Giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2022 ước đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Các FTA "trợ lực" cho ngành dệt may
Theo bà Bùi Ngọc Châu, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2022 tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh các thị trường chính dần trở về cuộc sống bình thường sau đại dịch.
Giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm 2022 ước đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường chủ lực như Mỹ tăng 8,1%, EU tăng 31,2%, Nhật Bản tăng 25%, Hàn Quốc tăng 13,7%.
Đặc biệt, các thị trường được hỗ trợ bởi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là EU tăng 31,2% và Canada tăng 44% ghi nhận tăng trưởng cao. Thị trường Nhật Bản cũng tăng mạnh sau nhiều năm đi ngang hoặc giảm.
Năm 2023, các mặt hàng xuất khẩu sang EU giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình của EVFTA, trong đó các sản phẩm thuộc danh mục B3 sẽ được hưởng thuế suất 0%. Điều này giúp hàng dệt may Việt Nam có thêm sức cạnh tranh tại thị trường này, khi các đối thủ chính như Bangladesh, Pakistan đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0%.
Bên cạnh EU, các thị trường thuộc khuôn khổ CPTPP như Canada tăng 44%, Mexico tăng 68% đã ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2022, cho thấy khả năng CPTPP sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả nhờ vào ưu đãi thuế từ hiệp định.
“Chúng tôi dự phòng tăng trưởng giá trị xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam trong năm 2023 có thể dao động trong phạm vi -4% đến +2% trong khi xuất khẩu sợi nhiều khả năng sẽ đi ngang so với năm 2022”, bà Bùi Ngọc Châu nhận định.
Điểm danh những loại trái cây đang đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông-thủy sản Việt-Trung diễn ra mới đây, các hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai bên diễn ra khá sôi nổi. Phía doanh nghiệp Trung Quốc liên tục gửi thông tin liên lạc cũng như nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu thông tin và chào hàng sản phẩm. Những sản phẩm được quan tâm trao đổi nhiều như: gạo, thanh long, sầu riêng, mít, cà phê, hạt điều…
Ông Ngô Tuấn Dật - Tổng giám đốc mảng trái cây Đông Nam Á, Công ty quản lý chuỗi cung ứng thương mại quốc tế Sunwah (Quảng Đông) cho biết: "Năm ngoái, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với đối tác Việt Nam, thu mua hơn 2.000 container hàng hóa các loại như: sầu riêng, mít, chanh leo, xoài, khoai lang tím… Kế hoạch trong năm 2023 sẽ tăng con số 2.500 container". Do đó, doanh nghiệp này mong muốn kết nối được thêm nhiều đối tác lớn có uy tín và tiềm năng ở Việt Nam để hợp tác, làm ăn.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 175,5 tỉ USD, chiếm 24% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.
Cơ hội xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, để đẩy mạnh, ông Lỗ Siêu, đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định thị trường Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường 1,4 tỉ dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có Nghị định thư như thanh long, xoài, mít... khó phát huy hết tiềm năng.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quản lý chất lượng nông sản, hàng hóa nhập khẩu và đã là một thị trường khó tính. Tổng cục Hải quan Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, trong đó bao gồm cả hình thức biên mậu (tiểu ngạch). Trung Quốc yêu cầu đàm phán, mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; thực hiện quản lý sản phẩm nhập khẩu thông qua ký kết Nghị định thư; sản phẩm nhập khẩu phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Việt Nam đã có các sản phẩm được ký Nghị định thư, gồm: cám gạo, gạo, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang. Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán để ký nghị định thư với: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chôm chôm, xoài, mít. Ớt và chanh leo đang được cho phép xuất khẩu tạm thời. Nhóm trái cây có múi (cam, bưởi…) và dừa đang trong giai đoạn đàm phán kỹ thuật. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã nộp hồ sơ đề nghị mở cửa thị trường cho quả na, thảo quả.
Về việc này, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, hiện Việt Nam có 16 mặt hàng thực vật đang được xuất khẩu sang Trung Quốc gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo, gạo, khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải, chôm chôm, ớt, chanh leo.
Trong đó, 7 sản phẩm đã có Nghị định thư và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang hoàn thiện chuẩn hóa các Nghị định thư cho khoai lang, ớt. Các địa phương có diện tích lớn về ớt, khoai lang và chanh leo cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả… Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp về cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng.
Trước những yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng cao từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm theo các yêu cầu kỹ thuật, kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu của phía bạn.
Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng khi tiêu thụ một lượng lớn hàng hóa nông sản của Việt Nam. Đây cũng là thị trường truyền thống có lịch sử lâu đời với nước ta.
Để khai thác hiệu quả thị trường này, điều quan trọng là phải xác lập tầm nhìn đúng đắn. Trong đó, việc bỏ tư duy buôn chuyến để xem thị trường Trung Quốc là thị trường quan trọng, khó tính, từ đó xác định các doanh nghiệp làm ăn với chúng ta là những đối tác để hợp tác lâu dài là hết sức quan trọng.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc khởi sắc
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong tháng 1/2023 ước đạt 65,8 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo cả năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này đạt khoảng 875 triệu USD, tăng 15% so với năm 2022.
Các sản phẩm mực, bạch tuộc chế biến ăn liền, tiện lợi với giá phải chăng của Việt Nam sẽ tiếp tục được ưa chuộng. (Nguồn: VASEP) |
Mức tăng trưởng dương được dự báo cho xuất khẩu mực, bạch tuộc trong năm 2023 là do vẫn giữ được nhu cầu ổn định từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết, sẽ tiếp tục ảnh hưởng, làm giảm sản lượng khai thác nội địa của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như sản lượng tại các nguồn cung cấp chính cho 2 thị trường này như Morocco, Peru trong năm 2023.
Thông tư 06/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bỏ kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu tiếp tục giúp cho các doanh nghiệp mực, bạch tuộc đa dạng nguồn nguyên liệu trong năm 2023.
Các sản phẩm mực, bạch tuộc chế biến ăn liền, tiện lợi với giá phải chăng của Việt Nam sẽ tiếp tục được ưa chuộng trong bối cảnh người tiêu dùng thế giới tiếp tục đối mặt với lạm phát và nền kinh tế đình trệ trong năm 2023.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mực, bạch tuộc trong năm 2023 dự báo không cao như năm 2022 (với mức tăng 25%) do doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với thách thức về nguồn nguyên liệu và chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine làm xáo trộn thương mại toàn cầu, giá xăng dầu tăng cao, thẻ vàng IUU chưa được gỡ bỏ và lạm phát toàn cầu.