Quả sầu riêng tuyển chọn trưng bày trong một sự kiện xúc tiến thương mại với Trung Quốc tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Báo Thanh niên) |
Sầu riêng "xuất khẩu nóng"
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cao khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm.
Về thống kê chi tiết, hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2023 như: sầu riêng, mít, xoài, dưa hấu đều có trị giá tăng.
Sầu riêng là loại trái cây có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất, đạt 56,9 triệu USD, tăng 290,8% so với cùng kỳ năm 2022 với thị trường chủ lực là Trung Quốc, chiếm 83% thị phần.
Tuy nhiên, trong tốp 5 loại trái cây mang lại giá trị xuất khẩu nhiều nhất, sầu riêng mới xếp vị trí thứ 3, đóng góp 15,1% tỷ trọng. Chuối là loại quả xuất khẩu mang về giá trị cao thứ 2, đạt 70,271 triệu USD 2 tháng đầu năm, tăng 0,4%, góp 18,6% tỷ trọng ngành hàng trái cây.
Loại quả xuất khẩu mang lại giá trị cao số 1 của Việt Nam vẫn là thanh long với 105,93 triệu USD, tương đương 28,1% về tỷ trọng trong 2 tháng đầu năm, giảm 26,9% so với cùng kỳ 2022.
Thanh long là loại quả tham gia thị trường xuất khẩu sớm, được đàm phán mở cửa đầu tiên ở hầu hết các thị trường khi Việt Nam có quy trình sản xuất, công nghệ bảo quản và giá cả cạnh tranh đối với mặt hàng này.
Thanh long từng là loại quả xuất khẩu đạt giá trị 1 tỷ USD của Việt Nam (giai đoạn 2017-2018) nhưng sau đó bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn cung nội địa tại các thị trường xuất khẩu.
Như tại Trung Quốc, nơi nhập khẩu thanh long nhiều nhất, đã mở rộng vùng trồng thanh long nhiều hơn cả diện tích trồng của Việt Nam.
Qua mấy năm xuất khẩu thanh long gặp khó khăn, các vườn trồng chủ động giảm sản lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường nên không có tình trạng hàng dội chợ phải giải cứu như trước.
Thời điểm hiện tại, trái cây nhiệt đới đang vào mùa, đặc biệt là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu chín với giá rất rẻ, chỉ từ 20.000-40.000 đồng/kg (loại tuyển chọn) nhưng thanh long bán lẻ vẫn có giá 30.000-40.000 đồng/kg, dành cho những ai thực sự có nhu cầu mua.
Tại các cửa hàng trái cây cao cấp, thanh long ruột đỏ vỏ đỏ tuyển chọn vẫn có giá gần 60.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng vỏ vàng giá gần 80.000 đồng/kg.
Thế giới thiếu 8,7 triệu tấn gạo, gạo Việt được hưởng lợi
Theo dự báo của Tổ chức nghiên cứu kinh tế vĩ mô Fitch Solutions thuộc Tập đoàn Fitch, dự báo thị trường gạo toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất hai thập kỷ trong năm 2023.
Fitch Solutions cho rằng sự thiếu hụt ở mức độ này đối với một trong những loại ngũ cốc được canh tác nhiều nhất thế giới dự báo sẽ ảnh hưởng tới các nước nhập khẩu gạo lớn. Trên phạm vi toàn cầu, tác động rõ rệt nhất của tình trạng thiếu gạo là giá gạo đã và vẫn đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ, thậm chí giá gạo sẽ vẫn neo quanh mức cao hiện tại cho tới năm 2024. Báo cáo của Fitch Solution dự báo trong năm 2023, toàn cầu sẽ thiếu khoảng 8,7 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, về nguồn cung lúa gạo toàn cầu, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 đạt mức 503,96 triệu tấn, giảm gần 2%, tương đương giảm gần 11,4 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tại các nước xuất khẩu lớn giảm đáng kể đó là: Ấn Độ từ 130,29 triệu tấn xuống còn 124 triệu tấn; Pakistan giảm từ 9,1 triệu tấn xuống còn 6,6 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022, sản lượng được dự báo này ở mức thấp nhất trong 4 năm gần đây.
Sự lo ngại thiếu hụt gạo toàn cầu đã và đang có những tác động theo hướng có lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ông Đỗ Hà Nam-Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex - cho biết: Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu như dệt may, thủy sản, da giày và gỗ đang sụt giảm nghiêm trọng thì lúa gạo vẫn là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu quý I/2023. Cụ thể, xuất khẩu gạo dù giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Với tình hình thế giới đang tiếp tục có nhu cầu cao về an ninh lương thực như hiện nay, chúng tôi dự báo giá gạo sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Thực tế cũng cho thấy, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 495-500 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 và tăng từ mức 465-470 USD cách đây một tuần.
Trong nước, theo thống kê từ ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua lúa gạo cũng đang ở mức cao do nguồn cung xuống thấp. Cụ thể, tại Hậu Giang, giá lúa IR 50404 được thu mua phổ biến 7.300 đồng/kg, OM 18 là 7.900 đồng/kg, RVT là 8.400 đồng/kg; tại Cần Thơ giá lúa OM 4218 cũng ghi nhận tăng 100 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg so với tuần trước, trong khi đó các loại khác vẫn giữ ở mức cao như IR 50404 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg…
“Từ tháng 3/2023 giá lúa gạo bắt đầu tăng lên cao, vượt đỉnh của năm 2022 và với giá này bà con nông dân rất có lợi”, ông Bạch Ngọc Văn-Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam-Vinafood 2 đánh giá.
Xuất khẩu sang Argentina tăng 18,2%
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, quý I/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina đạt 323 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ đạt 273,3 triệu USD).
Trong các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam, điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất với 218 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tương ứng chiếm 67,58% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sang thị trường này.
Quý I/2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina đạt 323 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ đạt 273,3 triệu USD). (Nguồn: Báo Công Thương) |
Các nhóm hàng xuất khẩu đáng chú ý khác như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
Chiều ngược lại, nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này đạt 533,46 triệu USD, giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (giảm khoảng 168 triệu USD).
Nhóm hàng nhập khẩu chủ lực là ngô và có kết quả là 405.962 tấn, kim ngạch 135,85 triệu USD, giảm khoảng 58% về lượng và giảm khoảng 57% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sụt giảm của nhóm hàng này cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến kim ngạch nhập khẩu từ Argentina giảm mạnh.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ thị trường này là thức ăn gia súc và nguyên liệu với kim ngạch đạt 358 triệu USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, Argentina là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Như đề cập ở trên, quý 1/2023 thương mại song phương Việt Nam-Argentina đạt 856,46 triệu USD, trong đó, nước ta nhập siêu hơn 210 triệu USD.