📞

Xuất khẩu ngày 18-24/3: 30 lô sầu riêng xuất Trung Quốc nhiễm cadimi từ đâu? Hoa Kỳ mua nhiều nhất nông- lâm - thủy sản Việt

Vân Chi 18:14 | 24/03/2024
Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu nông- lâm - thủy sản Việt Nam lớn nhất; 30 lô sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm cadimi từ đâu?... là những tin thị trường xuất khẩu nổi bật từ ngày 18-24/3.
Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của nông sản Hoa Kỳ. (Nguồn: Tổng Cục Thủy sản)

Hoa Kỳ là nhà mua hàng lớn nhất của nông- lâm - thủy sản Việt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9,84 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ là nhà mua hàng lớn nhất của nông -lâm -thủy sản Việt với kim ngạch 2,1 tỉ USD.

Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu nông -lâm -thủy sản sang Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông- lâm -thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu nông- lâm -thủy sản từ Việt Nam, với kim ngạch 13,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên năm 2023, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ hai, sau Trung Quốc.

Với kết quả đạt được 2 tháng đầu năm 2024, ông Phùng Đức Tiến nhận xét, từ cơ cấu thị trường để thấy rằng chất lượng nông sản của chúng ta đáp ứng được các thị trường cao cấp. Ví dụ, Hoa Kỳ, châu Âu chúng ta đã có khởi động rất tốt, điều này cho thấy sự phục hồi của các thị trường cũng như việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã gắn với thị trường chặt chẽ hơn.

Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của nông sản Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại nông nghiệp song phương đã đạt hơn 5,5 tỷ USD vào năm 2023. Sự tăng trưởng và chiều sâu của mối quan hệ thương mại giữa hai nước được tạo nên bởi sự kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam - Hoa Kỳ.

Còn theo ông Andrew Anderson - Tùy viên Nông nghiệp Cấp cao, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, người tiêu dùng Hoa Kỳ rất thích nền ẩm thực Việt Nam. Các cửa hàng phở, quán ăn của Việt Nam ở khắp nơi trên đất Mỹ.

"Tôi thấy có làn sóng mới dành cho các sản phẩm của Việt Nam. Vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu trái bưởi sang thị trường Hoa Kỳ. Hiện người tiêu dùng Hoa Kỳ đã có thể thưởng thức trái bưởi của Việt Nam", ông Andrew Anderson cho biết.

TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng cơ hội đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu... nhưng Hoa Kỳ không có thế mạnh để sản xuất. Đặc biệt, với 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì đây sẽ là những bạn hàng hết sức thiện chí đối với hàng hóa nông sản Việt Nam.

Dù vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù các sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam ngày càng thâm nhập thị trường quốc tế rộng rãi, năng lực xuất khẩu ngày được nâng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là một thị trường lớn mạnh, có sức tiêu thụ rất lớn, là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, để xâm nhập vào được thị trường này là vấn đề thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, nhu cầu nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ ngày càng có xu hướng tăng trong giai đoạn năm 2019 - 2023, với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1% về trị giá.

Trong năm 2023, nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ đạt 746,4 nghìn tấn, trị giá 1,11 tỷ USD. Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 13 cho Hoa Kỳ, lượng xoài nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất thấp. Cụ thể, xoài Việt Nam chỉ chiếm 0,1% tỷ trọng xoài tươi; 0,4% tỷ trọng xoài chế biến và 1% tỷ trọng xoài đông lạnh; 0,7% tỷ trọng xoài xấy khô nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T – cho hay, nông sản Việt khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ hay gặp vấn đề chất lượng không đồng đều. Vài lô đầu có thể chất lượng rất ổn, nhưng rồi đến các lô hàng sau lại “xôi đỗ”, có lô phải bỏ đi phần lớn. Lý do thì nhiều, nhưng nên chú ý tới công tác bảo quản. Như hàng rau quả, trái cây, trên đường vận chuyển xuyên Thái Bình Dương có khi bị kém chất lượng bởi container mất lạnh. Hình thức xuất khẩu của phần lớn doanh nghiệp Việt là xuất nợ, thu tiền sau. Vậy nên gặp phải lô kém chất lượng, bạn hàng sẽ từ chối thanh toán, phía Việt Nam dễ mất trắng.

30 lô sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm cadimi từ đâu?

Liên quan đến việc 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm cadimi, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho biết, theo Nghị định thư, phía Trung Quốc giám sát rất chặt chẽ việc đáp ứng tiêu chuẩn của sầu riêng Việt Nam xuất sang nước này.

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật, số sầu riêng bị phát bị nhiễm chất cadimi có thể xuất phát từ khâu trồng trọt bởi cadima là chất thường có trong phân bón hóa học và tồn tại trong thành phần của phân bón chứa lân, Cu và Zn hoặc có sẵn trong thành phần của khoáng chất hoặc được đưa thêm vào như một nguồn vi dinh dưỡng cho cây trồng và vật nuôi.

Ngoài ra, trong quá trình sơ chế, làm sạch sau thu hoạch có thể doanh nghiệp dùng nước rửa nhiễm cadimi hoặc sử dụng hóa chất có cadimi.

Hiện Cục đề nghị các địa phương vào cuộc xác định nguyên nhân cụ thể, chất này nằm trong phân bón, hoặc thuốc bảo vệ thực vật loại gì để giảm ngay việc sử dụng.

Tuy nhiên, để đảm bảo uy tín, Cục đã đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm thu hồi và xử lý các lô hàng vi phạm, đồng thời rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu, khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm.

Trước đó, ngày 18/3, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) có văn bản đề nghị một số địa phương, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốcbị cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

30 lô sầu riêng, (tương đương 30 container, mỗi container từ 15 - 18 tấn) được Trung Quốc tổng hợp, thu thập, thống kê trong thời gian gần đây.

Đến giữa tháng 3, cán cân thương mại thặng dư 6,2 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (từ ngày 1 - 15/3), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 16,67 tỷ USD. Đáng chú ý, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3 có tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng này đã đưa quy mô kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/3 lên xấp xỉ 75,9 tỷ USD, tăng 20,57% so với cùng kỳ năm 2023.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 3 đạt 15,5 tỷ USD. Có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô trong khoảng thời gian này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/3, kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 69,7 tỷ USD, tăng 15,78% so với cùng kỳ năm 2023.

Từ đầu năm đến ngày 15/3, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 145,6 tỷ USD, với cán cân thương mại thặng dư 6,2 tỷ USD.

Riêng trong lĩnh vực rau quả, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thống kê sơ bộ số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 3/2024 xuất khẩu rau quả đạt 433 triệu USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt và vượt con số 1 tỷ USD ngay trong quý đầu tiên của năm.

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tiếp đà hồi phục từ cuối năm ngoái, qua đó tạo tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, ngoài nhóm nông lâm sản có mức tăng khá, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo như điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị cũng có sự bứt phá rõ rệt.

Dữ liệu 2 tháng đầu năm 2024, có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tới các thị trường lớn phục hồi, trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%; EU ước tăng 14,2%, Trung Quốc ước tăng 7,7%...

Sự khởi đầu thuận lợi ngay từ các tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024.

Đề nghị Brazil gỡ rào cản cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam

Theo thông tin mới công bố từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 1/2023, khối lượng cá tra xuất khẩu sang Brazil đạt 1.194 tấn, giảm 79% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil trong tháng 1 đạt 3,06 USD/kg, tăng 3% so với 2,98 USD/kg cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến giữa tháng 2/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil đạt giá trị 10,5 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong xu hướng sụt giảm chung tới hầu hết các thị trường, Brazil vẫn giữ vị trí là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam, chiếm gần 7% tỷ trọng.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Brazil năm 2023 về đích với 113 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022.

Brazil đã đứng ở vị trí thứ 4 về thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. (Nguồn: ivivo)

Brazil là một trong số ít các thị trường đạt tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Trong khi hầu hết các thị trường chính đều chứng kiến sự sụt giảm liên tục trong năm 2023, thì quốc gia Nam Mỹ này luôn đạt mức tăng trưởng 2-3 con số ở phần lớn các tháng trong năm.

2 tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra sang Brazil đều đạt gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Quý IV/2023, Brazil nhập khẩu gần 42 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, tháng 12/2023 xuất khẩu cá tra sang Brazil tăng trưởng 3 con số, gấp đôi so với tháng 12/2022. Nhờ doanh số bán cá tra trong tháng cuối năm 2023, Brazil đã đứng ở vị trí thứ 4 về thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam sau Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, CPTPP trong quý IV/2023

Theo số liệu của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), Việt Nam vẫn là nhà cung cấp cá thịt trắng số 1 cho Brazil. Năm 2023 kết thúc, giá xuất khẩu sang quốc gia này giảm xuống mức thấp, nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng cao, cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Brazil vẫn tốt.

Brazil chủ yếu nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Có đến 90% sản phẩm thủy sản mà quốc gia này mua từ Việt Nam là cá tra. Cùng với cá tra, Brazil nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Vừa qua Brazil chính thức ngừng nhập khẩu các sản phẩm cá rô phi từ Việt Nam kể từ ngày 14/2/2024 cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA). Quyết định này tạo ra những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần lường trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đây có thể được xem là rào cản ban đầu đối với các sản phẩm cá rô phi của Việt Nam, và tiến tới có thể là sản phẩm thủy sản khác tại thị trường Brazil như cá tra. Do đó, doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn về việc lựa chọn con giống cũng như kiểm soát dịch bệnh đối với không chỉ cá rô phi mà còn với cá thịt trắng trong đó có cá tra.