📞

Xuất khẩu ngày 18-22/10: Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, xuất khẩu gạo 'rộng đường', doanh nghiệp thủy sản nỗ lực phục hồi

Vân Chi 09:25 | 22/10/2021
Xuất khẩu gạo sớm khôi phục; Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; xuất khẩu thép và da giày tăng trưởng tốt...là những tin chính trong bản tin xuất khẩu ngày 18-22/10.

Cơ hội rộng mở với doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài tăng 3 tháng liên tiếp, tháng 9 tăng 19% về lượng, tăng 20,5% về kim ngạch và tăng 1,3% về giá so với tháng 8/2021. So với tháng 9/2020 cũng tăng mạnh 54,5% về lượng, tăng 50% kim ngạch nhưng giá giảm 2,8%, đạt 593.624 tấn, tương đương 293,15 triệu USD, giá trung bình 493,8 USD/tấn.

Tính chung 9 tháng, cả nước xuất khẩu 4,57 triệu tấn gạo, thu về gần 2,42 tỷ USD, giá trung bình đạt 529 USD/tấn, giảm 8,3% về khối lượng, giảm 1,2% về kim ngạch, nhưng giá tăng tới 7,8%.

Xuất khẩu sụt giảm trong 9 tháng được cho là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gây ra những khó khăn trong việc thu hoạch và lưu thông lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ sớm được khôi phục.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nước ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo, khi nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan được dự báo sẽ giảm. Trong khi đó, nhu cầu gạo trên thế giới đang gia tăng.

Bên cạnh đó, theo Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 8/2020 đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong nước trong việc xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu.

Việc tăng xuất khẩu gạo đang tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. (Nguồn: HNM)

Ngoài ra, nhu cầu lương thực thực phẩm thế giới kỳ vọng sẽ phục hồi. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo tiêu thụ gạo toàn thế giới mùa vụ 2021-2022 đạt 512,3 triệu đơn vị, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực cho tiêu thụ gạo thị trường thế giới. Giá gạo trên thế giới đã có sự phục hồi giai đoạn tháng 9 - 10/2021 do nhu cầu thế giới tăng trở lại trong khi nguồn cung có phần hạn chế.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu gạo trong nước từ vụ Thu Đông tăng nhẹ, nhưng điều này không ảnh hưởng đến giá xuất khẩu.

Thực tế, việc tăng xuất khẩu gạo đang tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhờ giá bán cao hơn như Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR), Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG)

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 68,87 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vào nền kinh tế lớn nhất thế giới tập trung vào dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; lĩnh vực điện tử (điện thoại, máy vi tính); giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ… Trong đó, dệt may là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 11,62 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhóm hàng tiếp theo là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 11,6 tỷ USD, tăng mạnh 53,5%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 9,3 tỷ USD, tăng 26,5%; điện thoại và linh kiện đạt 7,09 tỷ USD, tăng nhẹ 1,1%; giày dép đạt 5,53 tỷ USD, tăng 22,7%...

Ngược lại, 9 tháng qua, Việt Nam chi 11,66 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 4,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Như vậy, hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt 80,53 tỷ USD, chiếm 16,64% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, trong đó, Việt Nam xuất siêu hơn 57 tỷ USD.

Xuất khẩu thép cuối năm dự báo tăng trưởng tốt

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, trong 9 tháng qua, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021. Dự báo cuối năm, với nhu cầu tiêu thụ tăng lên, xuất khẩu thép sẽ tăng trưởng tốt.

Cụ thể, theo VSA, thép thành phẩm sản xuất 9 tháng đạt hơn 24,8 triệu tấn, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ thép các loại đạt gần 22 triệu tấn, tăng 32,5% so; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Thép thô sản xuất đạt 17,79 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 17,15 triệu tấn, tăng 22%; trong đó, xuất khẩu đạt 1,59 triệu tấn tấn, giảm 31,7% so với cùng kỳ 2020.

Theo VSA, nhập khẩu thép về Việt Nam là 14,9 triệu tấn với trị giá hơn 11 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 10,6 triệu tấn, với trị giá hơn 9 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới trong 8 tháng năm 2021, tăng 40% về sản lượng và tăng gấp 2 lần về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Đây là động lực thúc đẩy ngành thép giữ được mức tăng trưởng chung thời gian qua.

Nếu tính riêng trong quý III/2021, thép thành phẩm sản xuất đạt gần 7,16 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép thành phẩm các loại quý III đạt hơn 6,2 triệu tấn, giảm lần 7%, so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sự tăng trưởng tốt ở những tháng đầu năm đã giúp ngành thép vẫn giữ được mức tăng tốt trong thời gian qua.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, sau hoạt động tốt trong quý I/2021 do giá cả hàng hóa tăng, doanh nghiệp thép trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc ở mức cao nhất.

Tính riêng quý III/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%.

Xuất khẩu da giày đạt gần 15,6 tỷ USD

Theo tin từ Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, trong tháng 9-2021, xuất khẩu giày dép và túi xách đạt 920 triệu USD, giảm 35,2%, trong đó xuất khẩu giày dép đạt 700 triệu USD, giảm 44,2%...

Tuy nhiên, do các tháng đầu năm 2021 xuất khẩu da giày vẫn tăng cao nên tính chung 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt gần 15,6 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giày dép đạt 13,3 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu túi xách đạt 2,2 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, trong 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành da giày chỉ tăng 4,5%. Chỉ số sử dụng lao động của ngành giảm 23,8%.

Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách tiếp tục giảm mạnh trong các tháng cuối năm do tác động của đại dịch Covid-19 đối với sản xuất.

Sản xuất và xuất khẩu tôm nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu tích cực hơn. (Nguồn: VASEP)

Xuất khẩu tôm tháng 9 tiếp tục giảm, doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam bắt đầu giảm mạnh do sản xuất bị ảnh hưởng vì tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới ở ĐBSCL gia tăng. Sang tháng 9, xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường chính vẫn tiếp tục giảm tuy nhiên đà giảm đã thấp hơn.

Việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9 đã giúp doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất sau dịch bệnh tuy vậy doanh nghiệp vẫn phải “canh cánh” nhiều nỗi lo về nguồn lao động, chi phí, đảm bảo phòng chống dịch để sản xuất an toàn…

Sản xuất và xuất khẩu tôm nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu tích cực hơn nhất là tại một số tỉnh trọng điểm về tôm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhờ tỉnh chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh tốt, doanh nghiệp vừa nỗ lực chống dịch vừa cố gắng duy trì sản xuất.

Tại Sóc Trăng, từ giữa tháng 8, sau 4 tuần tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, các doanh nghiệp trong tỉnh được đưa đón lao động từ các vùng xanh, số lao động đi làm tăng dần theo tình hình phòng chống dịch của tỉnh ngày càng có kết quả khả quan hơn. Đến giữa tháng 9, tỉnh Sóc Trăng công bố trở lại bình thường, lực lượng lao động tại các nhà máy cũng tăng cao hơn.