Dưới ảnh hưởng của Covid-19, đơn hàng dệt may xuất khẩu đang ra khỏi Việt Nam. (Nguồn: Báo Tin tức) |
Hạt tiêu xuất khẩu bị xếp vào ‘luồng vàng’ hải quan?
Theo Tuổi trẻ, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, các doanh nghiệp XK hồ tiêu đang gặp khó do hải quan đưa mặt hàng này vào XK có điều kiện để kiểm soát XK.
Theo đó, các doanh nghiệp khi mở tờ khai XK hồ tiêu thì bị xếp vào “luồng vàng”, tức là bị kiểm tra chi tiết hồ sơ, chứng từ thay vì “luồng xanh” (miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa) như trước.
Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thì việc đi lại để xử lý thông quan tờ khai sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro phơi nhiễm Covid-19.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết, Hiệp hội đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan nêu thắc mắc và khó khăn của các doanh nghiệp.
Trong công văn trả lời từ Cục quản lý rủi ro (Tổng cục hải quan), việc xếp hồ tiêu vào nhóm dược liệu là do quy định của Bộ Y tế trong các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật dược.
Cụ thể, Thông tư 48/2018/TT-BYT quy định mặt hàng hồ tiêu mã số HS 0904.11.20 thuộc danh mục dược liệu XK, nhập khẩu. Dù đến ngày 4/3/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2021/TT-BYT loại bỏ một số mặt hàng trong đó có hồ tiêu ra khỏi danh mục.
Tuy nhiên, tại Điều 3 Thông tư này vẫn quy định: “Trường hợp hàng hoá XK, nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này được sử dụng với mục đích làm thuốc và nguyên liệu làm thuốc thì thực hiện theo các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về dược".
Như vậy, hồ tiêu nằm trong nhóm mặt hàng XK có điều kiện, cơ quan hải quan phải phân luồng kiểm tra theo văn bản quản lý chuyên ngành. Trường hợp xác định doanh nghiệp XK hồ tiêu là dược liệu không dùng cho mục đích làm thuốc thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan trên hệ thống, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh tăng 53,5%
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 146,5 triệu USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng XK chủ lực sang Anh như đồ gỗ xây dựng, ghế ngồi, nội thất nhà bếp, phòng ngủ, nội thất khác đều tăng từ 16% đến 47% trong nửa đầu năm 2021.
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Anh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Ba Lan. Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 3 cho Anh, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 7,5% trong tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của Anh.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) đi vào thực thi, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%).
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đồ gỗ là một trong các ngành hàng XK được hưởng lợi lớn từ Hiệp định UKVFTA. Do đó, vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam khai thác.
Mặt khác, nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao, gỗ cao su từ Việt Nam cũng là loại gỗ mà Anh hay cả EU đều không trồng được nhiều. Đây là những lợi thế của gỗ và sản phẩm gỗ Việt tại thị trường Anh.
Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh.
Hiệp định UKVFTA cũng sẽ giúp cân bằng lợi thế trong sân chơi thương mại cho doanh nghiệp Việt XK sang Anh, đồng thời, gia tăng tính minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra, UKVFTA không chỉ giúp tăng trưởng XK mặt hàng này sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ.
Đơn hàng dệt may có dấu hiệu di chuyển ra khỏi Việt Nam
Dự báo về tình hình sản xuất, XK của ngành trong nửa cuối năm 2021, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng sẽ có rất nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 hiện nay.
Cho dù đơn hàng đã có đến hết quý III, thậm chí là hết năm nay nhưng giá giảm sâu, doanh nghiệp rất áp lực cân bằng giữa sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động với lợi nhuận thu được.
Các nhãn hàng áp dụng tiêu chuẩn đánh giá ngày một cao về nhà xưởng, trang thiết bị, an toàn cháy nổ, lao động, kể cả tổ chức công đoàn. Trường hợp không đáp ứng, doanh nghiệp sẽ không nhận được đơn hàng.
Các nhãn hàng cũng yêu cầu cho thanh toán chậm 2-3 tháng, thậm chí 6 tháng. Điều này nằm ngoài kế hoạch bố trí tài chính ban đầu của doanh nghiệp.
Mặt khác, dù đơn hàng đã tăng trở lại, tuy nhiên, những mặt hàng thế mạnh của dệt may Việt Nam như veston, sơmi vẫn chưa khôi phục. Số đơn hàng veston quay trở lại Việt Nam mới đạt 27%.
Từ cuối tháng 6/2021, nhiều nhà máy sản xuất veston đã phải bỏ vốn đầu tư thiết bị dây chuyền mới để sản xuất các mặt hàng khác, bao gồm cả khẩu trang vải. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng trở lại đây chỉ những doanh nghiệp đầu tư thiết bị sản XK trang đáp ứng các tiêu chuẩn cao của ngành y tế, như khẩu trang N95 còn sản xuất tốt, các loại khẩu trang thông thường cũng ít dần đơn hàng.
Đặc biệt, thời điểm hiện tại, 97% số doanh nghiệp dệt may phía Nam phải đóng cửa. Chỉ còn số ít doanh nghiệp chuẩn bị trang thiết bị, thực hiện “3 tại chỗ.
“Chúng tôi mới nhận được thông tin, trước rủi ro lớn do tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp, một số nhãn hàng đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam, có đơn quay lại thị trường Trung Quốc”, ông Giang thông tin.
Lưu ý về các chính sách mới khi xuất khẩu sang EU
Từ ngày 1/7/2021, EU thực hiện một số thay đổi trong cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), cập nhật và đáp ứng các quy định mới là điều kiện bắt buộc đối với doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hoá sang thị trường này.
Bà Phạm Ái - Giám đốc Môi giới Quốc gia, Công ty UPS Việt Nam - cho biết: Có 3 điểm, doanh nghiệp XK cần lưu ý.
Thứ nhất, việc miễn thuế GTGT đã bị bãi bỏ. Trước đây, hàng hoá nhập khẩu vào EU có giá trị nội tại tối đa 22 Euro được miễn thuế, hiện không còn nữa, toàn bộ hàng hoá nhập khẩu vào EU đều chịu thuế.
Thứ hai, hàng hoá gửi tới người tiêu dùng EU thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc môi trường trực tuyến thì các kênh này có trách nhiệm thu thuế GTGT.
Thứ ba, EU đã cho ra mắt nền tảng nhập khẩu một cửa (IOSS). Doanh nghiệp B2C gửi trực tiếp hàng hoá cho người tiêu dùng tại EU, trị giá tối đa 150 euro thì IOSS sẽ hỗ trợ trong việc thanh toán thuế GTGT.
Bà Phạm Ái nói: “Đây là quy định hoàn toàn mới, việc đăng ký tham gia IOSS là không bắt buộc, tuy nhiên, đây là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thanh toán thuế GTGT và góp phần đẩy nhanh thông quan hàng hoá ở điểm đến”,
Hơn 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái
Mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, song hoạt động biên mậu ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) vẫn duy trì tốt với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao so với năm 2020.
Theo Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tổng trọng lượng hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu từ ngày 1/1 đến 18/7 đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số thu phí đạt hơn 34 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ 2020 và đạt 62,7% kế hoạch cả năm 2021.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, thành phố Móng Cái đã tổ chức xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh tại cửa khẩu đối với các lái, phụ xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu.
Mới đây, Móng Cái cũng đã hoàn tất việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ cư dân biên giới, công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp nhằm tạo môi trường an toàn, phục vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biên mậu.