📞

Xuất khẩu ngày 18-24/12: Thêm một loại quả đi đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; quốc gia nào đang mua mạnh tay 'vàng đen' của Việt Nam?

Vân Chi 10:56 | 24/12/2023
Thêm một loại quả xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; doanh nghiệp xuất khẩu đạt gần 355 tỷ USD; quốc gia Đông Nam Á nào mua mạnh tay "vàng đen" của Việt Nam?... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 11-17/12.
Trung bình mỗi năm, giá trị xuất khẩu dưa hấu vào thị trường Trung Quốc khoảng 50 triệu USD. (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Thêm một quả xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sẽ gửi các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói dưa hấu để đăng ký với phía Trung Quốc, nếu được phê duyệt dưa hấu sẽ trở thành loại nông sản thứ 14 được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Trung bình mỗi năm, giá trị xuất khẩu dưa hấu vào thị trường Trung Quốc khoảng 50 triệu USD. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, việc dưa hấu được phép xuất khẩu chính ngạch theo Nghị định thư ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng thêm 30% giá trị cho ngành hàng này, điều này được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu cũng như ổn định giá bán mỗi khi dưa hấu vào chính vụ thu hoạch.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước hiện có 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 địa phương đã được cấp mã số để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tận dụng tốt cơ hội từ thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn hóa từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến xuất khẩu, vận chuyển để tạo chuỗi giá trị.

Theo ông Đạt: "Phải chứng minh là các mã số vùng trồng áp dụng và tuân thủ “hực hành sản xuất nông nghiệp tốt”, kiểm soát tốt các loại dịch hại có khả năng đi theo hàng hóa từ khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và xuất khẩu; xây dựng các hệ thống kiểm soát về mặt chất lượng, truy xuất nguồn gốc để giúp cho việc tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu.

Đồng thời đảm bảo việc xử lý các tình huống, đặc biệt là các trường hợp phát sinh hay được hiểu là những trường hợp không tuân thủ để có những giải pháp cụ thể để khắc phục cũng như đáp ứng điều kiện của nước khẩu".

Doanh nghiệp xuất khẩu đạt gần 355 tỷ USD

Trong bối cảnh vĩ mô kém thuận lợi, tổng cầu thế giới sụt giảm, thương mại toàn cầu đều chịu ảnh hưởng tiêu cực, khiến xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 354,5 tỷ USD. Dù vậy, kết quả này vẫn được coi là nỗ lực lớn.

Từ dệt may, giày dép, thủy sản, đến điện tử đều hụt hơi xuất khẩu hàng tỷ USD do những tác động không thuận của thị trường. Trong đó, xuất khẩu điện thoại, linh kiện ước giảm 4,3 tỷ USD, giày dép ước giảm 4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ ước giảm 2,7 tỷ USD, thủy sản ước giảm 1,7 tỷ USD…

Điểm sáng của xuất khẩu năm nay là nhóm hàng nông nghiệp, khi rau quả “bỏ túi” thêm khoảng 2,6 tỷ USD so với năm 2022, gạo thêm 1,2 tỷ USD, nhân điều thêm 500 triệu USD.

Nhờ tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, kết thúc năm 2023, xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm 4,6%; nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD, giảm 8,6%.

Phân tích về tình hình xuất khẩu trong năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu cho hay: “Nếu so với sự sụt giảm xuất khẩu của các nước trong khu vực, xuất khẩu của nước ta phục hồi tích cực hơn. Cụ thể, sau 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu của Malaysia giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước; Indonesia giảm 12,3%; Singapore giảm 10,8%. Thái Lan và Philippines giảm 3,8% và 6,5% so với cùng kỳ. Ở khu vực Đông Bắc Á, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 11,5%, Nhật Bản giảm 5% và Trung Quốc giảm 5,7%.

Do nhập khẩu giảm mạnh, nên cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 26 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2022.

Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức độ suy giảm đã được thu hẹp, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023, xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023.

Mặc dù mức độ suy giảm trong xuất khẩu được thu hẹp, nhưng về cơ bản vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn, khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng.

Một quốc gia Đông Nam Á mua mạnh tay "vàng đen" của Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than của Việt Nam trong tháng 11 đạt 141.216 tấn, tương đương 35,3 triệu USD, tăng 44,2% về lượng và tăng 33,5% về trị giá so với tháng trước. So với tháng 11/2022, xuất khẩu than tháng này tăng 60,5% về lượng và tăng 9,3% về giá trị.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 673.658 tấn, tương đương 211,3 triệu USD, giảm 41,2% về lượng và giảm 46,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 5/2023, giá than xuất khẩu đã lập đỉnh trong giai đoạn 2020 đến nay với 419 USD/tấn. Tuy nhiên giá mặt hàng này lại liên tiếp lao dốc, chỉ đạt 250 USD/tấn vào tháng 11, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Bình quân 11T/2023, giá than xuất khẩu ở mức 313,6 USD/tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam, chiếm 50,4% về lượng và 49% về kim ngạch trong tổng lượng xuất khẩu 11 tháng năm 2023. Đứng phía sau lần lượt là Nam Phi và Hà Lan.

Xuất khẩu than sang các thị trường chính vẫn chứng kiến mức giảm sâu, tuy nhiên, Philippines lại đang đẩy mạnh mua mặt hàng này của Việt Nam trong những tháng qua.

Cụ thể, xuất khẩu than vào thị trường này trong 11 đạt 27,5 nghìn tấn, kim ngạch đạt 6,2 triệu USD. Trong khi đó, tháng 11 năm 2022, quốc gia này không thực hiện hoạt động nhập khẩu.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippine 55.219 tấn than các loại, tương đương 12,6 triệu USD, tăng đột biến 27.500% về lượng và 15.400% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng nhập khẩu trong 11T/2023 đã gấp 114 lần tổng lượng cả năm 2022.

Tỷ trọng xuất khẩu than các loại sang Philippines chỉ chiếm 8,2% về lượng và 6% về kim ngạch. Tuy nhiên đây là thị trường này đã có sự tăng trưởng mạnh nhất trong 11 tháng năm 2023. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu bình quân 11 tháng sang thị trường này chỉ đạt 229 USD/tấn, giảm mạnh 43,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Là quốc gia vốn phụ thuộc rất lớn vào than đá để sản xuất điện, Philippines chủ yếu nhập khẩu mặt hàng này từ Indonesia, phần còn lại nhập khẩu từ Australia và Việt Nam. Theo số liệu của chính phủ, gần 70% trong tổng số 42,5 triệu tấn than tiêu thụ tại Philippines vào năm 2020 là than nhập khẩu. Bộ Năng lượng Philippines cho biết vào năm 2021, trung bình mỗi tháng quốc gia này nhập khẩu 2,3 triệu tấn từ Indonesia để cung cấp cho các nhà máy điện của mình.

Hồi đầu năm 2022, Indonesia ra lệnh cấm xuất khẩu than, khiến Philippines phải xoay sở tìm kiếm các nhà cung cấp khác, trong đó có Việt Nam.

Về phía Việt Nam, khoáng sản chiếm tỷ trọng cao trong công nghiệp, dùng làm nhiên liệu, năng lượng, công nghệ khí hóa, hóa lỏng… Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ “quay xe” giảm mạnh

Trái với đà tăng của Thái Lan, tuần này giá gạo của Việt Nam đã bất ngờ quay đầu giảm sau khi tăng nhẹ 5 USD/tấn vào cuối tuần trước.

Theo dữ liệu từ VFA, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam hiện ở mốc 653 USD/tấn, giảm 10 USD; gạo 25% tấm cũng điều chỉnh giảm tương ứng xuống còn 633 USD/tấn.

Riêng gạo của Pakistan vẫn giữ giá đi ngang. Theo đó gạo 5% tấm của nước này đang có mức 593 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 513 USD/tấn và loại 100% tấm là 468 USD/tấn.

Lý giải việc giá gạo Thái Lan liên tục tăng trong thời gian qua, các báo cáo của VFA cho biết, do nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn từ các nước khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia và Indonesia hỗ trợ. Bên cạnh đó, tồn kho gạo Việt Nam mỏng trong khi Ấn Độ vắng mặt cũng góp phần giúp Thái Lan trở thành nguồn cung ưu thế trên phân khúc gạo trắng hiện nay.

Một nguyên nhân khác là đồng Baht Thái suy yếu so với đồng USD. Bên cạnh đó, Hiệp hội Các nhà Xay xát Lúa gạo Thái Lan đã tiếp tục nâng giá hướng dẫn trong nước đối với mặt hàng gạo trắng 5% tấm - cũng góp phần hỗ trợ cho thị trường xuất khẩu gạo nước này.

Bảy tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục thống kê. (Nguồn: TTXVN)

Cuối cùng, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan gần đây cũng công bố rằng, ngoài việc dán nhãn có dấu phê duyệt của Cục Lúa gạo khi xuất khẩu, Thái Lan sẽ tuyên truyền và khuyến khích nông dân cải tiến phương thức canh tác, trồng lúa chất lượng cao và bền vững. Hiện Cục Lúa gạo đang nghiên cứu và phát triển các giống lúa nội địa mới có năng suất cao hơn với chất lượng tốt hơn để nông dân có thể trồng trong vụ mùa tiếp theo.

Trong khi đó với Việt Nam, theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, trong những tuần gần đây hầu như việc ký kết đơn hàng mới của họ khá chậm vì giá xuất khẩu hiện ở mức rất cao- chênh lệch lớn so với các nguồn cung khác như Thái Lan, Pakistan. Một nhà xuất khẩu gạo có trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh nói rằng, việc giá chào xuất khẩu cao quá đã khiến nhà mua hàng chuyển sang mua từ các nguồn cung khác.

Trên thực tế, theo các phân tích của giới chuyên môn gần đây, dù các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu gạo rất lớn, song ước tính cả năm 2023 sản lượng nhập khẩu gạo lại giảm.

Điển hình như Philippines, theo tờ BusinessMirror của Philippines, ước tính cả năm 2023, lượng gạo nhập khẩu của Philippines chỉ đạt hơn 3,6 triệu tấn, thấp hơn khoảng 5% so với mức 3.826 triệu tấn của năm ngoái. Nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu giảm là do giá thế giới tăng cao. Trong số các thị trường mà quốc gia này nhập gạo, Việt Nam vẫn là nguồn cung chủ lực với sản lượng trên 2,6 triệu tấn, tương đương giá trị 1,4 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Thái Lan với gần 162.000 tấn và Myanmar 128.000 tấn.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cho rằng, việc hạ giá có thể sẽ khiến họ ký kết được đơn hàng tốt hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 7,9 triệu tấn gạo với giá trị đạt trên 4,53 tỷ USD.

Về triển vọng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhận định, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu trong năm 2024. Cụ thể theo Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

(tổng hợp)