📞

Xuất khẩu ngày 17-21/4: Nhờ VKFTA, Hàn Quốc trở thành quốc gia cung cấp xăng dầu nhiều nhất cho Việt Nam; dệt may 'hụt hơi'

Vân Chi 21:16 | 21/04/2023
Báo Thế giới & Việt Nam điểm lại những tin nổi bật về hoạt động xuất nhập khẩu trong bản tin xuất khẩu ngày 17-21/4.
Nhờ VKFTA, Hàn Quốc "soán ngôi" Malaysia - trở thành quốc gia cung cấp xăng dầu nhiều nhất cho Việt Nam. (Nguồn: Báo Nhân dân)

"Soán ngôi" Malaysia, Hàn Quốc cung cấp xăng dầu nhiều nhất cho Việt Nam

Mới đây, Trung tâm thông tin Vibiz.vn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh đưa ra báo cáo về doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu.

Báo cáo nêu cụ thể, năm 2022, thị trường dầu mỏ thế giới đã trải qua một năm nhiều biến động về giá cả và nguồn cung. Không nằm ngoài vòng xoáy, Việt Nam cũng chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng.

“Dù nguồn cung xăng dầu trong nước được đảm bảo gần 80% nhu cầu tiêu thụ, chỉ nhập khẩu hơn 20%, nhưng thực tế, mức chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm và dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu sản xuất xăng dầu hàng năm vẫn rất lớn”, báo cáo nêu rõ.

Cũng trong năm 2022, xuất khẩu xăng dầu của Việt Nam đạt 2.099.430 tấn, trị giá 2,04 tỷ USD, giảm 11,3% về lượng và tăng 42,1% về trị giá.

Các thị trường nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chủ yếu của Việt Nam là Đông Nam Á (Campuchia, Singapore, Malaysia, Thái Lan...), Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký.

Đáng chú ý, Campuchia là thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2022, đạt 638.467 tấn, trị giá 656 triệu USD, giảm 2,02% về lượng và tăng 69,9% về trị giá so năm trước, chiếm 30,4% tổng lượng và 32,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; riêng trong tháng 12/2022 đạt 60.790 tấn, trị giá 56,8 triệu USD, tăng 35% về lượng và tăng 26% về trị giá.

Sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 6% trong tổng lượng và 7% tổng kim ngạch, đạt 130.114 tấn, kim ngạch 148,3 triệu USD, tăng 16,2% về lượng và tăng 85,9% về trị giá; riêng tháng 12/2022 đạt 18.760 tấn, trị giá 20,7 triệu USD.

Xuất khẩu xăng dầu sang thị trường Hàn Quốc chiếm 6,2% trong tổng lượng và 6,7% tổng kim ngạch, đạt 130.447 tấn, kim ngạch đạt 138,4 triệu USD, tăng 74,3% về lượng và tăng 173,6% về trị giá trong năm 2022; riêng tháng 12/2022 xuất khẩu tăng 47,9% về lượng và tăng 52,3% về trị giá.

Báo cáo cũng nhìn nhận, Hàn Quốc "soán ngôi" Malaysia - trở thành quốc gia cung cấp xăng dầu nhiều nhất cho Việt Nam.

Tính chung năm 2022, Việt Nam đã chi 8,97 tỷ USD để nhập xấp xỉ 8,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm, tăng gần 28% về lượng và 118,5% (tương đương gần 4,9 tỷ USD) so với năm 2021.

Năm qua, 3 thị trường cung cấp xăng dầu lớn nhất cho nước ta lần lượt là Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Ngôi vị này đã có sự thay đổi, bởi năm 2021, Malaysia là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất, Hàn Quốc xếp thứ 2 và Singapore ở vị trí thứ 3.

Cụ thể, năm 2022, nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt gần 3,22 triệu tấn xăng dầu, tương đương 3,4 tỷ USD, gấp đôi về lượng và gấp 3,5 lần về giá trị so với năm 2021. Giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 1.050 USD/tấn, tăng 72% so với năm 2021.

Nguyên nhân khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia cung cấp xăng dầu nhiều nhất cho thị trường Việt Nam là bởi mức ưu đãi thuế 10% nhận được từ Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Mức thuế này thấp hơn đáng kể so với mức thuế MFN 20% (thuế áp dụng đối với hàng hóa từ các nước thành viên WTO).

Dệt may "hụt hơi"

Tháng 3/2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục giảm 15% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,2 tỷ USD. Lũy kế hết Quý I/2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ 2 liên tiếp xuất khẩu dệt may Việt Nam, bao gồm cả sợi, tăng trưởng âm và cũng là lần đầu tiên sau 10 năm (trừ Quý I/2020 xảy ra dịch Covid) dệt may Việt Nam có Quý I xuất khẩu giảm so cùng kỳ.

Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, trong tháng 3/2023 chỉ duy nhất thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, xuất khẩu của dệt may Việt Nam duy trì tăng nhẹ so cùng kỳ, lần lượt là 9% và 2%, kim ngạch đạt 340 triệu USD và 330 triệu USD.

Các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc xuất khẩu tiếp tục suy giảm. Lũy kế hết Quý I/2023, duy nhất thị trường Nhật Bản xuất khẩu tăng, kim ngạch xuất khẩu đạt 920 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm trước.

Nhận định về tình hình thị trường thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng: Hiện các dự báo đều chưa đưa ra được thị trường sẽ còn trầm lắng trong bao lâu, như vậy xác định phải đối mặt với Quí II vô cùng khó khăn.

Theo đó, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới. Tập đoàn cũng sẽ cập nhật, thông tin kịp thời về diễn biến thị trường để các đơn vị có cơ sở trong việc đàm phán với khách hàng và tổ chức kế hoạch sản xuất.

Các doanh nghiệp cần có sự chia sẻ, tạo sự liên kết về đơn hàng, nguyên phụ liệu, thiết bị, giá và tăng cường sử dụng trong chuỗi với nhau. Quản trị sản xuất hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí không cần thiết trong sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có giải pháp, sắp xếp điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả.

Xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, Samsung được gia hạn doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam?

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định 827/QĐ-TCHQ gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan (doanh nghiệp ưu tiên) đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Thời gian gia hạn đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là 3 năm kể từ ngày 12/2/2023. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên được công nhận doanh nghiệp ưu tiên lần đầu năm 2014.

Công ty Samsung Việt Nam. (Nguồn: VnEconomy)

Tại Việt Nam, Samsung đang vận hành tất cả 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D. Samsung hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều giá trị và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Việt Nam.

Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của Samsung cũng rất xuất sắc (xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam), đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam, với kỷ lục lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD, đạt 732,5 tỷ USD.

Được biết, Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên là giải pháp để thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như chỉ đạo của Chính phủ đối với Tổng cục Hải quan trong việc tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Do đó, công nhận ưu tiên cho các doanh nghiệp chính là hình thức ghi nhận của cơ quan chức năng Việt Nam đối với quá trình chấp hành tốt pháp luật của các doanh nghiệp, góp phần tạo thêm nhiều thuận lợi trong thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu và nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp.

Khi được cấp “chứng nhận” ưu tiên doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi như: giảm nhiều thủ tục hải quan; được thông quan hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí; được Nhà nước vinh danh, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Về lâu dài, lợi ích chiến lược mà doanh nghiệp sẽ được hưởng là khi Việt Nam ký kết hiệp định công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên (AEO) với Hải quan các nước thì doanh nghiệp Việt Nam không những được hưởng chế độ ưu tiên tại nước mình mà còn được hưởng chế độ ưu tiên ở các nước mà Việt Nam đã ký kết.

Hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên, trong đó có 23 doanh nghiệp Việt Nam, 15 doanh nghiệp Hàn Quốc, 15 doanh nghiệp Nhật Bản, còn lại là các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Italy, Đan Mạch...

(tổng hợp)