📞

Xuất khẩu ngày 17-24/11: Ukraine muốn bán thịt heo, trứng, sữa vào Việt Nam; ngành dệt may cập bến 104 thị trường toàn cầu

Vân Chi 21:50 | 24/11/2023
Ukraine muốn bán thịt heo, trứng, sữa vào Việt Nam; xuất nhập khẩu gần tiến sát mốc 600 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 17-24/11.
Ukraine đang đề xuất xuất khẩu các sản phẩm gia cầm, trứng, sữa, sản phẩm trứng gia cầm, thịt heo và phụ phẩm vào Việt Nam. (Nguồn: Báo Nông nghiệp)

Ukraine muốn bán thịt heo, trứng, sữa vào Việt Nam

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc trực tuyến giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến với Thứ trưởng Bộ Chính sách Nông nghiệp và Lương thực Ukraine Markiyan Dmytrasevich diễn ra chiều 23/11.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin, đây là cuộc làm việc đầu tiên sau dịch Covid-19 để hai nước cùng ngồi lại thảo luận về thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, Ukraine đang đề xuất xuất khẩu các sản phẩm gia cầm, trứng, sữa, sản phẩm trứng gia cầm, thịt heo và phụ phẩm vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam mong muốn xuất khẩu thủy sản, thịt heo chế biến, thịt gia cầm chế biến, trứng gia cầm các loại (tươi, sống, chế biến), mật ong sang Ukraine.

Phát triển thị trường là nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy nông sản, trong đó Ukraine là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam.

Hiện, các nhóm hàng xuất khẩu truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Ukraine gồm thủy sản, cà phê, tiêu, điều, hàng dệt may… Ngược lại Ukraine xuất khẩu các mặt hàng chính sang Việt Nam gồm hóa chất, phân bón, ngô hạt, lúa mì.

Thương mại nông lâm thủy sản chiếm khoảng trên dưới 20% trong tổng thương mại nói chung Việt Nam - Ukraine. Theo đó, tổng giá trị xuất nhập khẩu nông sản năm 2021 là 153 triệu USD, chiếm khoảng 19% tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu.

Về phía Ukraine, Thứ trưởng Markiyan Dmytrasevich mong muốn thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Việt Nam, hai bên cùng trao đổi các sản phẩm nông sản hai bên có thế mạnh.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, Cục Thú y đang xem xét hồ sơ đăng ký xuất khẩu thịt gia cầm và phụ phẩm gia cầm của Ukraine sau khi hoàn thành việc đánh giá nguy cơ nhập khẩu thịt heo/sản phẩm thịt heo và sản phẩm trứng.

Đối với thịt heo, sản phẩm thịt heo, Cục Thú y đã nhận được đề nghị bổ sung thông tin để đánh giá nguy cơ nhập khẩu.

Cục Thú y sẽ nghiên cứu tài liệu và trả lời bằng văn bản. Đối với sản phẩm trứng, Cục Thú y đã đề nghị phía Ukraine bổ sung thông tin để đánh giá nguy cơ nhập khẩu, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Phản hồi ý kiến của Cục Thú y, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, thương mại và thông tin, bảo vệ người tiêu dùng (SSUFSCP) - bà Yulia Kostynska, mong muốn biết thêm thông tin để thúc đẩy sản phẩm thịt heo vào thị trường Việt Nam.

Cùng với đề nghị xuất khẩu gia cầm, trứng, sữa và sản phẩm trứng gia cầm, thịt heo và phụ phẩm vào Việt Nam, theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục nhận được yêu cầu mở cửa thị trường đối với quả việt quất và quả táo hồi tháng 7 vừa qua. Cục Bảo vệ thực vật sẽ gửi các đơn vị kỹ thuật thực hiện phân tích nguy dịch hại (PRA) đối với các mặt hàng nêu trên theo quy định.

Ở chiều ngược lại, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, cơ quan thẩm quyền Ukraine mới cho phép 36 doanh nghiệp thủy sản, trong đó 10 doanh nghiệp được phép chế biến xuất khẩu cá tra vào thị trường này.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có nhiều văn bản gửi Cơ quan nhà nước về An toàn thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng Ukraine (SSUFSCP) đề nghị bổ sung cơ sở vào danh sách doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Ukraine nhưng không nhận được phản hồi.

Cũng theo ông Lê Bá Anh, mặc dù hiện nay Ukraine đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng cơ quan thẩm quyền nước này vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, như chỉ số áp dụng nhập khẩu sản phẩm về an toàn thực phẩm chưa phù hợp thông lệ quốc tế.

Trình tự, thủ tục kiểm tra, công nhận các doanh nghiệp vào Danh sách được phép chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và các hướng dẫn của Ủy ban CODEX về hướng dẫn thanh tra, đánh giá, công nhận tương đương về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm giữa các quốc gia.

Xuất nhập khẩu gần tiến sát mốc 600 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 30 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 14,65 tỷ USD. Có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu tháng này gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,83 tỷ USD; dệt may đạt 1,29 tỷ USD…

Tính chung từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 306 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 11, kim ngạch nhập khẩu đạt 14,77 tỷ USD. Có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch “tỷ đô” là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 4,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/11, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 281,62 tỷ USD.

Như vậy, từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 587,62 tỷ USD.

Nửa đầu tháng 11, kim ngạch thương mại thâm hụt hơn 100 triệu USD, nhưng tính chung từ đầu năm đến 15/11, nước ta vẫn xuất siêu tới 24,38 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước. Hàng hoá nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải các loại; thép các loại; xăng dầu các loại...

Bộ Công Thương cũng lưu ý, hiện nay, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam bởi các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có EU luôn yêu cầu cao và chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường.

Vì thế, với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bên cạnh việc quan tâm đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ cần nguồn lực lớn về tài chính, nhân sự mà phải có kinh nghiệm và kỹ năng để ứng dụng thành công, đáp ứng theo đúng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Về triển vọng xuất nhập khẩu hàng hoá từ nay đến cuối năm, thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ tháng 7 đến nay, xuất khẩu hàng hoá đều đạt hơn 30 tỷ USD/tháng và 4 tháng gần đây đạt tổng kim ngạch 125,76 tỷ USD, tương đương mức bình quân 31,44 tỷ USD/tháng.

Con số bình quân đạt được trong 4 tháng gần đây cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 27,61 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023.

Không chỉ giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái, những tín hiệu khởi sắc gần đây giúp chúng ta kỳ vọng hoạt động xuất khẩu năm 2023 về đích ở con số hơn 350 tỷ USD.

Kết quả trên dù chưa bằng mức kỷ lục hơn 371 tỷ USD của năm 2022, nhưng rất đáng ghi nhận trong bối cảnh suốt nhiều tháng khởi đầu của năm 2023 hoạt động xuất nhập khẩu cả nước đối mặt nhiều thách thức và sụt giảm sâu.

Dệt may Việt Nam cập bến 104 thị trường toàn cầu

Chia sẻ tại buổi họp báo Hội nghị tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt Nam(Vitas) năm 2023, ngày 23/11, lãnh đạo Vitas cho biết: "chịu tác động từ suy giảm kinh tế toàn cầu, cầu hàng hóa giảm tại các thị trường lớn và tình trạng quá mua của năm trước khiến xuất khẩu cả năm 2023 giảm đáng kể.

Theo số liệu thống kê đến hết 10 tháng năm 2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt khoảng 33 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước.

Trong bức tranh không mấy sáng của năm nay, điểm được ghi nhận nổi bật của ngành là bứt phá về thị trường và đa dạng mặt hàng xuất khẩu.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay: “Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ , trong đó Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết 9 tháng xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, tiếp đến là Nhật bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD.

Nỗ lực đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng xuất khẩu đã giúp ngành dệt may dần vượt qua khó khăn. (Nguồn: Vitas)

Tiếp đó là Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia 612 triệu USD, Anh quốc 503 triệu USD, Australia 351 triệu USD, Nga 283 triệu USD, Indonesia 279 triệu USD, các thị trường Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) đều hơn 200 triệu USD…

Các doanh nghiệp ngành dệt may đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đi khắp thế giới, trong đó jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 4,385 tỷ USD, quần áo các loại 3,853 tỷ USD, áo thun 3,85 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, quần áo trẻ em 1,7 tỷ USD, vải các loại 1,7 tỷ USD…

“Chính bởi nỗ lực đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng xuất khẩu đã giúp ngành dệt may dần vượt qua khó khăn”, lãnh đạo Vitas nói.

Sang năm 2024, dự liệu thị trường vẫn nhiều khó khăn, nhưng ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 10%, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến 44 tỷ USD. Tín hiệu tích cực là hiện đơn hàng xuất khẩu quý IV đã tốt hơn, kỳ vọng duy trì cho cả năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này, ngành dệt may tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm rác thải nhà kính, đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao.

(tổng hợp)