📞

Xuất khẩu ngày 20-22/11: Giải mã nguyên nhân nông sản Việt chưa thành công khi vào EU; hàng Việt Nam liên tục 'vướng' phòng vệ thương mại

Vân Chi 10:54 | 22/11/2021
Hơn 200 vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam; Xuất nhập khẩu năm 2021 sẽ lập kỷ lục mới; Mỹ tăng mạnh nhập khẩu tôm chế biến từ Việt Nam; Vì sao doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công khi tiếp cận thị trường nông phẩm EU?... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 20-22/11.

Hơn 200 vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu Việt Nam

Tại hội thảo về phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập mới đây, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh, khả năng đối diện với nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là không tránh khỏi.

Theo đó, các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Trước giai đoạn 2005 chỉ có 52 vụ, nhưng từ 2005 đến nay, tổng cộng đã có 208 vụ việc liên quan phòng vệ thương mại được các nước khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu, hồ sơ và phối hợp cùng cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại. (Nguồn: Báo Công Thương)

Trong đó, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh đối với hàng xuất khẩu có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi một số nước có hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam lại sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ một số khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm...

Một số nguyên nhân được lý giải cho hiện tượng trên là xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, tạo sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu. Điều này khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ với hàng Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam nhưng những năm gần đây công cụ này được chủ động sử dụng nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh, công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất trong nước.

Đã có 23 vụ việc phòng vệ thương mại (một nửa trong số này là các vụ việc chống bán phá giá) được Bộ Công Thương khởi xướng điều tra tính đến tháng 11.

Về phía doanh nghiệp, việc chủ động nắm bắt thông tin, cung cấp đầy đủ dữ liệu, hồ sơ và phối hợp cùng cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ giúp họ giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Doanh nghiệp nên trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó trước nguy cơ bị kiện; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định cùng các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đến kết quả xuất khẩu.

Xuất nhập khẩu năm 2021 sẽ lập kỷ lục mới

Bộ Công Thương dự báo, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt từ 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ.

Đây là những nỗ lực của doanh nghiệp sau quá trình vượt qua những khó khăn từ tác động của dịch Covid-19 để duy trì và phục hồi sản xuất. Đặc biệt, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong các ngành có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Ngoài ra, những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu từ 15 - 25% trong năm nay.

Theo nhận định từ Bộ Công Thương, sau 3 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 1 năm thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam- EU (EVFTA), tác động từ những hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa rất rõ, nhất là với thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA. Đơn cử như nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25 - 30%/năm.

Riêng với thị trường EU, Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng Hiệp định EVFTA đang mở rộng những cơ chế ưu đãi mang tính chất bền vững, bởi GSP là cơ chế mang tính đơn phương và sẽ bị rút lại theo thời gian, khi nền kinh tế phát triển hơn.

Thế nhưng với Hiệp định EVFTA, đây là cam kết song phương và những ưu đãi có giá trị tồn tại lâu dài, cả hai bên cùng thực hiện. Vì vậy về lâu dài, giá trị Hiệp định EVFTA mang lại rất lớn.

Hiện nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 lên đến xấp xỉ 20%, là tỷ lệ rất đáng kể. Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU hiện nay có thuế suất thấp nhờ vẫn đang được hưởng GSP nên một số trường hợp, doanh nghiệp không cần xin mẫu C/O EUR1.

Hơn nữa, các lô hàng xuất khẩu sang EU trị giá dưới 6.000 Euro, doanh nghiệp được phép tự chứng nhận xuất xứ. Đây cũng là thuận lợi lớn giúp các doanh nghiệp không phải mất thời gian và thủ tục để xin cấp C/O mà vẫn được ưu đãi về thuế.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay, trước tiên, là vấn đề lao động. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, việc kêu gọi lao động trở lại làm việc gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chưa thể phục hồi 100% công suất.

Bên cạnh đó, do tác động của dịch Covid-19 nên thị trường nguyên liệu của thế giới và dịch vụ logistics đều đang gia tăng chi phí. Những yếu tố này sẽ đẩy áp lực về chi phí cho doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa, Việt Nam đã đưa ra quan điểm thích ứng để sống chung, an toàn cùng dịch bệnh. Nhưng, dịch Covid-19 chưa hết hẳn nên các địa phương vẫn phải áp dụng những biện pháp chống dịch.

Nếu như các địa phương không tuân thủ triệt để Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cũng như có biện pháp chống dịch vượt quá phạm vi, quá mức độ cần thiết sẽ gây tâm lý ảnh hưởng cho doanh nghiệp cũng như niềm tin của nhà đầu tư.

Bộ Công Thương hy vọng, với Nghị quyết 128/NQ-CP và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các biện pháp chống dịch của địa phương có thể vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân, vừa không gây tác động quá lớn hoạt động sản xuất là những vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất để duy trì sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Mỹ tăng mạnh nhập khẩu tôm chế biến từ Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 9 tháng đầu năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 644,6 nghìn tấn tôm, trị giá gần 5,6 tỷ USD, tăng 20% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ chiếm 12% thị phần, với 62.143 tấn, trị giá 658 triệu USD, tăng lần lượt 39% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong các sản phẩm tôm nhập khẩu, tôm thịt đông lạnh (tôm thẻ, tôm sú) chiếm tỷ trọng cao nhất với 179 nghìn tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD. Tôm sú, tôm chân trắng chế biến là sản phẩm được nhập khẩu nhiều thứ 2 với 89 nghìn tấn, trị giá 924 triệu USD. Hai sản phẩm này chiếm 43% nhập khẩu tôm của Mỹ.

Nhìn chung, 9 tháng đầu năm nay, Mỹ có xu hướng tăng nhập khẩu tôm chế biến, giảm nhập khẩu các sản phẩm tôm đông lạnh. Theo đó, nhập khẩu tôm sú, tôm thẻ chế biến tăng 15% về khối lượng và 17% về giá trị. nhập khẩu tôm bao bột tăng lần lượt 23% và 25%. Trong khi đó, nhập khẩu tôm đông lạnh các cỡ đều giảm từ 16-42% về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là top 5 nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ. 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu từ Ấn Độ, Ecuador và Việt Nam đều tăng mạnh, trong khi nhập khẩu từ Indonesia tăng nhẹ 6% và từ Thái Lan giảm 4%. Ấn Độ chiếm thị phần cao nhất, 37% nhập khẩu tôm vào Mỹ với 243 nghìn tấn, đạt trên 2 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu từ Ecuador tăng 47% về lượng và 72% về giá trị so với cùng kỳ, chiếm 18% thị phần.

Vì sao doanh nghiệp Việt chưa thành công khi tiếp cận thị trường nông sản EU?

Trong phiên tư vấn “Global G.A.P – Hộ chiếu tiếp cận thị trường nông phẩm EU” ngày 19/11 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh tổ chức, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công trong tiếp cận thị trường nông phẩm của EU bởi vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp có hiểu biết chưa đầy đủ về Global G.A.P.

“Các bạn có thể nghe nhiều, biết nhiều về các cơ hội xuất khẩu nông sản sang EU nhưng có lẽ chưa hiểu hết những thách thức, khó khăn, những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường EU”, ông Cường nói.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt chưa biết đến hoặc hiểu rõ về Global G.A.P. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Trong thời gian làm việc tại Pháp, Bỉ, Anh, nhiều lần ông Cường đã được nghe các doanh nghiệp nhập khẩu châu Âu hỏi câu đầu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam là sản phẩm được ông bà sản xuất theo tiêu chuẩn nào? Nhiều doanh nghiệp Việt tự tin nói: “Sản phẩm của chúng tôi sản xuất rất tốt theo tiêu chuẩn VietGap, có thể đáp ứng các yêu cầu mà các nhà nhập khẩu châu Âu mong muốn”.

“Chúng tôi không biết VietGap, rất xin lỗi các bạn”, nhà nhập khẩu EU lắc đầu. Vậy là doanh nghiệp Việt hết cơ hội nói chuyện. Trong khi câu trả lời đầu tiên các nhà nhập khẩu EU mong muốn nhận được từ doanh nghiệp Việt Nam là sản xuất theo Global G.A.P. “Như thế cơ hội tiếp cận thị trường, dành được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu châu Âu mới có”, ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy, chuyên gia Global G.A.P, Eurofins Group, cho rằng điều đáng buồn rất nhiều công ty vẫn cho rằng Global G.A.P chỉ là tờ giấy chứng nhận để bán được hàng.

Bán được hàng cho khách ban đầu đã rất khó nhưng để giữ được khách hàng EU 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa thì cần chất lượng ổn định ở từng container hàng xuất đi, không bị cảnh bảo, không bị thu hồi do sử dụng chất cấm.

Dệt may tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Mỹ

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Mỹ vẫn là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, với hơn 6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Tính riêng tháng 5/2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 1,3 tỷ USD, tăng gần 10% so với tháng 4/2021. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí đã ký hợp đồng cả năm 2021.

Dự báo 6 tháng cuối năm 2021 giá trị xuất khẩu của ngành dệt sẽ tăng trưởng đáng kể tại thị trường Hoa Kỳ nhờ kinh tế nước này phục hồi và gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ USD giúp kích thích tiêu dùng của người dân với các hàng hóa cá nhân như quần áo và giày dép.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển cao trong quý I/2021 cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng FOB (sản xuất, hoàn thiện và vận chuyển hàng ra cảng biển) và ODM (thiết kế mẫu, thu mua nguyên vật liệu, cắt may, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và ship hàng.

(tổng hợp)