Như vậy, từ đầu năm đến 15/7, quy mô ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 403 tỷ USD, trong đó, Việt Nam nhập siêu khoảng 1 tỷ USD. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 400 tỷ USD
Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 7, xuất khẩu hàng hóa đạt gần 14,3 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/7 đạt 201 tỷ USD.
Các nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn (đạt 1 tỷ USD trở lên) gồm: điện thoại và linh kiện đạt 1,86 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD; dệt may đạt gần 1,8 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,66 tỷ USD; giày dép đạt 1,09 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, 15 ngày đầu tháng 7, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 16,3 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/7 đạt 202 tỷ USD.
Hai nhóm hàng nhập khẩu "tỷ USD" trong nửa đầu tháng 7 là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,84 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD.
Như vậy, từ đầu năm đến 15/7, quy mô ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 403 tỷ USD, trong đó, Việt Nam nhập siêu khoảng 1 tỷ USD.
Dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước năm 2022 có thể vượt 700 tỷ USD.
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua vẫn phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu duy trì tăng cao.
Hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào các yếu tố như sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTAs của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ở trong nước, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
Trên cơ sở đánh giá tình hình trong nước và thế giới cũng có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phát triển thị trường xuất khẩu, và phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, cụ thể kim ngạch xuất khẩu 2022 tăng trưởng trên 8% so với năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu.
Khai thác EVFTA để hạt điều Việt Nam “vững chân” tại thị trường Pháp
Pháp là một trong những thị trường nhập khẩu hạt điều lớn trong khối EU. Tuy nhiên, để hạt điều Việt Nam “vững chân” tại thị trường này, các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ hơn nữa từ các cơ quan chức năng nhằm khai thác hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp - cho biết, từ năm 2016-2020 lượng tiêu dùng và nhập khẩu hạt điều của Pháp ổn định, tăng 8% về giá trị và 10% về lượng. Lượng lớn hạt điều nhập khẩu vào Pháp là từ Việt Nam. Lượng hạt điều của Việt Nam nhập khẩu vào Pháp qua nước thứ 3 như Hà Lan cũng không hề nhỏ.
Tuy nhiên, 2 năm 2019-2020, thị phần hạt điều của Việt Nam tại Pháp đã giảm từ 61% xuống 46%. Nguyên nhân được ông Vũ Anh Sơn lý giải là do tính cạnh tranh của hạt điều Việt Nam chưa mạnh. Tại các siêu thị, đại siêu thị của Pháp chưa có sản phẩm hạt điều mang thương hiệu Việt Nam. Đa phần doanh nghiệp mới chỉ tập trung bán sỉ mà chưa quan tâm phát triển thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm.
Sự xuất hiện của hạt điều Campuchia tại Pháp lần đầu tiên vào năm 2020 với kim ngạch mặc dù rất nhỏ, chỉ vài chục nghìn USD nhưng là hồi chuông cảnh báo với doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam. “Campuchia trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 vào Pháp chỉ sau 5-7 năm từ chỗ gần như không có thị phần là câu chuyện còn mới, rất có thể xảy ra với hạt điều”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp nhận định.
Trước khuyến cáo của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, đại diện cho các doanh nghiệp ngành hạt điều, ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác thông qua các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, tối đa thuận lợi hóa thương mại cho doanh nghiệp.
Cơ quan xúc tiến thương mại cung cấp nhiều hơn nữa thông tin, dự báo xu hướng tiêu dùng của thị trường EU trong đó có Pháp; hỗ trợ hiệp hội tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại giao thương với nhà nhập khẩu khối EU.
Cá, tôm Việt đón "tin vui" tại thị trường Trung Quốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng mạnh 3 con số 125% -140% từ tháng 3 đến tháng 5, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc trong tháng 6 tăng 32% đạt gần 58 triệu USD. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 333 triệu USD, tăng 84%. Thị trường này được đánh giá có nhu cầu tiêu thụ tốt từ nay đến cuối năm.
6 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đi thị trường Hongkong (Trung Quốc) đạt 427,6 triệu USD, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã “làm khó” cho hàng thủy sản nhập khẩu trong suốt 4 tháng đầu năm nay, trong đó có các nước cung cấp chính cho nước này như: Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Nga, Na Uy, Indonesia và Philippines.
Theo VASEP, gần đây, Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhiều quy định phòng dịch Covid-19 được nới lỏng. Trung Quốc mới đây đã xóa bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh có nhiễm virus Sars-COV-2 sau gần 2 năm thực thi. Đây cũng là tin tích cực đối với các nguồn cung cấp tôm, cá tra cho Trung Quốc trong đó có Việt Nam. Dự báo điều này sẽ giúp cho hoạt động xuất khẩu tôm và cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những quý cuối năm.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Nafiqad) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, với việc điều chỉnh quy định trên, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ bớt gặp khó hơn trong xuất khẩu nửa cuối năm 2022.
Theo đó, với những lô hàng bị nhiễm Covid-19, doanh nghiệp sẽ không bị đình chỉ xuất khẩu như trước đây nên hoạt động xuất khẩu không bị ảnh hưởng dây chuyền. Hải quan Trung Quốc sẽ cùng Nafiqad kiểm tra trực tuyến quy trình sản xuất của doanh nghiệp để giám sát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện Nafiqad đang đề nghị phía Trung Quốc ra văn bản chính thức thay vì chỉ gửi thông qua Đại sứ quán nước này tại Việt Nam.
Xuất khẩu xơ, sợi Việt Nam "vượt mặt" Hàn Quốc
Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho thấy, xuất khẩu hàng dệt may, xơ sợi, vải... của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 đạt 18,73 tỷ USD, tăng 20,81% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, xuất khẩu dệt may đạt 14,99 tỷ USD (tăng 22,2%), xơ sợi 2,37 tỷ USD (tăng 10%), vải địa kỹ thuật 376,8 triệu USD (tăng 27%) và nguyên phụ liệu 979,8 triệu USD (tăng 19,2%).
Cơ hội cho ngành xơ, sợi Việt Nam còn rất lớn. (Nguồn: VnEconomy) |
Còn theo con số của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu xơ sợi dự kiến đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này cả năm 2021 là 5,6 tỷ USD.
Với kết quả này, VCOSA cho biết Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ sợi lớn thứ 6 thế giới.
Dệt may của Việt Nam, đặc biệt là sợi tái chế, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu.
Theo phân tích của VCOSA, hai khu vực nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và EU có xu hướng giảm nhập khẩu nguyên liệu dệt từ Trung Quốc trong khi tăng nhập khẩu từ các nước khác. Vì vậy, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu xơ, sợi và dệt may trong tương lai.
Bên cạnh đó, theo WHO, các biến thể mới Covid-19 sẽ tiếp tục xuất hiện vào năm 2022 và thời gian để Covid trở thành loài đặc hữu vẫn còn rất chưa chắc chắn. Do vậy, phân khúc xơ và sợi của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là yếu tố phục hồi chính và sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với may mặc, do việc sản xuất chủ yếu được thực hiện bằng máy móc.
Ngoài ra, một yếu tố khác nữa tạo cơ hội cho các sản phẩm xơ, sợi của Việt Nam có nhiều tiềm năng trong thời gian tới. Đó là hiện nay, sợi nhân tạo tổng hợp từ dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên chiếm hơn 60% thị phần sợi toàn cầu. Do đó, xung đột Nga-Ukraine có tác động trực tiếp và dự kiến sẽ làm tăng giá sản xuất xơ sợi vào năm 2022.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra mạnh mẽ đang tác động và làm thay đổi cũng như mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp sản xuất, trong đó có ngành sợi phát triển.
Theo đó, những lợi thế cũ trong ngành sợi như nhân công giá thấp, nguyên vật liệu truyền thống... sẽ không còn, một loạt các sản phẩm mới được nghiên cứu chế tạo thành công (đặc biệt các sản phẩm sợi tái chế).
Mặt khác, triển vọng phát triển bứt phá của ngành xơ, sợi còn đến từ hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới như CPTPP, EVFTA, RCEP,...