xuất làm nước màu để chế biến thực phẩm nên giá trị thấp và đầu ra rất bấp bênh. Trước thực trạng đó, Thành Thành Công thành lập công ty thành viên là Betrimex để chế biến, đóng hộp nước dừa.

Theo đó, 90% sản phẩm của nhà máy được xuất khẩu tới nhiều thị trường và hiện Betrimex vẫn là nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp lớn nhất Việt Nam. Mới đây, Betrimex còn sản xuất thêm sản phẩm sữa dừa phục vụ thị trường Hồi giáo tại các nước, vốn không sử dụng sữa có nguồn gốc từ động vật.

Theo đánh giá của Cộng đồng dừa quốc tế (ICC), dừa Việt Nam có năng suất và chất lượng cao nhất trên thế giới. Ở trong nước, cây dừa được xếp hàng thứ tư trong các cây công nghiệp lâu năm với diện tích trồng lớn, sau cao su, hồ tiêu, điều. Hiện nay, diện tích dừa cả nước đạt khoảng 190.000 ha, tập trung tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, theo Hiệp hội dừa Việt Nam, có 7.000 ha dừa đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.

Đặc biệt, các sản phẩm dừa có tiềm năng phát triển rất lớn trong xu hướng tiêu dùng xanh. Chính phủ đã có nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thực thi giảm thiểu, thay thế đồ nhựa sử dụng một lần, thúc đẩy tiêu dùng xanh và hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam không sử dụng đồ nhựa một lần. Đây là một lợi thế lớn cho cây dừa và các sản phẩm từ dừa như: đũa, muỗng, đồ gia dụng gia đình, chế biến món ăn, mỹ phẩm…

(tổng hợp)