📞

Xuất khẩu ngày 16-18/9: EU 'khát' năng lượng, viên nén gỗ Việt hứa hẹn trở thành ngành hàng tỷ USD; dệt may phá kỷ lục

Vân Chi 15:03 | 19/09/2022
Viên nén gỗ Việt hứa hẹn trở thành ngành hàng tỷ USD do nhu cầu từ EU tăng cao; dệt may phá kỷ lục; Mỹ tiếp tục là thị trường hàng đầu của Việt Nam... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 16-18/9.
Lượng và giá viên nén xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng viên nén tại các nước EU tăng đột biến. (Nguồn: VnEconomy)

Nhu cầu từ EU tăng đột biến, viên nén gỗ Việt hứa hẹn trở thành ngành hàng tỷ USD

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2021, lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Trong 6 tháng đầu 2022 lượng xuất khẩu đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD.

Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 có thể đạt trên dưới 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén có tiềm năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends - đánh giá, lượng và giá trị xuất khẩu viên nén của Việt Nam chỉ thực sự tăng ổn định từ tháng 10/2021. Các tháng nửa đầu năm 2022 (trừ tháng 2/2022 trùng với Tết Nguyên đán tại châu Á) ghi nhận sự tăng vọt cả về lượng và giá trị xuất khẩu.

Riêng trong tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã đạt hơn 530 ngàn tấn, trị giá hơn 80 triệu USD, tương đương hơn 15% lượng xuất khẩu của năm 2021. Các tháng khác đều có lượng xuất khẩu bình quân trên 300.000 tấn.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu viên nén cũng đã tăng rất mạnh, vọt lên bình quân gần 150 USD/tấn, tương đương tăng hơn 27% so với mức giá bình quân năm 2021.

Lượng và giá viên nén xuất khẩu tăng mạnh thời gian vừa qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng tại các nước EU tăng đột biến để phục vụ sưởi ấm do các nước EU quay lưng lại với nguồn khí đốt từ Nga khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Viên nén nhập khẩu đang được sử dụng để thay thế cho nguồn cung khí đốt đã mất đi này. Nhu cầu và giá viên nén tại thị trường EU tăng cao, tạo ra sức hút từ các nguồn cung lớn đặc biệt là từ Mỹ - quốc gia xuất khẩu viên nén lớn nhất thế giới.

Mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia cung cấp viên nén lớn cho các nước EU, nhu cầu và giá viên nén tại thị trường quốc tế tăng cao tạo cơ hội cho ngành viên nén Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc đánh giá, hiện còn một số yếu tố có tác động trực tiếp đến tính bền vững của ngành, đòi hỏi các doanh nghiệp và các cơ chế chính sách hiện hành cần có sự điều chỉnh trong tương lai.

Hàng trăm tấn sầu riêng tươi lần đầu xuất chính ngạch sang Trung Quốc

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ngày 17/9 tại huyện Krông Pắc, UBND tỉnh Đăk Lăk sẽ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữa 2 nước.

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 76 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này, trong đó có 25 mã số cơ sở đóng gói.

Hiện, sầu riêng Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi giá cả cạnh tranh, chất lượng ngày càng tăng. Trung Quốc đã nhiều lần thử canh tác sầu riêng cao cấp ở các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam nhưng chưa thành công.

Để tận dụng lợi thế và đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này và các yêu cầu trong nghị định thư.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 84,38 triệu USD, tăng 90,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,86 triệu USD, tăng 123%.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Do đó, người trồng luôn phải chịu cảnh "được mùa mất giá". Có thời điểm, giá sầu riêng xuống 20.000 đồng một kg nhưng không có thương lái thu mua. Sau thông tin Việt Nam được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng tại nhà vườn đang tăng mạnh lên 60.000-70.000 đồng một kg.

Dệt may phá kỷ lục, lần đầu đạt giá trị xuất khẩu 4 tỉ USD/tháng

Tổng cục Hải quan cho biết, trong 3 tháng gần đây xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng trưởng tốt và liên tiếp lập kỷ lục về giá trị. Đặc biệt trong tháng 8/2022, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu của ngành này đạt tới con số 4 tỉ USD/tháng, tăng 8,7% so với tháng trước đó.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, xuất khẩu hàng dệt may đạt trên 26 tỉ USD, tăng 24,3%, tương ứng tăng 5,14 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2021. Dệt may là ngành đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Một số thị trường chủ lực của sản phẩm dệt may Việt Nam đều có mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể thị trường Mỹ đạt gần 13 tỉ USD, tăng 22,6%, tương ứng tăng 2,73 tỉ USD; EU đạt trên 3 tỉ USD, tăng 41%, tương ứng tăng 879 triệu USD; Nhật Bản đạt 2,5 tỉ USD, tăng 22%, tương ứng tăng 458 triệu USD; Hàn Quốc đạt 2,1 tỉ USD, tăng trên 20%, tương ứng tăng 365 triệu USD so với cùng kì năm 2021.

Trong tháng 8/2022, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu của ngành này đạt tới con số 4 tỉ USD/tháng, tăng 8,7% so với tháng trước đó. (Nguồn: Báo Thanh niên)

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhóm hàng dệt may trong tháng 8 đạt 2,4 tỉ USD, tăng 7,2% so với tháng trước.

Tính chung trong 8 tháng, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trên 19 tỉ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới gần 52%, với 10 tỉ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ tiếp tục là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam

Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ năm 2019 chiếm 23,2%, năm 2020 chiếm 27,3%, năm 2021 chiếm 28,6%, 8 tháng năm 2022 chiếm 31%. Từ kết quả 8 tháng, có thể dự báo cả năm 2022, xuất khẩu sang Mỹ sẽ cán mốc 115 tỷ USD, chiếm 31% - cao hơn nhiều so với các thị trường lớn khác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...).

Xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng cao lên do xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng chung (năm 2020 tăng 25,7% so với 6,9%, năm 2021 tăng 24,9% so với 19%, 8 tháng 2022 tăng 24,5% so với 18,2%).

Trong 8 tháng đầu năm, có 11 mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt quy mô trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,19 tỷ USD; dệt may đạt 12,88 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,12 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 9,25 tỷ USD...

Mỹ cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn. Năm 2020 chiếm 5,2%, năm 2021 chiếm 4,6%, 8 tháng năm 2022 chiếm 4%, dự báo cả năm có thể đạt 15 tỷ USD và chiếm 4,1%. So với năm trước, nhập khẩu từ Mỹ năm 2021 tăng 11,4%; 8 tháng năm 2022 giảm 4,1%, dự báo cả năm giảm khoảng 2%. Trong 43 mặt hàng chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, có 2 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; bông).

Do nhập khẩu có quy mô, tỷ trọng, tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với xuất khẩu, nên trong quan hệ buôn bán hàng hóa với Mỹ, Việt Nam liên tục ở vị thế xuất siêu với mức xuất siêu lớn nhất và liên tục tăng lên. Mức xuất siêu sang Mỹ năm 2016 đạt 29,75 tỷ USD; năm 2017 là 32,24 tỷ USD; năm 2018 là 34,78 tỷ USD; năm 2019 là 46,9 tỷ USD; năm 2020 là 63,36 tỷ USD; năm 2021 là 81,02 tỷ USD, 8 tháng năm 2022 là 67,08 tỷ USD, dự báo cả năm 2022 có thể cán mốc 100 tỷ USD.

(tổng hợp)