📞

Xuất khẩu ngày 2-4/4: Dư địa cho trái cây Việt tại thị trường Iran; căng thẳng Nga-Ukraine đang tác động đến nhiều ngành hàng

Vân Chi 13:45 | 04/04/2022
Xuất khẩu sang Nga và Ukraine 'gặp khó'; dư địa cho trái cây Việt tại thị trường Iran; quy định mới yêu cầu hàng dệt may vào thị trường châu Âu (EU)... là những thông tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 2-4/4.
Chi phí đầu vào của ngành nông sản gia tăng, chi phí logistics cũng tăng cao đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp. (Nguồn: VnEconomy)

Xuất khẩu sang Nga và Ukraine gặp khó

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine đều gặp khó khăn song lĩnh vực xuất khẩu phải đối mặt với nhiều hệ lụy hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nga trong tháng 2/2022 đạt trên 180 triệu USD, giảm 44,46% so với tháng 1. Đối với Ukraine, xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này trong tháng 2 đạt gần 13 triệu USD, giảm 60,3% so với tháng trước.

Với ngành thủy sản, số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu toàn ngành sang Nga trong tháng 3 vừa qua chỉ đạt 2,7 triệu USD, giảm 86% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Ukraine bị dừng hoàn toàn trong tháng 3.

"Nga chỉ chiếm chưa tới 2% thị phần thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, còn Ukraine là 0,3%. Như vậy, sụt giảm về doanh thu ở 2 thị trường này không đáng kể.

Tuy nhiên, hệ lụy gián tiếp từ xung đột Nga-Ukraine với DN Việt lại không nhỏ. Cuộc xung đột khiến giá dầu mỏ tăng, kéo theo giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, xuất khẩu. Nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ, thậm chí bán tàu, bỏ nghề", đại diện VASEP thông tin.

Trong khi đó, ở một số lĩnh vực, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra tâm lý bất ổn với nhiều quốc gia, khiến họ tăng cường dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết dù xuất khẩu cà phê, gạo... sang các quốc gia này trong quý I/2022 đạt mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đáng nói là chi phí đầu vào của ngành nông sản gia tăng, chi phí logistics cũng tăng cao đã bào mòn đáng kể lợi nhuận của nông dân và DN.

Khó khăn lớn nhất của DN xuất khẩu sang Nga không phải là giảm doanh thu, lợi nhuận mà bị vướng ở khâu thanh toán khiến dòng tiền không thể xoay vòng, thậm chí có nguy cơ mất trắng.

Kim ngạch xuất khẩu không lớn song xung đột kéo dài khiến xuất khẩu hồ tiêu sang Nga trong 2 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 387 tấn, nửa đầu tháng 3 chỉ có 1 container 20 tấn được xuất sang thị trường này. Trong khi đó, DN tiêu của Việt Nam không thể xuất hàng vào Ukraine. Có tình trạng DN đã xuất hàng sang Ukraine nhưng rơi vào thời điểm xảy ra xung đột nên mọi kết nối bị ngắt quãng, hoạt động thanh toán bị ngưng lại. Hiện DN chỉ biết chờ đợi và hy vọng.

Các DN xuất khẩu hàng hóa sang Nga, Ukraine còn lo lắng nguy cơ thất lạc hàng hóa bên cạnh vấn đề thanh toán gặp khó. Nhiều DN kiến nghị nhà nước hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc. Trường hợp không thể liên lạc được với khách hàng, DN rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng Việt Nam đang hoạt động ở 2 thị trường trên.

Nhiều loại trái cây Việt có thể xuất khẩu sang Iran

Tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Iran vừa được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), cho biết, với dân số gần 86 triệu người, Iran là thị trường có dung lượng tiêu thụ lớn trong số các nước khu vực Trung Đông.

Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Iran chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.

Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu các loại nông, thủy sản như hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau củ quả, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ...

Theo ông Nguyễn Thành Long, Thương vụ Việt Nam tại Iran, nông sản Việt Nam và Iran có nhiều sự bổ trợ cho nhau và không có nhiều sự cạnh tranh trong cùng một mặt hàng. Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Iran lớn do hạn hán, mất mùa thường xuyên.

Hàng Việt Nam tương đối được ưa chuộng ở thị trường Iran do chất lượng đảm bảo. Phần lớn người tiêu dùng Iran khi được hỏi cho biết họ có cảm tình với Việt Nam do cũng từng phải chịu sự cấm vận của Mỹ. Đây cũng là lợi thế để hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.

Các sản phẩm nông sản chính mà Việt Nam đang xuất khẩu sang Iran là chè, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả nhiệt đới, cá tra phile. Trong đó, hạt điều, hạt tiêu, cà phê và chè chiếm phần lớn kim ngạch nông sản xuất khẩu sang Iran. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Iran 30 triệu USD hạt điều, 17 triệu USD cà phê, 14 triệu USD hạt tiêu, 7 triệu USD chè.

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam tháng 3/2022 ước đạt 66,73 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước tính đạt 66,73 tỷ USD, tăng mạnh tới 36,8% so với tháng trước (tương ứng tăng tới 17,93 tỷ USD).

Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% (tương ứng tăng 10,64 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 32,67 tỷ USD, tăng 28,7% (tương ứng tăng 7,29 tỷ USD).

Với kết quả trên thì lũy kế 3 tháng của năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 22,17 tỷ USD) so với 3 tháng của năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 10,11 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 12,06 tỷ USD).

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3/2022 ước tính thặng dư 1,39 tỷ USD. Như vậy, lũy kế 3 tháng của 2022, cả nước ước tính thặng dư 809 triệu USD.

12/35 container hạt điều xuất khẩu sang Italy đã được thu hồi

Tính đến ngày 3/4, các công ty Việt Nam đã thu hồi được 12/35 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị mất chứng từ gốc, một thắng lợi rất lớn nhờ những nỗ lực hết sức và hỗ trợ tích cực của các bên liên quan.

Các công ty Việt Nam đã giành lại được quyền sở hữu 9 container hạt điều bị mất chứng từ gốc bằng hình thức đàm phán, xác nhận với phía người mua rằng họ không liên quan đến lô hàng, theo thông tin từ Văn phòng luật sư Davide Gallasso và cộng sự.

Các luật sư đã hết sức nỗ lực làm việc với một công ty Italy và được phía họ xác nhận rằng không liên quan đến 9 container trên và cũng chưa bao giờ mua hàng của Việt Nam. Dựa vào xác nhận đó mà các doanh nghiệp Việt Nam đã lấy ra được 9 container, có thể đổi vận đơn để bán cho khách hàng mới trong thời gian rất ngắn, giảm được tổn thất lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã trả tiền bảo lãnh cho công ty vận chuyển để mang 3 container hàng về Việt Nam.

Một thành công nữa trong vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy là cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán lại được 18 container hàng sang Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phía luật sư cũng cùng với Thương vụ Việt Nam tại Italy kết nối với các doanh nghiệp Việt kiều có uy tín tại các nước như Italy, Đức, Czech, Áo, Bỉ, Hungary hỗ trợ tìm kiếm các nhà phân phối uy tín ở châu Âu để tìm những khách hàng mới. Hiện một số đối tác đã tỏ ra quan tâm, xem xét mua số hạt điều này.

Qua vụ việc trên, luật sư Davide Gallasso khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá, cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, tìm hiểu kỹ đối tác nhập khẩu. "Đồng thời, nên chủ động trong việc thuê tàu vận chuyển, nghĩa là xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF. Bởi vì, việc doanh nghiệp chủ động thuê tàu là đã có quyền kiểm soát chứng từ gốc và hàng hoá tốt hơn", luật sư Davide Gallasso nhìn nhận.

Dệt may xuất sang châu Âu phải có tuổi thọ cao, tái chế được

Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) quy định sinh thái của Liên minh châu Âu vốn được áp dụng cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng, nay sẽ mở rộng sang hàng điện tử, dệt may, đồ nội thất, đệm và lốp xe… nhằm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có vòng đời ngắn ở châu Âu.

Quy định mới này yêu cầu hàng dệt may vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường.

Theo quy định mới của EU, hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường phải có tuổi thọ cao, tái chế được. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Khi hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp các sản phẩm. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm.

Quy định sinh thái của Liên minh châu Âu cũng kêu gọi các công ty thời trang giảm số lượng bộ sưu tập mỗi năm.

Đề xuất của EC về các tiêu chuẩn sinh thái áp dụng cho nhiều loại hàng hoá trong đó có hàng dệt may phản ánh phần nào xu thế tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu. Đây là những thông tin mà các hãng thời trang, những doanh nghiệp may mặc làm ăn ở thị trường châu Âu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, cần sớm cập nhật.

Với quy định này của EC, ngành dệt may Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng quy định sinh thái mới đối với hàng dệt may tiêu thụ tại EU.

Dệt may là ngành có tác động lớn thứ tư đến môi trường và biến đổi khí hậu. Do đó, chiến lược mới sẽ đảm bảo hàng dệt may được sản xuất bền hơn, có thể sửa chữa, tái sử dụng và tái chế, nhằm giải quyết nhanh chất thải thời trang và dệt may.

Các sản phẩm dệt may phải được làm từ càng nhiều sợi tái chế càng tốt, không chứa chất độc hại và tôn trọng đầy đủ các quyền xã hội, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ hàng dệt may chất lượng cao bền hơn.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đánh giá, "xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà các doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là EU, vốn là thị trường nhập khẩu khoảng 4,5 tỷ USD hàng hóa dệt may từ Việt Nam (năm cao điểm nhất).

(tổng hợp)