Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng tích cực. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Xuất nhập khẩu đang tiến sát mốc 660 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đang tiến gần mốc 660 tỷ USD, trong đó xuất khẩu dự kiến tăng trưởng 17,2% so với cùng kỳ, đạt 331,1 tỷ USD.
Bộ Công thương cho biết, năm 2021, dù phải đối mặt với những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng tích cực, đang tiến gần mốc kỷ lục 660 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 602 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.
Đến nay, đã có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%, bao gồm: Điện thoại, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép và sắt thép.
Kim ngạch nhập khẩu đạt trên 300 tỷ USD, tăng 27,9 %, tương ứng tăng 65,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu
Bộ Công Thương dự báo, xuất nhập khẩu cả năm nay sẽ vượt 660 tỷ USD, trong đó dự kiến xuất khẩu trên 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với 2020.
Năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 245 tỷ USD, xuất siêu cao nhất từ trước tới nay với 19 tỷ USD. Dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tình hình trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi;
Chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước, chú trọng công tác đảm bảo tiến độ lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới...
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm giành được hợp đồng "khủng"
Một doanh nghiệp thủy sản tại TP. Hồ Chí Minh vừa giành được hợp đồng xuất khẩu 400 tấn tôm hùm xanh sống trị giá xấp xỉ 20 triệu USD sang Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc).
Đây được coi là một trong những hợp đồng xuất khẩu tôm hùm lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường nước ngoài tính tới thời điểm hiện tại.
Theo đó, doanh nghiệp trúng hợp đồng xuất khẩu tôm hùm "khủng" trên là Công ty TNHH Thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn, trụ sở tại TP Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh và chi nhánh tại Phú Yên, Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, giám đốc doanh nghiệp, xác nhận đơn hàng 400 tấn tôm hùm xuất khẩu sẽ được giao cho hai đối tác tại Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc) với giá bán tương đương 50 USD/kg.
Để đảm bảo được nguồn hàng lớn cung cấp cho đối tác, ngoài số tôm hùm tại vùng nuôi của doanh nghiệp này ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên, bà Thư cho biết đã hợp tác thu gom tôm hùm từ các hộ nuôi tại thị xã Sông Cầu và Cam Ranh, Khánh Hòa.
Hợp đồng giao hàng được thực hiện hằng tuần trong cả năm 2022 giúp đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định cho người nuôi tôm hùm tại thủ phủ tôm hùm Phú Yên, Khánh Hòa.
3 kịch bản cho xuất khẩu dệt may năm 2022
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2021 là năm đầy thách thức với ngành sản xuất dệt may khi đứng trước sức ép về chi phí gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, thâm hụt lao động và áp lực của đại dịch.
Chịu nhiều sức ép nhưng ông Giang cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng 12% so với 2020 và tăng 0,3% so với 2019. "Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại", ông nhận xét.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas, cho rằng tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật... đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ "zero Covid-19" sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Hiệp hội này đưa ra ba kịch bản xuất khẩu dệt may trong năm sau. Kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I, kim ngạch xuất khẩu 42,5 – 43,5 tỷ USD.
Kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 40-41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào quý II.
Kịch bản 3, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38-39 tỷ USD.
Hơn 4.800 xe hàng xuất đi Trung Quốc "tắc" ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng 18/12, tại cửa khẩu Hữu Nghị đang tồn 1.312 xe container hàng, chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử... Năng lực thông quan xuất khẩu của cửa khẩu Hữu Nghị hiện khoảng 150-200 xe mỗi ngày.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, lượng hàng hóa ùn ứ đang rất nhiều, lên tới hơn 2.842 xe container. Trong đó, tồn ở bãi Bảo Nguyên 963 xe; tồn tại khu phi thuế quan 1.456 xe; tồn tại ngã ba đến khu vực B2 đường xuất nhập khẩu chuyên dụng 180 xe và tồn tại bãi Cốc Nam 243 xe.
Xe container ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. (Nguồn: VTV) |
Mặt hàng tồn chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối, mít, xoài đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Định. Tại cửa khẩu Tân Thanh, năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 180-200 xe/ngày.
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm tại cửa khẩu Chi Ma hiện đang tồn 650 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây, cau khô, nhựa thông, phế liệu kén tằm
Thời gian vừa qua, do gia tăng mức độ phòng chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã tăng cường một số biện pháp kiểm dịch đối với người, phương tiện nhập khẩu. Cùng với thời điểm cuối năm, lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tăng cao, từ 1.500 - 1.700 phương tiện/ngày, khiến lượng phương tiện ùn ứ càng gia tăng...
Trong bối cảnh cơ quan chức năng phía Trung Quốc siết chặt quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa để phòng chống dịch Covid-19, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng trước mắt chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng ùn ứ, tồn đọng nông sản, trái cây tại các cửa khẩu phía Bắc, nhất là tỉnh Lạng Sơn.
Cơ quan này khuyến cáo các sở công thương, hiệp hội, doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình từ các tỉnh biên giới phía Bắc để chủ động cân nhắc, điều chỉnh nhịp độ đưa hàng lên biên giới phù hợp năng lực thông quan của các cửa khẩu.
Xuất khẩu cao su “lợi kép” về giá, hướng mốc xuất khẩu 3,1 - 3,2 tỷ USD
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết: Do giá cao su liên tục tăng cao nên so với cùng kỳ năm 2020, dù lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 11,9% nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng đến 40,8%, đạt gần 3 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,7 triệu tấn với giá trị 2,8 tỷ USD. Nếu ổn định sản lượng và giá cao su trên thị trường giữ vững đà tăng, thì khả năng xuất khẩu cao su có thể đạt 3,1 đến trên 3,2 tỷ USD.
“Cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỉ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam. Với vị trí thứ ba toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi Nga, Đài Loan (Trung Quốc)…” - ông Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh.
Các chuyên gia thị trường nhận định, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su trong năm 2021 và có thể cả ở năm 2022 sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, sẽ cho Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung Quốc trong nhiều năm luôn đứng ở tốp đầu về nhập khẩu cao su của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2021, xuất khẩu cao su Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đang tăng trưởng ấn tượng.
Theo cơ quan Hải quan Hàn Quốc, hiện Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Hàn Quốc và nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 7,8% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hàn Quốc, tăng so với mức 6,8% của 10 tháng năm 2020.