📞

Xuất khẩu ngày 21-23/7: Australia 'để mắt' tới chanh dây Việt; Bộ Công Thương vào cuộc vụ doanh nghiệp nghi bị lừa đảo tại UAE

Vân Chi 17:23 | 24/07/2023
Australia "để mắt" tới chanh dây Việt; Bộ Công Thương vào cuộc vụ doanh nghiệp nghi bị lừa đảo tại UAE... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 21-23/7.

Australia "để mắt" tới chanh dây Việt

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa cho biết, Cục đã nhận được thông báo của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia (DAFF) về dự thảo “Báo cáo yêu cầu nhập khẩu đối với quả chanh dây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Australia” và gửi cho phía Việt Nam để lấy ý kiến.

Trong phần giới thiệu của báo cáo nêu rõ, chính sách bảo vệ sinh thái của Australia và mục đích của việc phân tích nguy cơ dịch hại đối với quả chanh dây tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhằm bảo vệ nông nghiệp của Australia.

Chanh dây tươi từ các vùng trồng ở Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia trong thời gian tới. (Nguồn: Báo Long An)

Theo đó, chanh dây tươi được thu hoạch từ các vùng trồng ở Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia, nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học. Báo cáo đã xác định có 11 loài dịch hại có nguy cơ về an ninh sinh học, bao gồm ruồi đục quả, rệp, nhện và bọ trĩ.

Nhằm giảm thiểu các nguy cơ này, dự thảo báo cáo đã đề xuất một số biện pháp quản lý nguy cơ như: Thiết lập vùng không nhiễm dịch hại, vùng sản xuất không nhiễm dịch hại hoặc cơ sở sản xuất không nhiễm dịch hại. Việc áp dụng biện pháp xử lý chiếu xạ được xem là hiệu quả trong quản lý các loài ruồi đục quả.

DAFF sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và tham vấn thêm với các bên liên quan. Sau khi xem xét, DAFF sẽ đăng tải báo cáo chính thức trên trang web của DAFF và kết thúc quá trình phân tích nguy cơ dịch hại.

Các yêu cầu để bảo đảm an ninh sinh học được nêu trong báo cáo sẽ là cơ sở để xây dựng điều kiện nhập khẩu và công bố trên hệ thống BICON. Trước khi điều kiện nhập khẩu được công bố trên hệ thống BICON, phía Việt Nam cần chứng minh khả năng áp dụng các biện pháp quản lý nguy cơ để đảm bảo thương mại an toàn đối với chanh dây xuất khẩu từ Việt Nam.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu chanh dây (chanh leo) và các đơn vị kiểm dịch thực vật về việc xin ý kiến góp ý báo cáo yêu cầu nhập khẩu đối với chanh dây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các đơn vị đóng góp ý kiến đối với dự thảo báo cáo nói trên trước khi gửi lại cho phía Australia.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh dây tươi đạt yêu cầu và có nhu cầu xuất khẩu sang Australia trong thời gian tới để sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu của nước nhập khẩu.

Hiệp hội, tổ chức cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật về vùng trồng theo yêu cầu của Australia để sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường Australia khi đã mở cửa thành công.

Năm 2022, sản lượng chanh dây cả nước ước tính 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk. Hiện chanh dây đã xuất khẩu sang các thị trường như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc...

Bộ Công Thương vào cuộc vụ doanh nghiệp nghi bị lừa đảo tại UAE

Vừa qua, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) vừa có Thông báo số 45/TB-HHĐ gửi các doanh nghiệp ngành điều thông tin về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân sang Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Trước thông tin này, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Ngay sau khi nhận được công văn của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam và báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại UAE, Bộ Công Thương đã có Công hàm số 1465/AP-TACP ngày 21/7/2023 gửi Đại sứ quán UAE tại Hà Nội đề nghị Đại sứ quán thông báo với các cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc.

Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, đã nhận được công văn trình báo của một số doanh nghiệp Việt Nam với cùng nội dung, tố cáo một đơn vị nhập khẩu tại UAE cùng ngân hàng nhờ thu tại Dubai lừa ký hợp đồng mua quế, tiêu và điều. Ngay sau khi nhận được công văn trình báo của các doanh nghiệp, Thương vụ đã có Công hàm gửi Bộ Ngoại giao UAE, Cảnh sát Dubai, Ngân hàng Trung ương UAE và một số ngân hàng cũng như hãng tàu có liên quan.

Đồng thời, Thương vụ tiến hành làm việc với một số đơn vị như chi nhánh ngân hàng có liên quan tại Dubai; cảnh sát Dubai và nộp hồ sơ trình báo về vụ việc; hãng tàu và cơ quan chức năng của cảng Jebel Ali.

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, hiện nay, tình trạng lừa đảo tại thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện) hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố. Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất.

Cụ thể, hình thức thanh toán TT trả sau nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Cùng với đó là hình thức phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Hơn nữa, bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì Ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3.

Để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Cụ thể, các phương thức thanh toán như mở thư tín dụng do ngân hàng lập ra theo yêu cầu của đối tác (LC) hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền. Ngoài ra, phương thức thanh toán D/P (nhờ thu kèm chứng từ) có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải bảo đảm an toàn, tránh trường hợp xảy ra như các vụ việc nêu trên do khâu giao chứng từ và nhận chứng từ (nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận. Theo đó, dẫn đến việc nhân viên an ninh ngân hàng giao chứng từ cho bên mua để đi nhận hàng mà bên mua không thanh toán tiền với ngân hàng để trả cho ngân hàng bên bán.

Đơn hàng quay trở lại, gỗ xuất khẩu đón tin vui

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo bà Lê Hải Liễu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP ghế biến gỗ Đức Thành cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh do tác động từ tình hình khó khăn và sức mua sụt giảm của nhiều nền kinh tế lớn. Với Đức Thành, mặc dù xuất khẩu gỗ nửa đầu năm chưa có sự khởi sắc, song so với mục tiêu, kế hoạch công ty đặt ra cho năm 2023 vẫn được đảm bảo.

Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến nay, thị trường xuất khẩu gỗ bắt đầu có những tín hiệu tích cực trở lại khi lượng khách hỏi hàng, khách đi thăm viếng khách, dự hội chợ, khách hỏi giá nhiều hơn. “Trái với một vài tháng trước đây vào thời điểm cuối năm ngoái, thị trường yên ắng lắm, còn bây giờ là bắt đầu khởi sắc lại”, bà Liễu thông tin.

Cũng theo bà Liễu, hiện đơn vị đã có sự chuẩn bị về nguồn lực, để sẵn sàng đón nhận những đơn hàng lớn. “Chúng tôi luôn ở trong tâm thế sẵn sàng. Chúng tôi dự trữ cả nguyên liệu, nhân sự và phương tiện sản xuất để hậu khủng hoảng thì tất cả sẽ ở tư thế sẵn sàng để đón nhận những đơn hàng lớn, đặc biệt là những đơn hàng gấp”, bà Liễu cho hay.

Doanh nghiệp gỗ dần chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. (Nguồn: VnEconomy)

Ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, song song với việc tìm các dòng sản phẩm phục vụ cho thị trường ngách, các doanh nghiệp dần chủ động hơn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới.

Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tái cấu trúc lại nhà máy, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết và nâng cao năng suất. Từ đó, các nhà xưởng có thể cho ra sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn để tăng khả năng thu hút, nhận thêm đơn hàng từ khách hàng cũ.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thông thường chu kỳ đáy của ngành gỗ kéo dài khoảng từ 6 tháng đến 1 năm, do vậy, dự báo sau thời gian ảm đạm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể sẽ phục hồi vào quý IV/2023 và năm 2024. Thực tế, hiện đã có một số tín hiệu lạc quan hơn với tình hình đơn hàng năm 2024 của các doanh nghiệp.

Hiệp hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam cho hay dự kiến trong thời gian tới, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc tăng trở lại với lương tiêu thụ 100.000 tấn/tháng. Còn tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén. Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, (chiếm 98% tổng lượng) đang có tín hiệu tốt.

Với châu Âu, thị trường này dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối. Tuy nhiên, với những cam kết giảm mạnh phát thải và tăng cường sử dụng năng lượng sinh học, xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành gỗ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng tìm hướng đi riêng biệt để tìm kiếm khách hàng mới cho giai đoạn tiếp theo, ứng phó với khó khăn hiện nay.

Ông Patrick Mui, Giám đốc Tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam đánh giá đồ gỗ vào thị trường châu Âu có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách, dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD.

Với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng có nhiều thị trường ngách hơn, hướng tới đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường châu Âu.

(tổng hợp)