Bản tin xuất khẩu ngày 21-24/9: Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đồng ý để Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex nhập khẩu và phân phối 30 triệu liều vaccine Covid-19 Hayat-Vax. (Nguồn: Vimedimex) |
Bộ Y tế cho phép một công ty nhập khẩu 30 triệu liều vaccine Hayat-Vax
Theo Lao động, ngày 16/9, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có công văn về việc nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Cục Quản lý Dược nhận được Đơn hàng số 04/2021/ĐH-VMD ngày 11/9/2021 và các văn bản của Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex về việc nhập khẩu vaccine chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP).
Theo quyết định này, Cục Quản lý Dược đồng ý để Công ty nhập khẩu vaccine tại Đơn hàng số 04/2021/ĐH-VMD ngày 11/9/2021
Tên vaccine là Hayat-Vax, với số lượng 30 triệu liều.
Cơ sở sản xuất bán thành phẩm: Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. - Trung Quốc; Cơ sở đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng: Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Vaccine nhập khẩu để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phải đáp ứng các điều kiện đi kèm việc phê duyệt vaccine được ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vaccine nhập khẩu và bảo đảm việc sử dụng vaccine đúng mục đích, an toàn, hiệu quả theo đúng cam kết.
Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối thuốc và các quy định về dược có liên quan.
Vaccine Covid-19 có tên Hayat-Vax đã được Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vào ngày 10/9.
Trung Quốc thông quan trở lại với thanh long Việt Nam
Sau 7 ngày tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng, hiện phía Trung Quốc đã cho thông quan trở lại với mặt hàng này từ ngày 22/9.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, cho biết phía chính quyền Đông Hưng (Trung Quốc) đã cho thông quan nhập khẩu trở lại đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam sau 7 ngày tạm dừng.
Trong ngày 22/9, một số xe đã được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc với sản lượng mỗi xe khoảng 22 tấn. Sáng 23/9, phía Trung Quốc tiếp tục tiến hành thủ tục nhập khẩu cho các xe.
Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực cầu phao tạm Đông Hưng.
Thời gian là 7 ngày, từ ngày 15-21.9 do phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Được biết, đến thời điểm này, chưa có một tổ chức nào trên thế giới công bố kết quả khoa học chứng minh virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trên hàng hoá, trên thành ô tô hay bao bì sản phẩm
Trong năm 2021, tính đến hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,7 triệu tấn thanh long. Trước đó, cả năm 2020, tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này là 1,92 triệu tấn.
Bộ Công Thương cũng đã đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,08 triệu tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. (Nguồn: Brandsvietnam) |
Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2018
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tháng 8/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.012 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, tăng 4,7% so với tháng 7/2021 và tăng 9,4% so với tháng 8/2020.
Theo đó, tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 1.864 USD/tấn, tăng 8,9% so với 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2021.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8/2021 giảm tháng thứ 5 liên tiếp, đạt 111,7 nghìn tấn, trị giá 224,75 triệu USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 4,4% về trị giá so với tháng 7/2021, nhưng so với tháng 8/2020 tăng 11,5% về lượng và tăng 22% về trị giá.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,08 triệu tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Philippines.
Riêng với thị trường Mỹ, 7 tháng đầu năm 2021, Mỹ giảm nhập khẩu cà phê từ Colombia và Việt Nam. Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy, nhập khẩu cà phê của Mỹ từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 76,47 nghìn tấn, trị giá 147,36 triệu USD, giảm 28,4% về lượng và giảm 27,2% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ cũng giảm từ 11,31% trong 7 tháng đầu năm 2020 xuống 8,17% trong 7 tháng đầu năm 2021.
Xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường trong tháng 8/2021 đều giảm từ 16-50% so với cùng kỳ năm 2020. (Nguồn: TCTC) |
Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 7/2021, các đơn hàng xuất khẩu thủy sản tăng 10-20% so với năm 2020, do nhu cầu thị trường đang tăng cao từ sự phục hồi của thị trường Mỹ, châu Âu, Trung quốc, Nhật Bản...
Tuy nhiên, từ cuối tháng 7, việc giãn cách xã hội do Covid-19 tại các tỉnh, thành phía Nam (khu vực trọng điểm sản xuất, xuất khẩu thủy sản) gây ách tắc nguồn cung ứng giữa các tỉnh, nhà máy thiếu nguồn cung nên tiến độ giao hàng trễ lên đến 40-50%; khoảng 10-15% các đơn hàng bị hủy.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu thủy sản tháng 8 đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.
So với tháng 7/2021 (là tháng vẫn duy trì kim ngạch tăng nhờ lượng hàng dự trữ), tháng 8 xuất khẩu giảm 31%, trong đó tôm giảm 36%, cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%...
Xuất khẩu sang tất cả các thị trường trong tháng 8 đều giảm từ 16-50% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Nhật Bản đều giảm 36%, sang EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Anh giảm 48%, Đức giảm 42%).
Xuất khẩu sang Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%; Australia và Canada giảm 35% và 37%.
Đề xuất thêm cảng biển được nhập khẩu ô tô dưới 16 chỗ
Tại dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BCT, Bộ Công Thương đã đề xuất thêm cảng biển Thanh Hóa (Nghi Sơn) được nhập khẩu ô tô dưới 16 chỗ.
Cụ thể, dự thảo thông tư quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi của Bộ Công Thương nêu rõ, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Thanh Hóa (Nghi Sơn), Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành tại Thông tư số 06/2019/TT-BCT, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi được nhập khẩu về Việt Nam qua 5 cửa khẩu cảng biển gồm: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Như vậy, so với quy định hiện nay, dự thảo đề xuất bổ sung thêm cửa khẩu cảng biển Thanh Hóa (Nghi Sơn) cũng được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ.
Bên cạnh đó, dự thảo thông tư cũng đề xuất không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đó, các trường hợp nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhập khẩu phục vụ các mục đích cá biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, các trường hợp nhập khẩu phục vụ các mục đích trưng bày, hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học; quá cảnh với các nước có chung đường biên giới và kinh doanh chuyển khẩu cũng không được áp dụng.
Thông tư này thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BCT ngày 25/3/2019 của Bộ Công Thương quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử http://moit.gov.vn.